Nhiều tuyến quốc lộ, đường Trường Sơn Đông sạt lở nghiêm trọng
Chiều 12/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Hùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, ảnh hưởng của bão số 5 đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn của tỉnh thiệt hại nghiêm trọng.
Quốc lộ 40 B đoạn qua địa bàn huyện Tu Mơ Rông bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Hùng cho biết, ảnh hưởng của bão số 5 đã gây lũ trên các sông Đăk Tờ Kan, Pô Kô và Đăk Bla lên nhanh bất thường. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên tỉnh Kon Tum như Quốc lộ 40, 40B, Quốc lộ 24, đường Trường Sơn Đông, một số tuyến tỉnh lộ huyết mạch đã xảy ra tình trạng sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại về công trình giao thông khoảng gần 13 tỷ đồng.
Ông Hùng cho biết, lưu lượng lũ về nhanh cùng với tốc độ dòng chảy mạnh đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị ngập cục bộ, sạt lở ta luy và gây ách tắc giao thông tạm thời tại quốc lộ 40B đoạn qua xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông).
Cũng theo ông Hùng, Sở Giao thông vận tải trước đó đã có các đoàn khảo sát tại các điểm xung yếu nên khi dự báo lũ đã thường trực các máy móc thiết bị chờ sẵn để khắc phục nhằm giảm thiểu hư hại giao thông và không để xảy ra việc giao thông bị chia cắt trên các tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ".
Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, trong đợt mưa lũ này, thủy điện Đức Nhân (Đăk Hà) đã xả lũ làm nước đầu nguồn về nhiều gây ngập cầu Đăk Wek và có nguy cơ ngập nhà ở hộ dân. Nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra có nguy cơ phải di dời 15 hộ dân thuộc thôn Đăk Rơ Wang (xã Đăk Pxi).
Mưa lớn cũng làm sạt lở đập thủy lợi Đăk Lôi (xã Ngọc Réo), đổ tường rào của UBND xã Ngọk Réo, sạt lở bờ suối Đăk La đoạn gần cầu Ngô Trang, bồi lấp một số ao cá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tại thôn 7 (xã Đăk La).
Tại huyện Đăk Tô có khoảng 20ha diện tích lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp ven sông Đăk Tờ Kan, sông Đăk Pô Kô qua địa phận xã Đăk Trăm, Văn Lem, thị trấn Đăk Tô bị ngập.
Tại huyện Tu Mơ Rông phát hiện bà Y Ben (SN 1968, trú tại thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông) tử vong và được lực lượng chức năng và người dân phát hiện trôi trên sông tại xã Đăk Tờ Kan.
Thừa Thiên Huế: “Giải cứu” 5 người dân làm rẫy về bị nước lũ cô lập
Tối 12/9, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, 5 người dân qua sông làm nương rẫy về bị mưa lũ cô lập đã được lực lượng chức năng ứng cứu an toàn.
Sáng cùng ngày, nước sông cạn nên những người trên tranh thủ băng qua sông A Sáp để làm nương rẫy phía bên kia sông. Đến quá trưa cùng ngày trời mưa lớn, nước sông dâng cao và chảy xiết nên những người này bị cô lập không thể qua sông để trở về nhà.
Khoảng 15h30 ngày 12/9, tổ công tác địa bàn ở xã Hương Phong, thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt phát hiện 5 người nói trên đang mắc kẹt tại khu vực thuộc thôn Hưng Thịnh (xã Hương Phong). Ngay sau đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền xã Hương Phong tổ chức ứng cứu.
Đến 17h30 cùng ngày, toàn bộ những người dân nói trên được lực lượng chức năng ứng cứu và đã về nhà an toàn.
Theo ông Vinh, trong 5 người trên có 2 người ở xã Hồng Thượng và 3 người ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới.
Quảng Trị: Mưa to sau bão số 5, cầu tràn Ba Lòng “chìm” trong nước
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập cục bộ một số tuyến đường nội thị TP Đông Hà, TX Quảng Trị và một số khu vực dân cư như: Khu phố 1, khu phố 3, thị xã Quảng Trị; 10 hộ dân tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ…
Nước dâng cao gây ngập cầu tràn Ba Lòng và gây chia cắt giao thông trên tuyến Tỉnh lộ 588A. Ảnh: MXH
Mưa lớn, nước dâng cao sau bão số 5 “nhấn chìm” cầu tràn Ba Lòng tại Km11+240 trên tuyến đường Tỉnh lộ 588a (huyện Đakrông), gây chia cắt giao thông trên tuyến.
Cầu tràn Đakrông tại Km0+307 QL15D (từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây lên cửa khẩu quốc tế La Lay) bị ngập, ách tắc giao thông, nhưng hiện nước đã rút. Trên tuyến này có một số điểm sạt lở, sụt đất nhỏ lấp rãnh thoát nước dọc.
Đường giao thông thôn Ái Tử (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) bị sạt lở dài 20m... Mưa lớn cũng đã gây sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống tràn Sê Pu tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập làm ách tắc giao thông.
Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập bị gãy và cuốn trôi, với chiều dài 20m, rộng 8m.
Một điểm sạt lở bờ sông Hiếu đoạn hạ lưu cầu treo Cam Hiếu, huyện Cam Lộ.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, tính đến 16h ngày 12/9, mưa lớn cũng đã khiến 289,4 ha lúa tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong bị ngập úng, ngã đổ; 6 ha sắn tại Triệu Phong bị ngập úng.
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong) bị sạt lở dài 40m. Bờ sông Ái Tử đoạn qua thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang bị sạt lở dài 70m đoạn thượng và hạ lưu cầu Bến Lội. Bờ sông Vĩnh Định đoạn qua thôn Đồng Tâm 2 (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) bị sạt lở dài 1,5km, trong đó đó đoạn nguy hiểm 500m.
Mực nước trên các sông đang lên, lúc 16h ngày 12/9, sông Ô Lâu tại Hải Sơn (Trạm Mỹ Chánh) là 2,93m, trên báo động 1 là 0,43m; tại Hải Tân là 2,37m trên báo động 1 là 0,57m.
Sông Thạch Hãn tại Đakrông là 29,80m trên báo động 1 là 0,30m; tại TX Quảng Trị (Trạm Thạch Hãn) và Cửa Việt đang ở mức dưới báo động 1.
Sông Hiếu tại Cam Thành, Cam Lộ (Trạm Đầu Mầu) là 21,18m trên báo động 1 là 0,48m; tại TP Đông Hà (Trạm Đông Hà) đang ở mức dưới báo động 1. Sông Bến Hải tại các trạm Bến Quan, Gia Voòng, Hiền Lương đang ở mức dưới báo động 1.
Thừa Thiên Huế: 37/45 người dân vào rừng chưa liên lạc được
Sáng 12/9, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, có 37 người dân địa phương đi rừng chưa liên lạc được sau bão số 5.
37 người trên nằm trong số 45 người dân tại các địa phương trên địa bàn huyện Nam Đông đã vào rừng để hái lá, lấy mây, làm rẫy… từ những ngày trước bão số 5 theo từng nhóm riêng.
“Trong 45 người trên, có 8 người dùng điện thoại tìm chỗ có sóng điện thoại đã gọi điện về rồi”, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay.
Hiện tại, huyện Nam Đông đang cùng với các gia đình, lực lượng chức năng đang tìm mọi cách liên lạc với những người trên.
Đáng chú ý, mấy năm trước tại huyện Nam Đông cũng đã từng xảy ra sự việc người dân vào rừng sau đó không liên lạc được tương tự, sau đó họ đã trở về nhà an toàn.
Lực lượng chức năng ở Thừa Thiên Huế giúp dân khắc phục nhà bị tốc mái sáng 12/9
Mưa lớn khiến giao thông tê liệt ở Quảng Nam
Chiều 12/9, mưa lớn xảy ra trên diện rộng địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt nặng, giao thông ở nhiều khu vực tê liệt.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, đến chiều nay, tuyến đường Trường Sơn Đông, đoạn Km 120-130 (chưa bàn giao) sạt lở tiếp tục xảy ra tại một số vị trí ở Km123, đất đá vùi lấp mặt đường khiến xe ô tô không qua lại được.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho hay, không chỉ các tuyến QL bị ảnh hưởng, các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện cũng bị sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng.
Tuyến QL14B, đoạn Km 60+180 (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) nước ngập sâu 40cm, kéo dài 8m; tại Km 69+400 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) nước ngập sâu 45cm, dài 10m, người và phương tiện đi lại khó khăn.
Trên tuyến QL14E, đoạn Km 0+250 (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) nước ngập 10-30cm, giao thông cách trở. Đến chiều nay, tuyến QL40B tiếp tục bị chia cắt, tắc đường xảy ra tại ngầm Sông Trường Km 62+378 (địa bàn xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My); tại Km 110+600 (địa bàn xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đất chảy tràn mặt đường dày trung bình khoảng 30cm, cản trở phương tiện đi lại.
Ông Tuấn cho hay, không chỉ các tuyến QL bị ảnh hưởng, các tuyến đường tỉnh lộ, đường huyện cũng bị sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng.
Cụ thể, tại tuyến ĐT.606, ở Km 8+500 (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) sạt lở taluy dương, đất tràn toàn bộ mặt đường. Phương tiện ô tô không thể đi qua, xe máy đi lại hết sức khó khăn.
Tại tuyến ĐT.603, vị trí Km 3+970 nước ngập sâu 15cm, kéo dài 40m; Km 4+550 nước ngập sâu 15cm, dài 30m; Km 5+070 nước ngập sâu 15cm, dài 30m; Km 7+250 nước ngập sâu 20cm dài 50m. Phương tiện đi lại khó khăn.
Tương tự, trên tuyến ĐT.612, tại Km 3+420 (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) sạt lở taluy âm sát mép đường bê tông xi măng; tại Km 19+620 (xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) nước ngập đường tránh tạm thi công cống; ách tắc giao thông và sạt lở taluy âm, nước ngập sâu. Giao thông nhiều khu vực bị tê liệt.
“Không những vậy, đến thời điểm này, mưa lớn, nước lũ dâng cao, trên các tuyến tỉnh lộ còn lại có một số vị trí ngập cục bộ <20cm, nước chảy tràn mặt đường, phương tiện lưu thông bình thường. Để đảm bảo giao thông, các lực lượng, đơn vị đang nỗ lực khắc phục, thông tuyến, đảm bảo giao thông”, ông Tuấn thông tin.
Quảng Ngãi: Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, ngập lụt
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến nay, mưa bão số 5 đã làm 25 ngôi nhà bị tốc mái (Lý Sơn có 15 ngôi nhà, Trà Bồng 9 nhà, Sơn Tịnh 1 nhà) và 73 ngôi nhà ở huyện Bình Sơn bị ngập lụt.
Mưa bão số 5 đã làm 25 ngôi nhà bị tốc mái ở Quảng Ngãi
Ông Bùi Đức Thái, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay các tuyến giao thông tại huyện Bình Sơn, Ba Tơ bị sạt lở, ngập lụt, xói lở.
Cụ thể, tuyến QL24 đi xã Ba Giang và tuyến thôn Làng mạ (xã Ba Tô) bị sạt lở nghiêm trọng. Tuyến đường huyết mạch huyện Bình Sơn tại Đồng Lớn (xã Bình Chương) mưa lụt xói lở nặng; chiếc cầu tạm tại xã Bình Dương bị cuốn trôi, cô lập dân cư.
Tuyến đường cơ động phía Đông Nam trên đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn), các cống thoát nước hư hại. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng (tại các xã Trà Thanh, Sơn Trà, Trà Thủy) bị sạt lở, giao thông tê liệt.
Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt.
Ông Thái cho hay: Theo thống kê sơ bộ, hiện Quảng Ngãi có 897ha lúa bị ngập úng (Sơn Tịnh 245ha, Đức Phổ 5ha, Bình Sơn 171ha, TP Quảng Ngãi 23ha, Tư Nghĩa 267ha, Nghĩa hành 186ha). Diện tích cây trồng hằng năm bị ngập úng hư hại 435 ha; diện tích rau màu thiệt hại hơn 150ha; cây ăn quả 12ha, mía đổ ngã 9ha, hành tỏi 100ha.
Về nuôi trồng thủy hải sản, toàn tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại 7ha nuôi tôm ở huyện Bình Sơn. Có 1 tàu cá của ngư dân QNg 95058 bị chìm.
Khẩn trương khắc phục nhà bị tốc mái sau bão số 5
Trưa 12/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng bão số 5, tính đến sáng 12/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 29 ngôi nhà bị tốc mái; mực nước trên sông Hương, sông Bồ dưới báo động I, nhưng mực nước ở sông Ô Lâu đang lên.
Trong 29 nhà bị tốc mái trên, ở huyện Phong Điền 24 nhà tại các xã Điền Hải, Điền Hòa, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong Xuân và huyện Quảng Điền 5 nhà ở xã Quảng Thái. UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo cho di dời các hộ dân nhà bị tốc mái trên đến nơi an toàn và đã tiến hành che đậy đồ đạc trong nhà...
Sáng 12/9, lực lượng công an, quân sự và UBND xã Điền Hải đã giúp dân khắc phục nhà bị tốc mái. “8 nhà tại xã Điền Hòa đã khắc phục xong, các nhà còn lại tại Phong Điền các địa phương bố trí lực lượng để giúp các hộ dân khắc phục xong trong ngày 12/8.
5 nhà bị tốc mái tại Quảng Điền có mức độ thiệt hại nhẹ hơn, dưới 30%, trong đó có hộ cận nghèo, hiện các lực lượng xung kích của xã đã cùng gia đình tiến hành khắc phục xong”, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, sáng 12/9, nhiều địa phương bị ngập cục bộ nước đã rút, nhưng mực nước sông Ô Lâu đang lên. Trước đó, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 đã gây ngập lụt cục bộ nhiều địa phương tại huyện Phong Điền. Tỉnh lộ 11B đoạn qua xã Phong Xuân cũng bị ngập cục bộ, có đoạn ngập sâu 0,7m…
Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, gió giật cấp 9
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay sau khi đi vào vùng biển miền Trung.
Cụ thể, lúc 6h sáng nay, 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất: cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.
Mực nước các sông ở Quảng Nam đang lên, nguy cơ có thêm nhiều tuyến đường bị ngập, giao thông chia cắt.
Dự báo áp thấp nhiệt đới trong những giờ tiếp theo di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km, đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển: Từ vĩ tuyến 14,5 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong sáng nay (12/9), vùng ven biển khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.
Dự báo thời tiết trên đất liền hôm nay, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Bình Định và Gia Lai, Kon Tum có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Quảng Trị: Khắc phục tạm ngầm tràn bị nước cuốn trôi
Sáng 12/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được từ 19h ngày 10/9 đến 7h ngày 12/9 phổ biến từ 100-200mm, một số nơi cao hơn như tại Mỹ Chánh 224mm, Thạch Hãn 223mm, Tà Rụt 254mm.
Mực nước trên các sông hiện đang ở mức dưới báo động I, riêng tại Hải Tân trên báo động I. Đáng chú ý, mưa lớn đã gây sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống tràn Sê Pu tại bản Sê Pu (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) làm ách tắc giao thông.
Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) bị gãy và cuốn trôi, với chiều dài 20m, rộng 8m.
Ngoài ra, tại huyện Vĩnh Linh, diện tích lúa bị gãy đổ thiệt hại 30% của 507 ha, diện tích thủy sản (tôm nuôi) bị chết 8ha.
Nước trên sông Hiếu phía thượng lưu cầu Đông Hà sáng 12/9
“Hệ thống cống tràn Sê Pu đã được khắc phục tạm thời để phục vụ người dân thôn Sê Pu và Cù Bai thuộc xã Hướng Lập, huyên Hướng Hóa đi lại. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi đã được UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục tạm thời để người dân đi lại”, đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Hải Lăng, khoảng 50 nhà dân tại xã Hải Ba bị lốc xoáy làm tốc mái tối 11/9. Nhiều cây bóng mát dọc các tuyến đường bị gãy đổ, tường rào nhà máy nước Hải Lăng bị sập làm sạt lở một số nhà dân ở bên cạnh.
Quảng Nam: Tuyến đường Trường Sơn Đông sạt lở, ô tô không đi lại được
Sáng 12/9, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, vào lúc 9h sáng nay, tại tuyến đường Trường Sơn Đông xảy ra sạt lở đất, vùi lấp mặt đường.
Cụ thể, tại đoạn Km 120-130 (chưa bàn giao) ở một số vị trí Km 123 xảy ra sạt lở đất đá vùi lấp phần lớn mặt đường, làm xe ô tô không qua lại được.
Trên tuyến QL.40B, mưa lớn tiếp tục gây ngập làm tắc đường tại ngầm Sông Trường Km 62+378 - Xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.
Tại tuyến ĐT.606, vị trí Km 8+500 (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) sạt lở taluy dương, đất tràn toàn bộ mặt đường.
Trên tuyến ĐT.603, đoạn Km 3+970 nước ngập sâu 15cm, dài 40m; Km 4+550 nước ngập sâu 15cm, dài 30m; Km 5+070 nước ngập sâu 15cm dài 30m và Km 7+250 nước ngập sâu 20cm dài 50m, phương tiện đi lại khó khăn. Còn các đoạn còn lại trên tuyến vẫn thông xe bình thường.
Hiện trường điểm sạt lở trên tuyến ĐT 606 tại Km 54+400.
Theo ông Tuấn, tại các vị trí, điểm sạt lở đất, hiện các đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, cảnh báo người đi đường, đồng thời thực hiện hót dọn, di chuyển đất đá, thông đường sớm nhất có thể.
Cũng trong sáng 12/9, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nhận định sẽ tiếp tục có một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tắc đường do mưa lớn, lũ trên các sông dâng cao.
Hiện, Sở GTVT Quảng Nam đã thông tin đến các địa phương phối hợp, tổ chức thực hiện phương án 4 tại chỗ, lo trữ lương thực, thuốc men.
Trên QL40B, ngầm sông Trường đoạn qua thôn Long Sơn, xã Trà Sơn (huyện Bắc Trà My) vẫn ngập sâu trong nước lũ. Để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, lực lượng công an và dân quân xã vẫn duy trì chốt chặn, không để người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Tuyến đường QL40B là tuyến giao thông huyết mạch của các xã vùng cao huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My. Mưa lớn, lũ về, khiến tuyến đường này có khả năng bị chia cắt kéo dài. Hiện nay, nhiều đoạn tuyến trên một số tuyến đường tỉnh lộ vẫn bị ngập do nước lũ dâng cao, phương tiện đi lại khó khăn.
Cụ thể, trên tuyến ĐT.603, đoạn Km 4+100 - Km 4+270 nước ngập sâu 30cm; tuyến ĐT.607, tại Km 4+870 nước ngập sâu 30cm; tuyến ĐT.609, nước ngập tại đoạn Km 14+900 (T) nước ngập sâu 30cm; tuyến ĐT.619, tại đoạn Km 42+000 nước ngập sâu 20-30cm dài 80m.
Theo ông Tuấn, hiện mực nước ở hầu hết các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên nhưng đều đang ở mức xấp xỉ báo động I. Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT Quảng Nam chỉ đạo Đội Quản lý bến thủy nội địa Quảng Nam và đề nghị các Đồn Biên phòng kiểm soát chặt chẽ không cho các phương tiện xuất bến và hạn chế đối với các phương tiện xuất bến trong trường hợp cần thiết nhất (trường hợp cần thiết xuất bến phải đảm bảo an toàn).
Sáng sớm nay (12/9), mưa to, gió lớn tiếp tục diễn ra trên đảo Lý Sơn, tuy nhiên, đến sáng nay Lý Sơn vẫn chưa thống kê được thiệt hại do mưa bão số 5 gây ra.
Không chỉ ở vùng biển, đảo Lý Sơn, tại các vùng ven biển Quảng Ngãi, mưa lớn, gió mạnh cũng xuất hiện từ chiều tối qua đến nay. Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, đến sáng nay, mưa kèm theo gió cấp 5-6 vẫn tiếp tục diễn ra. Cập nhật thông tin sơ bộ, trên địa bàn huyện không xảy ra thiệt hại đáng kể nào.
Quảng Ngãi: Tuyến QL1 tại Km 1047+300 bị ngập sâu toàn bộ mặt đường
Sáng 12/9, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ngãi thông tin, mưa to liên tục từ đêm qua đến sáng nay, khiến tuyến QL1 tại Km 1047+300 đoạn qua xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) ngập khá sâu toàn bộ mặt đường.
Video: Nước lụt gây ngập tràn mặt đường QL1 tại Km 1047+300 khoảng 0,5m, dài khoảng 100m, hình ảnh ghi lại trong sáng nay 12/9.
Hiện mực nước tại vị trí này ngập sâu mặt đường khoảng 0,5m, dài khoảng 100m. Lượng nước ngập ứ đọng mặt đường gần như không thể chảy thoát kịp nên nguy cơ tiếp tục bị ngập sâu, kéo dài.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng CSGT đã triển khai biện pháp cảnh báo, hướng dẫn giao thông qua lại.
Các phương tiện lưu thông trên QL1 được hướng dẫn dừng đỗ nề nếp, đảm bảo giao thông khi tài xế thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm soát ở đèo Bình Đê.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ngãi, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, cùng với nhiệm vụ trực chốt, kiểm soát phương tiện giao thông tại các chốt kiểm soát y tế trên địa bàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày hôm qua đến nay, lực lượng CSGT thực hiện TTKS trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông, ứng phó với mưa lũ.
Đội xung kích xã Tịnh Trà cứu được 2 người bị lũ cuốn
Quảng Ngãi: Đội xung kích cứu 2 người bị lũ cuốn trôi, dầm mưa giúp dân thu hoạch lúa
Tối 11/9, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cho hay, vào khoảng 18h15', trên đoạn đường liên thôn Trà Bình - Thạch Nội đoạn qua cầu Gò Viên, xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh), 2 thanh niên trên đường đi làm về bị nước cuốn trôi.
Nhận được tin báo từ người dân, Đội Thanh niên xung kích xã Tịnh Trà phối hợp cùng lực lượng dân quân, công an xã đã triển khai cứu hộ, tìm kiếm.
Khi phát hiện người bị nạn, Bí thư Đoàn xã Lê Khánh Hoà và Trung đội trưởng dân quân cơ động bơi ra tiếp cận 2 thanh niên, dùng phao cứu sinh, dây thừng kéo vào bờ.
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng cho biết: Trong ngày, đoàn viên, thanh niên ở các địa phương ra sức giúp dân thu hoạch mùa màng, vật nuôi, chằng chống nhà cửa giúp dân tránh bão.
Dù mưa to, nặng hạt, 20 tình nguyện viên xã Đức Minh đã đội mưa gió, khẩn trương giúp người dân gặt lúa chạy bão.
Các đội thanh niên xung kích huyện đoàn Bình Sơn tham gia công tác tuyên truyền, vừa dọn dẹp vệ sinh vừa cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân tại các khu vực phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Theo UBND huyện Sơn Hà, liên tục từ sáng 10/9 đến tối 11/9, trên địa bàn huyện Sơn Hà mưa to kéo dài, khiến mực nước ở các sông, suối dâng cao lên rất nhanh.
Đến chiều tối 11/9, trên các tuyến đường huyết mạch xuất hiện các điểm ngập cục bộ, như tại cầu Thạch Nham, cầu tràn Sơn Linh - Sơn Giang, cầu Sơn Kỳ đã ngập hơn 0,5m, gây chia cắt giao thông cục bộ tại các khu vực này.
Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương đã dựng rào chắn, cắt cử lực lượng canh gác 24/24 giờ, không cho người dân qua lại những qua khu vực này.
Thừa Thiên Huế: “Bì bõm” lội nước trong đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Nhân viên y tế lội nước khá sau để vào khu Phong Hòa lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Theo ghi nhận của phóng viên, đến tối muộn 11/9, lực lượng Đội phản ứng nhanh huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn mặc đồ bảo hộ “bì bõm” lội nước đi lấy mẫu ở xã Phong Hòa.
Đây là nơi có 2 ca dương tính Covid-19 ngày 7/9 (từ khu cách ly về ngày 31/8) đã công bố.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện có nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ. Trong đó, Tỉnh lộ 11B đoạn Phong Xuân ngập khoảng 70cm.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, tối 11/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa ghi nhận thêm 2 bệnh nhân có kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2, đều được phát hiện tại khu cách ly.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 745 ca F0 (trong đó, có 7 ca từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến). Hiện đang điều trị 216 ca, đã điều trị khỏi 526 ca, tử vong 3 ca.
4.463 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú.
Quảng Nam: Mưa lớn, sơ tán 95.000 dân
Chiều 11/9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, ứng phó với cơn bão số 5, Quảng Nam đã thực hiện công tác phòng chống bão trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 một cách chủ động.
Trong ngày hôm nay, trên toàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, càng về chiều tối mưa càng to. Đến nay, các địa phương đã lên phương án và đang chủ động triển khai sơ tán dân đến nơi an toàn.
Dự kiến khoảng 95.000 dân được sơ tán trước khi bão đổ bộ, trong đó có 85.000 dân ở vùng ven biển, số còn lại thuộc vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi.
Chính quyền huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) huy động phương tiện gia cố các vị trí xung yếu, phòng ngừa thiệt hại, đảm bảo giao thông tuyến đường vào vùng sạt lở Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc.
“Phương án di dân đã được lên kế hoạch chi tiết, bám sát phương án phòng chống dịch Covid-19, ưu tiên di dân tại chỗ. Đề nghị Trung ương có cảnh báo sạt lở sớm, đồng thời tính toán hỗ trợ về lâu dài cho dân có nơi tránh trú tại chỗ (nhà tắm, gác chống lũ)” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 9h sáng nay còn 139 tàu với hơn 2.700 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 42 tàu gần bờ với 274 lao động; 97 tàu hoạt động tại khu vực Trường Sa, Hoàng Sa với hơn 2.400 lao động.
Đến thời điểm này, tất cả tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của cơn bão. Tại các đồn biên phòng Cửa Đại, Cù Lao Chàm, đồn biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão số 5.
Đồng thời, duy trì thông tin liên lạc, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.
Hiện mực nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở cao trình thấp, xấp xỉ mực nước chết.
Ông Bửu thông tin: Đến nay, Quảng Nam đã thu hoạch hoa màu, lúa đạt 30.397/36.627ha; diện tích còn lại tập trung nhiều nhất ở Điện Bàn (1.000ha), Đại Lộc (480ha), Duy Xuyên (590ha), Thăng Bình (842ha)…
Quảng Trị: Nhiều đoạn tuyến đường “thành sông”
Ghi nhận của PV Báo Giao thông gần 21h tối 11/9, tại Quảng Trị đang mưa nhưng trời lặng gió. Tuy nhiên, những đợt mưa lớn vào tối cùng ngày, nước không thoát kịp đã khiến một số đoạn trên tuyến QL1 qua thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) và TP Đông Hà nước ngập cục bộ “án ngữ” từ mép bó vỉa ra quá làn đường xe máy.
Đặc biệt, đoạn QL1 gần trước ga Đông Hà và một số đoạn tuyến đường khác ở TP Đông Hà như Trường Chinh, Nguyễn Huệ, Lê Lợi bị ngập khá sâu khiến ô tô, xe máy “bì bõm” lội nước.
Đoạn đường Trường Chinh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ “thành sông” sau những đợt mưa lớn tối 11/9
Nước cuộn chảy, Hội An sơ tán khẩn cấp 40 hộ dân
Chiều 11/9, bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) thông tin: Trong 2 ngày 10-11/9, mưa lớn diễn ra liên tục trên biển và đảo Cù Lao Chàm.
Đến chiều nay, nước mưa từ núi cao đổ xuống rất mạnh, đe dọa gần 40 hộ dân sát chân núi, nguy cơ lún sụt vùi lấp bởi đất đá rất cao.
Bà Hương cho hay: Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, xã Tân Hiệp và bộ đội biên phòng trên đảo Cù Lao Chàm thực hiện di dời tất cả các hộ dân có nhà sát chân núi đang bị nước và đất đá đe dọa.
Hiện chính quyền địa phương cũng đã lên phương án di dời các hộ dân nếu tiếp tục có mưa lớn, hay có tình huống khẩn cấp xảy ra.
>> Video: Nước từ núi cao cuộn chảy ra biển, chính quyền xã đảo Tân Hiệp (Hội An) sơ tán khẩn cấp 40 hộ dân:
Quảng Nam dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu
Ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trước tình hình mưa bão, ngày 11/9, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Nam Trà My đã phân công thành viên Ban chỉ huy huyện trực tiếp đến các xã được phân công đứng điểm để nắm tình hình.
Nếu mưa to tiếp tục xảy ra, thì hơn 150ha lúa sẽ bị ngã đổ, hư hại nghiêm trọng
Đồng thời chỉ đạo Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Trung tâm PTQĐ&QLDA đầu tư xây dựng huyện phân công các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bố trí các phương tiện trên các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các sự cố khi thiên tai xảy ra gây ách tắt giao thông.
Tính đến cuối ngày hôm nay (11/9), trên địa bàn huyện Nam Trà My đã sơ tán khẩn cấp 21 hộ dân, với 84 nhân khẩu ra khỏi những nơi nguy cơ sạt lở, đến nơi trú ẩn an toàn. Tất cả 21 hộ dân này đều tập trung tại thôn 1, xã Trà Vân, gồm: sơ tán 1 hộ/5 khẩu tại làng ông Nơi; 14 hộ/53 khẩu tại làng Măng Lin; 6 hộ/ 26 khẩu tại làng ông Sinh.
Đây là một trong 2 khu vực xảy ra sạt lở kinh hoang trong mùa mưa lũ vào ngày 28/10 năm 2020 khiến 8 người trong 3 gia đình tử vong.Tương tự, trong ngày hôm nay, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cũng thực hiện di dời khẩn cấp nhiều hộ dân tại 2 xã Đại Hồng, Đại Đồng đến nơi an toàn trước khi cơn bão số 5 đổ bộ.
Theo ông Từ Thanh Thẩm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, trước tình hình lượng mưa quá lớn hiện nay, xã Đại Hồng đã lên phương án sơ tán khoảng 50 hộ dân ở vùng sạt lở ven núi, sống dọc tuyến QL14B đi thôn Hoà Hữu Đông. Để có nơi trú ẩn cho người dân, địa phương đã lấy một số trường học, cơ quan, nhà dân kiên cố làm khu di dời tập trung, phòng ngừa thiên tai, mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Hiện trên địa bàn xã Đại Hồng hiện có gần 80ha (bắp, mè, đậu), chủ lực là cây bắp chưa được thu hoạch, có khả năng bị hư hại, mất trắng”, ông Thẩm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng thông tin, hiện toàn xã Đại Đồng có 120 hộ dân thuộc vùng nguy cơ sạt lở ven sông (tập trung ở thôn Hà Thanh, Hà Nha, Lam Phụng, Bàn Tân) và nguy cơ sạt lở núi.
Đến nay, địa phương đã khảo sát, nắm danh sách, chuẩn bị triển khai phương án sơ tán, di dời trong tình huống khẩn cấp.
“Tính đến thời điểm này, trong tổng số 253ha gieo trồng, nông dân toàn xã Đại Đồng chỉ mới thu hoạch được 30%, dự kiến 10 ngày nữa mới thu hoạch xong. Nếu mưa to tiếp tục xảy ra, thì hơn 150ha lúa sẽ bị ngã đổ, hư hại nghiêm trọng” bà Vỹ lo lắng.
Quảng Nam: Nước lớn khiến ngầm sông Trường trên tuyến QL40B ngập sâu
Chiều 11/9, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) thông tin trong chiều nay (11/9) nước lũ đã băng qua ngầm sông Trường trên tuyến đường QL40B đoạn qua (thôn Long Sơn, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My).
Lực lượng công an huyện Bắc Trà My, dân quân xã Trà Sơn trực cảnh báo, không cho người và phương tiện qua đập tràn, đảm bảo ATGT.
Ông Vũ cho hay: Mưa to tiếp tục diễn ra trên địa bàn, khả năng ngầm tràn này tiếp tục bị ngập sâu trong đêm nay. Để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, ngay trong chiều nay, lực lượng công an và dân quân xã đã tổ chức chốt chặn, không để người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.
Theo ông Vũ, hiện nay nước lũ trên các sông, suối đang tiếp tục dâng cao. Tuyến đường QL40B là tuyến giao thông huyết mạch của các xã vùng cao huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My. Mưa lớn, lũ về, khiến tuyến đường này có khả năng bị chia cắt kéo dài.
Trước đó, nước lũ băng qua cầu ngầm suối Gôn khiến lưu thông về thôn 1 (xã Trà Giác) và vào xã Trà Ka bị tê liệt. Ông Vũ cho biết: Trong đêm nay và ngày mai (12/9), khi cơn bão số 5 đổ bộ, khả năng khu vực huyện Bắc Trà My có gió mạnh, mưa lớn tương đương cơn bão số 9 năm 2020.
Do vậy, mực nước lũ tại các sông có thể dâng cao từ 2-3,5m so với hiện tại. “UBND huyện Bắc Trà My yêu cầu địa phương khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, lũ bùn đá, sạt lỡ đất, chủ động trong việc di dời sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đảm bảo phương châm 4 tại chỗ đến thôn, nóc, hộ gia đình ở nơi cao ráo, an toàn”, ông Vũ nói.
Quảng Trị: Tuyệt đối không để người dân ra khỏi nhà từ 22h ngày 11/9
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tại Công điện khẩn tập trung ứng phó với bão số 5 và mưa lũ vừa phát đi vào chiều tối 11/9.
“Sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai vào lúc 15h ngày 11/9, theo dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay bão số 5 đang di chuyển nhanh theo hướng Tây, hướng về phía đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, thời gian dự kiến đổ bộ sớm hơn, gây mưa to và gió mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ rạng sáng ngày 12/9”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh
Để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 5 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão trước 20h ngày 11/9.
Tuyệt đối không để người dân ra khỏi nhà từ 22h ngày 11/9, trừ các lực lượng tham gia công tác phòng, chống bão lũ và các công việc cấp bách khác…
Thừa Thiên Huế: Tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào trú tránh an toàn
Tối 11/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào trú tránh an toàn.
Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền trú tránh bão Phú Hội (xã Triệu An, huyện Triệu Phong) gần Cửa Việt trưa 11/9.
Riêng 54 phương tiện/316 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu tại Thuận An, địa phương đã bố trí địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.Theo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 591 phương tiện tàu thuyền khai thác biển.
Toàn tỉnh hiện có các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như: Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, các khu neo đậu: Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền.
Trong đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Phú Hải có nhiệm vụ đảm bảo hơn 500 tàu thuyền loại từ 20CV trở lên.
25.531 ha lúa vụ hè thu đến nay đã thu hoạch 24.790,4 ha, còn lại 740,9 ha chủ yếu ở vùng cao.Sở Công thương Thừa Thiên Huế đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai, gồm: 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo.
Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Đáng chú ý, trước khi bão số 5 đổ bộ, trên địa bàn huyện Phong Điền có hơn 20 nhà tại các xã Điền Hòa, Phong Hải, Phong Xuân, Phong Hiền bị tốc mái, đang được các lực lượng xung kích của xã đang cùng gia đình tiến hành khắc phục.
Tàu cá gặp nạn ở đảo Lý Sơn xin cứu nạn khẩn
Chiều 11/9, Trung tá Đỗ Tài Năng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Sau khi nhận được thông tin cứu nạn từ tàu cá QNg 95058 TS trên vùng biển đảo Lý Sơn, 14h30 ngày 11/9, Vùng Cảnh sát biển 2 đã điều tàu CBS 8002 xuất phát cứu hộ tàu QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch (ở huyện Bình Sơn) gặp nạn khi đang trên đường chạy vào bờ tránh bão số 5".
Cụ thể, vào chiều 11/9, trong quá trình chạy về bờ tránh trú bão, đến vị trí 15009’N 109037’E (cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý), tàu bị phá nước, thả trôi theo hướng 90 độ. Đến 16h chiều nay, tàu CBS 8002 đã tiếp cận tàu QNg 95058 TS và đang đưa 5 lao động qua tàu CBS 8002 vào bờ.
Theo Trung tá Năng, ngoài cứu hộ thành công tàu cá QNg 95058 TS, đơn vị cũng cứu nạn thành công tàu kéo số hiệu ĐNA 0494 (Số sà lan T03) gồm 12 thành viên do ông Nguyễn Dũng (sinh năm 1964, ở quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) làm thuyền trưởng neo tránh trú bão ở vùng biển thôn An Hải, huyện Lý Sơn (ngoài âu thuyền).
Trước đó, vào khoảng 11h ngày 11/9, sà lan số hiệu ĐNA 0494 bị quấn chân vịt không hoạt động được và bị bừa neo trôi về hướng Nam cách vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn khoảng 2-3 hải lý, các thuyền viên trên tàu không khắc phục được đã đề nghị hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Trôi ngầm tràn, 70 hộ dân Quảng Nam bị cô lập
Trong chiều 11/9, mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) - địa phương đang gánh chịu thiên tai sạt lở kinh hoàng trong mùa mưa lũ năm 2020 đến nay chưa thể khắc phục.
Tại xã Phước Kim, nước lũ đổ về từ đầu nguồn làm trôi ngầm tạm, gây cô lập hoàn toàn 76 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng.
Ngầm tràn bị trôi, 76 hộ dân ở xã Phước Kim bị cô lập
Ông Hồ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim thông tin: "Ngay sau khi ngầm tràn bị trôi, UBND xã Phước Kim đã liên lạc bằng điện thoại với trưởng thôn yêu cầu người dân không cho người dân tự ý ra khỏi nhà, không băng qua dòng nước lũ. UBND xã sẽ dùng tời để vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập".
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hiện xã Phước Kim đã di dời 40 hộ có nguy cơ sạt lở đến trú tạm tại nhà làng và trường học, đảm bảo không còn hộ dân nào ở vùng nguy hiểm khi bão đến.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho hay: Mưa lớn từ tối qua đến nay khiến 26 hộ với gần 200 nhân khẩu ở thôn 3 đang bị cô lập tạm thời do nước suối Đăk Ba Sao dâng cao.Ông Phức cho biết: Qua khảo sát, xã Phước Thành có 103 hộ phải di dời khẩn cấp.
Hiện nay lực lượng công an, dân quân có mặt tại các vị trí xung yếu để không cho người dân qua lại. Đồng thời khẩn trương giúp 469 nhân khẩu di dời đến nơi an toàn.Theo ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện nay công tác di dân khỏi vùng nguy hiểm đã và đang được các xã gấp rút triển khai. Cụ thể có 260 hộ với gần 1.000 nhân khẩu sẽ được Phước Sơn di dời đến nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
Để đảm bảo lương thực cho người dân trong đợt mưa bão này, đến nay, địa phương chuyển 14 tấn gạo dự trữ đến 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. “Khó khăn nhất của Phước Sơn là hiện nay tuyến đường từ Phước Kim đi Phước Thành và Phước Lộc xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước chảy mạnh, lưu thông rất khó khăn, nguy hiểm và đã xuất hiện tình trạng cô lập cục bộ”, ông Điểm nói.
Thừa Thiên Huế: Nhiều nhà bị tốc mái do lốc xoáy
Chiều 11/9, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trên địa bàn có nhiều nhà bị thiệt hại do lốc xoáy.
Thống kê bước đầu, tính đến lúc 15h ngày 11/9, toàn huyện Phong Điền có 23 nhà bị tốc mái.
Thống kê bước đầu, tính đến lúc 15h ngày 11/9, toàn huyện Phong Điền có 23 nhà bị tốc mái. Trong đó, xã Điền Hoà 10 nhà, xã Phong Hải 7 nhà, xã Phong Xuân 2 nhà, xã Phong Hiền 4 nhà.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, ở Thủy Điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân) có 40 công dân, hiện ở đó đã có công trình kiên cố (khu vực nhà máy). Huyện Phong Điền đã yêu cầu Công ty trên chỉ để vài người ở lại trực, còn lại di chuyển xuống Thủy điện Rào Trăng 4 hoặc ra bên ngoài trước 17h chiều cùng ngày (11/9).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia nhận định bão số 5 chiều 11/9. Thực hiện: Tuyết Trịnh
Chiều 11/9, UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, nhằm giúp người dân vùng phong tỏa xã Trà Phong có đủ nguồn lương thực, thực phẩm trong những ngày thực hiện phong tỏa, phòng chống dịch Civid-19 và đảm bảo cuộc sống trong những ngày mưa bão số 5, ngày 11/9, lực lượng Công an huyện Trà Bồng, Công an xã Trà Phong dầm mưa mang những phần quà trao tặng trực tiếp cho người dân.
Đây là những suất quà có được từ sự đóng góp của các ngành, các cấp, nhiều đoàn từ thiện, mạnh thường quân trong thời gian qua. UBND huyện Trà Bồng cho biết: Trà Phong là xã miền núi, còn gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng công an huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cấp phát quà, lương thực, thực phẩm cho người dân vùng phong tỏa xã Trà Phong trước giờ bão số 5 đổ bộ.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh này, địa phương có 7 ca bệnh lây nhiễm từ các công ty tại khu công nghiệp Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi.
Hiện ở địa bàn xã Trà Phong, lực lượng y tế truy vết, đưa vào khu cách lý tập trung 84 F1, phong toả 3 thôn thuộc xã Trà Phong với hơn 800 hộ và trên 3000 nhân khẩu (thời gian phong toả từ 7/9 đến 21/9. Hiện nay, lực lượng y tế đang tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm PCR trên diện rộng xã Trà phong.
Nông dân xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) dầm mình giúp nhau thu hoạch dưa hấu vào sáng 11/9, trước khi bão số 5 đổ bộ. Ảnh: Phan Thắng
Hồi 13h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 1h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Quảng Ngãi: Vùng biển, đảo Lý Sơn mưa lớn kèm gió giật mạnh
Video: Mặt đường QL1 tại km1047-km1047+250 ngập 1/3 phía bên trái tuyến.
Theo Cục QLĐB III, mưa lớn từ sáng sớm đến nay khiến tuyến QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi tại km1047-km1047+250 đối diện khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi ngập 1/3 mặt đường bên trái tuyến. Hiện nay, do ảnh hưởng mưa bão số 5, trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi xuất hiện nhiều cây cối ngã đổ.
Lực lượng đơn vị quản lý đường bộ thu dọn cây ngã đổ trên tuyến QL14G.
Điển hình như tại Km0-km25 tuyến QL14G, trong sáng và chiều nay, lực lượng đơn vị quản lý đường bộ đã chặt cây ngã đổ, thu dọn ra khỏi mặt đường đảm bảo giao thông; 2 ngầm Dốc Rùa và Sông Vàng trên QL14G bị ngập, tuy nhiên nhờ có 2 cầu mới vượt lũ đã được hoàn thành 2020 nên không gây ách tắc giao thông.
Đến thời điểm này, các tuyến QL khác trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi chưa phát sinh mới, hiện đang lưu thông bình thường.
Từ sáng sớm đến chiều nay (ngày 11/9), mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra trên vùng biển và huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tại trạm đo Lý Sơn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; tại khu vực ven biển Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có gió cấp 6, giật cấp 7. Lượng mưa và sức gió liên tục gia tăng trên đảo Lý Sơn và khu vực ven biển Quảng Ngãi.
Ngư dân trên đảo Lý Sơn neo đậu tàu thuyền phòng chống mưa bão số 5
Theo UBND huyện Lý Sơn, đến thời điểm này, ở các vùng neo đậu trên đảo Lý Sơn đã có trên 300 phương tiện tàu cá, tàu chở khách, chở hàng của người dân địa phương đã vào nơi neo đậu an toàn. Lồng bè nuôi trồng thủy sản của các hộ dân cũng được lai dắt vào gần bờ để neo đậu.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, huyện Lý Sơn đã có văn bản khẩn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Bộ đội biên phòng, lực lượng vũ trang, nghiệp đoàn nghề cá thông quan hệ thống Icom cộng đồng kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi khẩn trương về bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
"Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các đơn vị phân công lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ thu hoạch hoa màu, chằng chống nhà cửa và các công trình cộng cộng trước khi mưa bão đổ bộ vào. Hiện nay, công tác ứng phó với bão số 5 đang được Lý Sơn thực hiện một cách khẩn trương, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Hiện nay, Quảng Ngãi đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 5. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo các địa phương, đơn vị lực lượng tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng, hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ.
"Riêng huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12 giờ ngày 11/9/2021 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6). Các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi tập trung thực hiện vì đây là đian bàn dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp", ông Hiền nhấn mạnh.
Ông Hiền cho biết: UBND Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng.
Video cẩn cảnh mưa lớn, gió giật mạnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi trước giờ bão số 5 đổ bộ
Quảng Nam: Khẩn trương di dời dân ở vùng xung yếu
Tại Quảng Nam, mưa lớn cũng bắt đầu xuất hiện trên toàn địa bàn. Tại vùng núi huyện Phước Sơn, tuyến đường vào các vùng sạt lở xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim xuất hiện nước chảy tràn mặt đường, phương tiện xe máy không thể di chuyển. Hiện các tuyến đường vào khu vực này mới chỉ khắc phục bước 1 nên nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra, nếu như mưa lớn tiếp tục gia tăng.
Vào sáng 11/9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã tiếp tiếp đếm kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại TP. Hội An và khu vực bờ biển Cửa Đại (phường Cửa Đại), chỉ đạo phương án phòng, chống thiên tai trước khi cơn bão số 5 đổ bộ.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay: Hiện các tuyến kè biển có nguy cơ bị sạt lở do sóng lớn nếu bão số 5 đổ bộ vào khu vực này. Để đảm bảo an toàn cho người dân ở các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, Hội An sẽ di dời dân tại khu vực Cẩm An và vùng lân cận nếu bão đổ bộ vào địa phương. Trước mắt, trong ngày hôm nay Hội An sẽ tổ chức di dời đối với 40 hộ dân tại các khu vực nguy cơ đến nơi an toàn.
Ông Quản Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 43 di tích nhà cổ có nguy cơ sụp đổ đã và đang được gia cố, chống đỡ, đặc biệt, tăng cường gia cố chống đỡ di tích Chùa Cầu.
Mưa lớn kèm gió mạnh khiến lúa người dân ở Hội An bị đổ ngã, hư hại
"Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, đơn vị đã bổ sung thêm 2 di tích vào danh mục chống đỡ khẩn cấp gồm: nhà 78B Bạch Đằng và nhà số 41 Nguyễn Thái Học. Ngay trong sáng nay, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời người dân ra khỏi 14 di tích có nguy cơ sụp đổ để phòng, tránh bão lũ. Đồng thời, khẩn trương dọn dẹp hiện vật trong các bảo tàng và các di tích là điểm tham quan, đề phòng lũ lụt sau bão", ông Quý cho biết.
Ông Hồ Quang Bửu cho hay: Để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện tại, Quảng Nam đã sắp xếp các khu ở tạm cho ngư dân các nơi vào trú tránh. Quảng Nam bố trí chỗ ở riêng biệt cho ngư dân ngoại tỉnh cách ly cho đến lúc hết bão để họ tiếp tục ra khơi. Nếu ngư dân ở lại nhiều ngày sẽ được triển khai xét nghiệm Covid-19.
Theo ông Bửu, trước đó, từ 17h ngày 10/9, Quảng Nam cũng cấm mọi hoạt động trên biển. Tất cả chủ tàu và ngư dân đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tránh trú an toàn.
Thừa Thiên Huế chủ động phương án “4 tại chỗ” tránh bão, chống Covid
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ngư dân vùng biển huyện Phú Vang đang huy động đưa thuyền bè lên bờ tránh bão
Người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm nay; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến trong đêm 11 và sáng ngày 12/9.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão số 5 (Conson), trong đó huy động 100% cán bộ chiến sĩ tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ.
Các địa phương, đơn vị khẩn trương hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh đảm bảo an toàn trước bão số 5 đổ bộ; sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, phát huy “tự quản tại chỗ”. Đặc biệt, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Ngoài ra, phối hợp các lực lượng chức năng, hỗ trợ người dân khai thác các diện tích lúa còn lại.
Theo khảo sát PV Báo Giao thông, các tuyến đường nhiều cây xanh như trong khu vực Đại Nội từ sáng sớm đang được các lực lượng chức năng, công ty cây xanh tích cực cưa tỉa cành lá.
Cây xanh trên các tuyến đường đang tích cực được cắt tủa cành
Trước diễn biến của bão số 5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông báo cấm cho tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn đôn đốc các tàu đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão, gió mạnh để chủ động phòng tránh. Đến chiều 10/9 toàn tỉnh còn 3 phương tiện đang trên đường vào trú tránh an toàn.
Khảo sát tại Thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nằm giáp biển, có hơn 40 hộ cần được di dời đến vùng an toàn. Trong chiều tối 10/9, Công an xã Phú Thuận cùng chính quyền đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự nguyện di dời. Công tác di dời các bà con, tài sản khỏi vùng nguy hiểm đã được triển khai ngay trong sáng ngày 11/9.
Công an Huế kiểm tra, hỗ trợ dân ứng phó với cơn bão Côn Sơn.
Ngoài ra, mỗi khu vực dân cư tổ chức lực lượng xung kích để tham gia hỗ trợ người dân chằng chống, bảo vệ nhà cửa; chú ý quan tâm đến các nhà có người đang là F0, F1 đang phải đi điều trị hoặc cách ly tập. Còn tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, gần 50 tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão và được sắp xếp bến bãi cho ngư dân neo đậu đảm bảo an toàn.
Lực lượng chức năng hướng dẫn, phối hợp với gia đình chủ tàu triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho số phương tiện của ngư dân đang thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thông tin cho những phương tiện đang còn hoạt động trên biển di chuyển thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Tại những địa phương khác cũng đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, có phương án bảo vệ các công trình trọng điểm.
Clip: Người dân tranh thủ thu lưới và gom những mẻ cá cuối cùng
Dự báo có đợt mưa lớn với tổng lượng mưa từ 150-300 mm, có nơi trên 400 mm nên đề phòng ngập cục bộ, sạt lở đất, lũ quét. Vì vậy, tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương triển khai ứng phó với bão số 5 và hoàn thành trước 17h ngày 11/9.
Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và sơ tán dân an toàn ứng phó bão số 5. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai với các tình huống dịch bệnh, tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu.
Cùng với những chỉ đạo khẩn cấp trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chủ động từ các công trình thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, thông báo đến các công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy thì ai đang ở đâu, ở yên đó, không di chuyển trong lúc bão diễn ra. Đồng thời rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có phương án di dời công nhân từ sớm cũng như dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc... tại chỗ bảo đảm vận hành khi có tình huống chia cắt.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, tổng lượng mưa trong 24 giờ qua (từ 1h ngày 1/9 đến 1h ngày 11/9) ở các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 20- 50mm, có nơi cao hơn như huyện Thăng Bình 51mm, Câu Lâu (huyện Duy Xuyên) 55mm, Hội An (TP. Hội An) 74mm, Cù Lao Chàm (TP.Hội An) 142mm.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, dự báo từ hôm nay 11/9 đến ngày 13/9, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cường độ mưa to đến mưa rất to tập trung từ trong ngày 11 đến hết ngày 12/9. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận