Duy trì 3 tàu tìm kiếm trên biển là hợp lý
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết, 4 người mất tích
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm những nạn nhân mất tích và điều tra vụ việc.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị chức năng, phương án tìm kiếm cứu nạn đặc biệt trong bối cảnh trời đêm, biển động, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các ngành chức năng, địa phương.
Thứ trưởng đánh giá, trong thời điểm đêm tối và có gió như hiện tại, việc duy trì 3 tàu trên biển và một số tàu quanh bờ để tìm kiếm là hợp lý.
"Tôi đề nghị ngoài việc tìm kiếm cứu nạn, yêu cầu các lực lượng CSGT, TTGT kiểm tra việc chấp hành ở 2 đầu bến, quá trình xuất bến, áo phao, giấy phép của thuyền trưởng...", Thứ trưởng nhấn mạnh.
"Số người tử vong quá lớn, quá đau xót!"
Ông Khuất Việt Hùng (bên trái) có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả
Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trực tiếp đến hiện trường thăm hỏi các gia đình nạn nhân, động viên lực lượng chức năng tập trung công tác cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Theo ông Hùng, ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia phân công Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Bộ GTVT vào hiện trường, phối hợp với lãnh đạo địa phương tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ việc.
"Chúng tôi nhìn nhận, đánh giá cao nổ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP Hội An, người dân Hội An đã nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.
Tuy nhiên, khi nghe thông tin báo cáo, tôi thật sự không tin khi nghe được có đến từng ấy người chết, tôi thực sự đau xót. v
Việc chỉ đạo tìm kiếm theo hướng của của lãnh đạo Bộ đội biên phòng, đặc biệt là việc nhờ người dân ở những khu vực lân cận hỗ trợ tìm kiếm là rất hợp lý", ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
Người dân Cửa Đại mong có phép màu với 4 nạn nhân mất tích
Bà Hạnh (bên phải) cầu mong một phép màu đến với những nạn nhân mất tích
Mặc dù trời đã tối, nhưng nhiều người dân Hội An vẫn đứng trên bờ biển theo dõi công tác tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một người dân phường Cửa Đại, Hội An, cho biết, lúc chiều khi nghe tin 39 người gặp nạn trên biển Cửa Đại, bà đã ra bờ biển theo dõi công tác cứu vớt các nạn nhân.
"Tôi cũng như nhiều người Cửa Đại, Hội An rất đau buồn khi số lượng người gặp nạn tử vong quá lớn, có cả phụ nữ, trẻ em.
Người dân chúng tôi, mong muốn lực lượng chức năng sớm tìm kiếm được những nạn nhân còn mất tích, giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp nạn, gia đình các nạn nhân chu đáo, để xoa dịu bớt nỗi đau mất mát quá lớn này", bà Hạnh xúc động.
Trong khi đó, người dân TP.Hội An cũng lập bàn thờ cầu nguyện cho những người đã mất, mong muốn sẽ sớm tìm được những nạn nhân còn lại trong vụ lật tàu.
Tàu gặp nạn do tông vào cồn cát
Ttrao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay theo lời kể ban đầu của những người chứng kiến, cano chạy đúng tốc độ quy định nhưng bất ngờ tông vào cồn cát mới nổi và bị mắc cạn. Phương tiện sau đó bị sóng biển đánh lật úp.
Theo ông Sơn, dù ngày 26/2 sóng biển cao, gió lớn nhưng chưa đến mức cấm biển ra Cù Lao Chàm. Nhiều tàu du lịch vẫn chở khách ra xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) và đã trở về đất liền an toàn.
2 nạn nhân tử vong vụ tàu gặp nạn được phát hiện mắc Covid-19
Xe đưa các nạn nhân được cứu vớt trở về gia đình, địa phương sau khi lấy lời khai tường trình về diễn biến tai nạn chìm tàu. Khi lên xe rời Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đại, nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc va đã bật khóc khi chuyến xe lăn bánh.
Để ổn định tâm lý người gặp nạn, các phóng viên báo chí không được tiếp cận các nạn nhân.
Bên cạnh đó, theo cơ quan chức năng Quảng Nam, qua kiểm tra trong số 13 nạn nhân tử vong, phát hiện 2 người mắc Covid-19 là Nguyễn Thị Kim Lan và Nguyễn Thị Khiêm.
Đơn vị chức năng triển khai công tác hỗ trợ gia đình, người thân thực hiện nhận dạng những nạn nhân tử vong để đưa về quê lo hậu sự.
"Giây phút cứu vớt được các nạn nhân, họ rất hoảng loạn"
Anh Khiêm tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại đơn vị
Tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại đơn vị sau hành trình cứu nạn các nạn nhân vụ lật tàu ở biển Cửa Đại, anh Trần Văn Khiêm, nhân viên kiểm soát hành chính Trạm kiểm soát Đồn biên phòng Cửa Đại- người tham gia cứu vớt người gặp nạn trong vụ chìm tàu, cho biết: "Sau khi nhận tin tàu gặp nạn, với tinh thần cứu người là trên hết, trong khoảng 2 phút sau, chúng tôi đã dùng ca nô cơ động ra vị trí tàu bị chìm, vớt người đưa lên tàu.
Riêng bản thân tôi cứu vớt được 7 người. Cảnh tượng người dân bơi chìm giữa biển hết sức hoảng loạn".
Theo anh Khiêm, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Danh tính 17 nạn nhân tử vong, mất tích vụ tàu cao tốc chìm ở Quảng Nam
Dù trời tối, biển động nhưng công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn rất khẩn trương
Theo cơ quan chức năng, hiện đã xác định danh tính 13 nạn nhân tử vong, gồm:
Dương Thị Khánh Dương (SN 1998, trú tại Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thị Khiêm (SN 1982, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Đỗ Thị Bích Hảo (SN 1983, Công ty May quân đội X20), Đặng Mai Phương (SN 1984, Công ty May quân đội X20), Dương Văn Minh (SN SN 1976, thuộc Công ty May quân đội X20), Nguyễn Văn Hưng (SN 1980, trú tại Đông Anh, Hà Nội). Trịnh Thị Minh Nguyệt (SN 2005, trú tại Đông Anh, Hà Nội), Ngô Thị Oanh (SN 1982, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Ngô Huy Hoàng (2007), Ngô Thị Nga (SN 1988, trú tại Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thị Kim Lan (SN 1973 trú tại 730/68, Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM Nguyễn Thị Thu Lan (SN 1978, trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM), Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971, trú tại 730/68, Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM). Các nạn nhân thuộc nhóm của Dương, Hùng, Oanh.
4 nạn nhân còn đang mất tích, gồm Nguyễn Minh Quang (SN 2019, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Ngô Huy Hiếu (SN 2010, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Mai Anh (SN 2019, trú tại Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Nguyễn Thị Giản Đơn (SN 1998, trú tại Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội). Các nạn nhân này thuộc nhóm của Oanh, riêng nạn nhân Đơn thuộc nhóm của Hùng.
Còn lại các nạn nhân sống sót: Trần Thị Thanh Vân (SN 1996), Nguyễn Thị Huế (SN 1990), Bùi Đăng Minh (SN 1996), Trần Minh Đức (1993), Nguyễn Thị Thuý An (SN 1989), Nguyễn Xuân Hoà (SN 1982), Phạm Ngọc Hùng, Nguyễn Tấn Hiện, Nguyễn Xuân Huy (SN 2006), Nguyễn Huy Vũ (2011), Trịnh Hải Đăng (2007), Ngô Đức Dương (1982), Nguyễn Minh Trình (1988), Trịnh Văn Đức (1983), Lê Hữu Nghị (1983), Nghiêm Thanh Hải (1982), Phạm Thành (1995), Tô Thị Thịnh.
Trong số các nạn nhân này có Lê Thị Dung, Phạm Anh, Bùi Thế Trung thuộc đoàn Bình Dương, còn lại đến từ Hà Nội.
Tuy nhiên, qua đối chiếu danh sách từ lời khai của các nhóm du lịch và từ đơn vị vận chuyển vẫn có một số tên chưa trùng khớp. Hiện đơn vị chức năng đang tiếp tục rà soát, xác minh.
Bệnh viện tập trung cứu chữa các bệnh nhân vụ chìm tàu
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu cho 1 nạn nhân trong vụ chìm tàu cao tốc ở Quảng Nam.
Theo bác sĩ Nhân, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đuối nước, khó thở. Sau khi được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn.
Sóng lớn, biển động, việc tìm kiếm nạn nhân vẫn khẩn trương
Ghi nhận PV tại hiện trường, khu vực biển Cửa Đại có sóng lớn, biển động mạnh, mưa rải rác. Công tác tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích vẫn đang được triển khai rất khẩn trương.
Trên bờ, hàng trăm người đang dõi theo lực lượng tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ ăn bánh mỳ qua bữa, nghỉ sức chuẩn bị thay ca luân phiên thực hiện tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích.
Theo các chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn, khu vực biển Cửa Đại có sóng to, cùng với đó trời tối nên công tác tìm kiếm gặp khó khăn rất lớn. Ngoài lực lượng chức năng, người dân sử dụng thuyền, phương tiện tại chỗ tham gia cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
39 khách trên tàu gặp nạn đi theo gia đình, không phải theo tour
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, tàu chở 39 người gặp nạn là khách du lịch lẻ, đi theo gia đình, không phải khách du lịch theo tour.
Trong số 4 người đang mất tích có 1 phụ nữ, 1 cháu nhỏ sinh năm 2019 và 1 cháu sinh năm 2010.
Hiện Quảng Nam huy động cả thêm các đơn vị lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình sử dụng phương tiện, lực lượng tìm kiếm khu vực ven biển, biển gần bờ, với nỗ lực tìm kiếm sớm nhất các nạn nhân đang mất tích.
Tìm kiếm khó khăn do trời tối, mở rộng ra khu vực lân cận Hội An
Nhiều người dân túc trực trên bờ theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm những người còn đang mất tích
Thượng tá Hồ Song Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong điều kiện đêm tối, sóng lớn, việc tìm kiếm khó khăn, rất có thể các nạn nhân bị trôi dạt ra xa. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương mở rộng tìm kiếm tại các vùng biển, ven bờ khu vực lân cận Hội An.
Thượng tá Hồ Song Ân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam có mặt tại hiện trường phối hợp chỉ đạo công tác tìm kiếm
Đến 19h, rất đông người dân túc trực trên bờ để theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm những người còn đang mất tích.
Huy động cả lực lượng của Bộ Công an tìm kiếm nạn nhân
Trao đổi với PV hiện trường, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh huy động thêm các kíp tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ chìm tàu cao tốc trên biển Cửa Đại.
Lực lượng này bao gồm cả CSGT của Bộ Công an, CSGT địa phương, các đơn vị chức năng và Quân khu V. "Tinh thân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, triển khai phương án để tìm kiếm nạn nhân nhanh nhất", ông Tân nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn vụ chìm tàu 13 người chết
Sau khi nhận được tin, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia phân công Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương đến hiện trường, phối hợp với lãnh đạo địa phương tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ việc.
Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ chìm tàu cao tốc ở Quảng Nam và thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Kiến nghị dùng trực thăng tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ chìm tàu ở Quảng Nam
Trao đổi với PV Báo Giao thông tại hiện trường, Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu V, cho biết lực lượng tìm kiếm được huy động tối đa từ biên phòng, địa phương đến cả người dân địa phương, lực lượng tại chỗ.
"Ngay cả bà con nhân dân cũng rất tích cực tìm kiếm, hỗ trợ các đơn vị. Theo Thiếu tướng Hải, kinh nghiệm từ các vụ việc tìm kiếm cho thấy, vụ tai nạn xảy ra trên khu vực biển, diện rộng nên có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các đơn vị xác định tăng cường tối đa để có thể tìm kiếm nhanh nhất. Đến nay, các đơn vị đã tìm được 35 nạn nhân, trong đó có 13 người tử vong, còn 4 người mất tích. Trong đó có 2 trẻ em", Thiếu tướng Hải nói.
Thiếu tướng Lê Ngọc Hải cho biết, Bộ Tư lệnh Quân khu V đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh phòng không không quân hỗ trợ trực thăng để tìm kiếm vì trời tối, khả năng việc tìm kiếm bị ảnh hưởng.
"Trong ngày mai, các đơn vị sẽ tăng cường phối hợp các biện pháp để tìm kiếm nhanh nhất. Việc hỗ trợ các gia đình có nạn nhân thương vong, mất tích, đơn vị hỗ trợ 5 triệu/nạn nhân mất tích. Đồng thời hỗ trợ người thân, nhân thân các gia đình này trong việc đi lại, lưu trú", ông Hải cho hay.
Nếu nạn nhân không mặc áo phao hoặc mặc không đúng cách sẽ khó tìm kiếm hơn
Lực lượng biên phòng lấy lời tường trình sự việc của những nạn nhân được cứu vớt.
Trao đổi với PV, Ông Phạm Lào, sinh năm 1972, người dân khu vực Phường Cửa Đại (TP.Hội An) cho rằng, nguyên nhân vụ tai nạn có thể do tàu gặp sóng bất ngờ.
"Đặc thù khu vực biển Cửa Đại, Cù Lao Chàm hay gặp sóng gió. Nếu là ngư dân ở đây, rành rõi con nước mới có thể xử lý.
Còn các phương tiện du lịch không có nhiều kinh nghiệm thực tế nếu gặp sóng cao sẽ rất dễ bị tai nạn", ông Lào nói.
Nếu du khách mặc áo phao họ sẽ nổi lên nhưng nhiều giờ nay đi tìm không phát hiện trường hợp nào. Có thể có trường hợp du khách mặc nhưng không cài nút áo phao thì khả năng tìm kiếm sẽ khó hơn", ông Lào nói.
4 nạn nhân vẫn đang mất tích, trong đó có 2 trẻ em
Công việc cứu hộ gặp khó khăn vì sóng tại khu vực bị nạn khá to.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thông tin, đến thời điểm này, trong số 39 người trong vụ chìm thuyền đã có 13 người chết, 4 người đang mất tích.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam có mặt tại hiện trưởng chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn
Trong số 4 người mất tích, có 2 trẻ em. Trong số 39 người trên tàu chủ yếu là người tỉnh Bình Dương và Hà Nội và 2 người địa phương khác.
Hỗ trợ 10 triệu đồng trường hợp tử vong, 4 triệu đồng nạn nhân bị thương
Trực tiếp có mặt hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chia sẻ với nỗi đau mất mát và hỗ trợ gia đình nạn nhân, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong và 4 triệu đồng cho nạn nhân bị thương. Đến nay, các lực lượng chức năng xác nhận 39 người trong vụ chìm thuyền đã có 13 người chết, 4 người đang mất tích".
Tập trung cứu chữa nạn nhân bị thương, hạn chế tối đa thương vong
Trao đổi với PV, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc Gia cho biết, đã tiếp nhận và yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương tập trung công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân còn mất tích.
Đồng thời, lực lượng y tế tăng cường cứu chữa các nạn nhân khác, hạn chế tối đa thương vong. Ngay trong tối nay (26/2), đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc Gia có mặt ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ghi nhận PV tại hiện trường, rất nhều xe cứu thương có mặt tại bờ biển Cửa Đại. Lực lượng y bác sĩ sơ cấp cứu cho các nạn nhân. Sau đó, nhiều nạn nhân được đưa lên xe cấp cứu về phía Đà Nẵng.
Nguồn tin Báo Giao thông cho biết, các lực lượng cứu hộ đã vớt được 35 hành khách. 13 người trong số này đã tử vong.
Tàu gặp nạn khi tham quan Cù Lao Chàm, đang trên đường vào Cửa Đại
Hiện trường khu vực tàu cao tốc gặp nạn
Trao đổi với PV, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam thông tin nhanh, phương tiện gặp tai nạn nói trên mang BKS QNa -1152 do ông Lê Sen làm thuyền trưởng thuộc Công ty du lịch Phương Đông (tại Hội An) đưa khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm, đang trên đường vào Cửa Đại.
Phương tiện này đảm bảo các yêu cầu, quy định về kiểm định, thuyền viên. Hiện lực lượng chức năng tập trung công tác cứu hộ, cứu nạn. Ông Tuấn cho biết thêm: "Đây là tàu cao tốc, có trang bị áo phao".
Trao đổi với PV, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam xác nhận, vụ tai nạn xảy ra ở ngoài khơi biển Hội An.
Các nạn nhân đi du lịch trên một ca nô (có thông tin cho là thuyền du lịch- PV), từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền thì bị chìm.
Trên ca nô có 39 người. Trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. Hiện lực lượng đang tập trung ở biển Cửa Đại, tăng cường cứu nạn cứu hộ để tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Lực lượng chức năng cứu chữa các nạn nhân
Chiều 26/2, chiếc tàu cao tốc chở 36 khách du lịch bất ngờ bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam).
Ông Lê Văn Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam xác nhận, vào khoảng 15h30 cùng ngày, một vụ tai nạn chìm tàu nghiêm trọng vừa xảy ra trên vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Lúc xảy ra tại nạn trên thuyền có 39 người. Sau khi thuyền bị chìm, có 13 người tử vong, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận