Quản lý

Trực tiếp Tọa đàm "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách"

Tọa đàm làm rõ những quy định mới về lệnh vận chuyển điện tử để các doanh nghiệp sớm thích ứng, cải tiến phương thức quản trị vận tải.

xem toàn bộ ảnh của bài
Mới nhất Sắp xếp diễn biến mới trước img Cũ nhất Sắp xếp diễn biễn cũ trước

Tọa đàm kết thúc.

Khi các đơn vị sử dụng lệnh vận chuyển sẽ có hướng dẫn thanh tra, xử phạt

- MC đặt câu hỏi cuối cùng trước về kế hoạch triển khai việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt sắp tới?

Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT: Việc triển khai lệnh vận chuyển điện tử phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp vận tải.

Chúng ta có thể thấy các đại biểu trao đổi có nhiều lợi ích. Giai đoạn đầu có những khó khăn nhất định, bỡ ngỡ, thậm chí có nội dung nào đó chưa đồng bộ, nhưng lâu dài sẽ có nhiều tác dụng. Công tác thanh tra đường bộ thời gian tới, khi các đơn vị sử dụng lệnh vận chuyển này thì sẽ có hướng dẫn các đơn vị thanh tra ở địa phương để thanh tra, kiểm tra và xử phạt.

Việc thanh tra, kiểm tra chắc cũng không khó khăn vì chúng tôi đã có kinh nghiệm khi làm giám sát hành trình. Tôi nghĩ điều này sẽ có hiệu quả, vì thanh tra kiểm tra nội dung này sẽ dễ hơn.

Ngoài ra, khi tiến hành thanh tra kiểm tra, có vi phạm và doanh nghiệp bị xử phạt, tôi mới thấy nặng quá. Các đơn vị chưa hiểu hết quy định, chưa biết chế tài xử phạt như thế nào.

Do đó, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh tra kiểm tra, chúng tôi cũng đã có tuyên truyền về cả các chế tài xử phạt vi phạm.

Tôi cũng cho rằng, các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ cần tập trung điều 23 và 28 của Nghị định 100, nghiên cứu kỹ các chế tài, tránh các chế tài đó ra là thành công.

Tôi tin khi chúng ta thực hiện tốt lệnh vận chuyển điện tử, sẽ có tác dụng cho cả đơn vị vận tải, doanh nghiệp và hành khách.

Doanh nghiệp nhỏ sẽ còn khó khăn, nhất là đào tạo con người

- MC đặt câu hỏi đến tất cả các khách mời. Để thực hiện thành công lệnh vận chuyển, chúng ta cần có bước triển khai như thế nào?.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội: Các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ các quy định, văn bản… để căn cứ thực hiện cho đúng.

Để triển khai thực hiện chuyển đổi số, về cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ phải mua sắm trang thiết bị, xây dựng phần mềm. Doanh nghiệp nào mạnh thì có thể tự làm còn không thì phải thuê để xây dựng được phần mềm chuyển lệnh vận chuyển, vé điện tử…

Tuy nhiên, ngoài cơ sở hạ tầng, công nghệ, cần lưu ý, một việc rất quan trọng là đào tạo con người. Với các doanh nghiệp lớn, việc này không quá khó nhưng với doanh nghiệp ở vùng sâu xa, doanh nghiệp nhỏ thì đây là cả vấn đề lớn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN: Hiện nay các doanh nghiệp làm về công nghệ thông tin cung ứng dịch vụ chuyển đổi số có nhiều, các doanh nghiệp vận tải có thể tìm kiếm các đối tác để chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp đã thông tin quảng bá trên hệ thống truyền thông, zalo của Hiệp hội vận tải ô tô… Tôi cho rằng lực lượng doanh nghiệp làm chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải không thiếu.

Về việc chuyển đổi số, các doanh nghiệp từ trung bình trở lên rất đón nhận nhưng các doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn, vào cuộc chậm.

Tuy nhiên, kể cả trường hợp các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng công nghệ, thì hiệu quả có tốt hay không còn phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan và đơn vị quản lý Nhà nước.

Hạ tầng của cơ quan quản lý Nhà nước đã đủ sức để nhận các dữ liệu này hay chưa?. Theo tôi, có thể phải nửa năm nữa mới có thể sắp xếp mọi thứ về trật tự.

Bà Phan Thị Thu Hiền: Giải pháp từ đầu đến giờ chúng ta trao đổi kỹ rồi. Tôi hy vọng qua cuộc tọa đàm ngày hôm nay, người dân và các doanh nghiệp biết tới Thông tư 17 nhiều hơn, sớm hơn. Tôi đề nghị doanh nghiệp đọc kỹ các nội dung liên quan và có kế hoạch triển khai. Cũng mong các Sở GTVT có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp để ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn một cách mạnh mẽ nhất.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT: Thời gian tới, để kiểm tra có hiệu quả việc lái xe mang theo lệnh vận chuyển điện tử, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát từ hệ thống dữ liệu của Tổng cục.

Khi thực hiện kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ cần quét theo mã QR code thì sẽ hiện lên địa chỉ truy cập về lệnh xuất bến có chính xác hay không, rất tiện lợi trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Khi phối hợp để có được những thông tin như vậy, chúng tôi sẽ hướng dẫn công an các địa phương cũng như cung cấp các địa chỉ truy cập có văn bản hướng dẫn thực hiện nghiêm túc và xử lý hiệu quả hành vi vi phạm liên quan đến lệnh vận chuyển.

Sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải

- Với quản lý Nhà nước thì việc chuyển đổi số đang được thực hiện ra sao?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Chúng tôi đang xây dựng phần mềm quản lý vận tải với vận chuyển hành khách có tuyến cố định, xe buýt, taxi…

Về cơ bản thiết bị giám sát hành trình đã phản ánh tương đối chân thực hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp.

Chúng tôi muốn xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải. Như vậy, lực lượng CSGT, cơ quan thuế, hải quan, thanh tra, Sở GTVT đều có thể truy cập được, trích xuất các dữ liệu cần thiết phục vụ mục đích quản lý, cũng là một cách giảm các thủ tục, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo.

Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện. Hiện Bộ GTVT đang xin cấp nguồn vốn để triển khai. Mong rằng các bộ ngành chức năng quan tâm để có nguồn lực tài chính xây dựng hệ thống này.

- Nhiều ý kiến cho rằng cần có một hướng dẫn chung hoặc tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp thực hiện lệnh vận chuyển điện tử, vì không ít doanh nghiệp đang không biết thực hiện thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Thông tư 17 đã nêu tương đối rõ. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng song song lệnh điện tử và lệnh vận chuyển giấy. Trong thông tư cũng đã hướng dẫn cấp mã QR khi có lệnh điện tử để các cơ quan doanh nghiệp có thể tra cứu.

Chúng tôi cũng sẽ có thêm địa chỉ truyền dẫn dữ liệu. Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất xây dựng hệ thống quản lý chung cho cả nước nhưng để xây dựng được, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chúng tôi sẽ có các hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp.

- Là địa phương mong muốn có kết quả đi đầu trong việc áp dụng chuyển đổi số vào quản lý kinh doanh vận tải, xin hỏi đại diện Sở GTVT Hà Nội, Sở có cách nào để hỗ trợ các doanh nghiệp sớm áp dụng lệnh vận chuyển điện tử?

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội: Ở một góc độ nào đó, Sở GTVT sẽ tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số, cố gắng kết nối, giới thiệu các đơn vị có thể cung cấp phần mềm cho các đơn vị vận tải, để sớm thực hiện Thông tư 17 và nhiều vấn đề liên quan như hợp đồng điện tử, vé điện tử.

Nhà nước không có kinh phí để hỗ trợ tài chính nhưng sẽ hỗ trợ về chính sách

- Như ông Quyền chia sẻ, hiện doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số còn khá khiêm tốn. Đa số doanh nghiệp vận tải quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính, quy mô vận tải còn nhỏ. Bà đánh giá mức độ thực hiện chuyển đổi số như thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Doanh nghiệp nào cũng ủng hộ chủ trương chuyển đổi số. Tuy nhiên, giống như dùng điện thoại, xưa kia dùng điện thoại bình thường thì rẻ, khi chuyển sang điện thoại thông minh thì cần thêm chi phí và học cách sử dụng.

Như tôi đã nêu ban đầu, cần thời gian để doanh nghiệp có thể tiếp cận công nghệ, có điều kiện đầu tư.

Với doanh nghiệp vận tải, có doanh nghiệp rất nhỏ, chỉ có 1 - 2 xe. Có tới hơn 1.600 doanh nghiệp hợp tác xã đường bộ, phân bố ở các tỉnh miền núi. Hợp tác xã tập hợp hộ kinh doanh năng lực tài chính yếu. Điều kiện hiện nay cho các hợp tác xã này hoạt động với những điều kiện tương đồng như với các doanh nghiệp lớn.

Chúng ta cần chia sẻ với những doanh nghiệp này. Tôi mong rằng các doanh nghiệp sẽ nỗ lực, tiến tới số hoá hoàn toàn.

- Vậy cần chính sách hỗ trợ gì cho doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số cũng như lệnh vận chuyển điện tử?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Yêu cầu về chuyển đổi số là 1 trong các yêu cầu của doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Hiện nay khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thì vận tải hành khách cũng phải phát triển tương tự.

Từ 1/7, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư và hướng dẫn về vé điện tử và đây là một trong những nội dung phải triển khai đồng bộ cho chuyển đổi số trong hoạt động vận tải.

Vì vậy, các doanh nghiệp đều đã nắm được lộ trình và đều đã triển khai. Việc hỗ trợ thực tế bằng tài chính sẽ khó khăn, Nhà nước cũng không có kinh phí để hỗ trợ tài chính, tuy nhiên chúng tôi có hỗ trợ về cơ chế chính sách như xây dựng 1 lộ trình tương đối phù hợp cho các doanh nghiệp.

Ví dụ như hiện nay đang cho phép thực hiện song song cả lệnh điện tử và lệnh giấy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi dần, phù hợp với điều kiện của mình chứ không ép doanh nghiệp ngay lập tức chuyển đổi số vì việc chuyển đổi này đòi hỏi từ cả phía cơ quan quản lý và người dân. Bởi nếu chúng ta làm không đồng bộ thì đầu tư ban đầu lãng phí.

Các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi lệnh điện tử vì lợi ích lớn

- Ai sẽ là người xây dựng hệ thống lệnh vận chuyển điện tử, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay bến xe thưa ông?

Ông Nguyễn Công Bằng: Với các doanh nghiệp, đương nhiên phải chủ động các vấn đề thuộc lĩnh vực của doanh nghiệp mình. Chúng ta đã triển khai hóa đơn điện tử và vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử chỉ là phần nhỏ trong câu chuyện chuyển đổi số.

Chúng tôi đã gần như làm xong các vấn đề về hóa đơn và vé điện tử, nhưng với các đơn vị vận tải hiện nay khá ít vì còn mới. Lệnh điện tử lại càng hiếm vì nó rất mới. Tôi biết có những đơn vị đã làm, cấp cho lái phụ xe nhưng chỉ qua zalo, để họ đỡ phải đến cơ quan để lấy.

Chúng tôi luôn sẵn sàng cơ sở hạ tầng, kết nối với các doanh nghiệp và các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng phải có lệnh này trong gói chuyển đổi của mình. Chúng tôi không thể làm hộ các doanh nghiệp khác. Chúng tôi chỉ hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp có thể làm chuyển đổi.

Vừa qua, chúng tôi đã mở hội nghị để giới thiệu những đơn vị làm hóa đơn điện tử như Viettel, VNPT để cùng họ kết nối, thực hiện một cách sớm và trôi chảy nhất.

Không nên ép làm quá nhanh, Chính phủ số nhưng còn cần công dân số

- Nhiều doanh nghiệp có băn khoăn về thời gian bắt buộc thực hiện truyền tải thông tin về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vậy thời gian nào các doanh nghiệp phải thực hiện?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Trong Thông tư 17 đã nêu rõ từ ngày 1/7/2022 là truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện những hướng dẫn để các doanh nghiệp có thể truyền dẫn dữ liệu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống vẫn còn có những phần liên quan đến đầu tư xây dựng, cần hoàn thiện.

Hiện nay còn có những quy định mở cho doanh nghiệp, vừa giấy và điện tử nên chưa quá khắt khe bắt buộc phải chuyển ngay.

Để tăng cường quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, các Sở GTVT có khả năng các đơn vị ứng dụng mạnh mẽ nhất, có bước tiến tốt trong công nghệ thông tin như Hà Nội thì có thể cố gắng ứng dụng 100%, dần dần bỏ hẳn lệnh giấy.

Song, các địa phương khác có thể làm có lộ trình, theo năng lực doanh nghiệp, địa phương.

"Chính phủ số" là mục tiêu nhưng còn cần điều kiện về ''công dân số" nữa mới có thể hoàn thành công cuộc chuyển đổi số.

- Vậy những doanh nghiệp đã có phần mềm lệnh vận chuyển điện tử thì truyền dữ liệu về đâu?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Thực chất, Bộ GTVT hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam không cần quản lý đến giấy vận chuyển nhưng đây là một phần dữ liệu đầu vào để tổ chức quản lý chặt chẽ từ doanh nghiệp vận tải nơi khởi đầu hành trình đến khi xuất bến.

Ở đây, chúng tôi cần xây dựng hệ thống đồng bộ là để kết nối trên 63 địa phương, tạo sự đồng bộ, chúng tôi sẽ cung cấp địa chỉ để đơn vị truyền dẫn và khai thác.

Trước mắt, trong Thông tư 17 có quy định mở là trong trường hợp chưa có hệ thống quản lý thì có khai thác dữ liệu từ đơn vị vận tải. Đây là nội dung chúng tôi đang chuẩn bị nhanh chóng.

Các cơ quan vào cuộc nhưng ý thức người dân không thay đổi cũng khó dẹp xe dù bến cóc

- Ở góc độ cơ quan công an, bà chia sẻ thế nào về vấn đề này?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an): Tình trạng xe dù bến cóc là vấn nạn lâu nay.

Ngoài những giải pháp đồng bộ với các cơ quan khác, lực lượng CSGT thường xuyên mở chuyên đề, cao điểm xử lý hành vi có nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất gây TNGT. Ngoài ra, chúng tôi cũng lập chốt CSGT kiểm tra xử lý nghiêm.

Ngoài sự cố gắng của cơ quan chuyên môn, cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Hiện ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế. Có bến xe gần người dân thôi, nhưng họ vẫn không vào mà sẵn sàng đứng ngoài đường đón.

img

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an)

Như tại bến xe Gia Lâm ra đường Nguyễn Văn Cừ, nhiều xe nối đuôi nhau đi rùa bò. Nguyên nhân do khách không chịu vào bến, cứ đứng chờ ở ngoài để lên xe.

Không biết giá vé trong và ngoài bến có khác gì nhau không, nhưng cơ quan chức năng nỗ lực đến mấy, tăng chế tài xử phạt mà nếu người tham gia giao thông không ý thức hơn thì không chỉ xe dù bến cóc mà nhiều hành vi vi phạm khác vẫn tồn tại.


- Vậy khi áp dụng lệnh vận chuyển điện tử, việc kiểm soát xử phạt có gì khác không? Mức xử phạt như thế nào, thưa bà?

Khi xe xuất bến, lái xe trước đây mang lệnh vận chuyển giấy. Thông tư 17 ra đời, có thêm lệnh vận chuyển điện tử.

Doanh nghiệp vận tải phải trang bị cho lái xe thiết bị truy cập được lệnh vận chuyển điện tử. Lực lượng chức năng cung cấp phần mềm để lực lượng kiểm soát qua mã QR, trích xuất thông tin và xử lý vi phạm qua thông tin từ phần mềm dữ liệu mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp.

Theo Nghị định 100 và Nghị định 123 sửa đổi một số điều Nghị định 100 quy định rõ: Xử phạt xe ô tô chở khách, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có hoặc không mang theo lệnh vận chuyển hoặc có mang theo lệnh vận chuyển nhưng không ghi đầy đủ thông tin, không có xác nhận của bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến theo quy định.

Điều 28 xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định, phạt tiền từ 3-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không cấp lệnh vận chuyểncho lái xe theo quy định; Bến xe không xác nhận hoặc xác nhận không chính xác, đầy đủ các thông tin trong lệnh vận chuyển theo quy định hoặc xác nhận vào lệnh vận chuyển khi xe không có ở bến.

Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe ô tô thuộc đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 14-20 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện việc cung cấp các thông tin trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe buýt, xe chạy tuyến cố định theo quy định; Bến xe khách không áp dụng phần mềm quản lý bến xe, hệ thống camera giám sát theo quy định.

Chuyển đổi số, doanh nghiệp, tài xế khó dùng lệnh vận chuyển giả

- Đại diện thanh tra Bộ GTVT, quan điểm của ông như thế nào về nhận định lệnh vận chuyển điện tử có thể hạn chế được xe dù bến cóc?

Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT: Tôi cho rằng việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh vận tải liên quan lệnh vận chuyển là xu thế tất yếu, rất cần thiết.

Thời gian tới, ngoài lệnh vận chuyển, các nội dung khác cũng cần có quy định về chuyển đổi số. Mặc dù hiện nay, một số quy định của pháp luật đã cho phép doanh nghiệp vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như quản lý phương tiện, quản lý lái xe.

img

Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT

Trước đây phải cập nhật sổ sách nhưng bây giờ đã có thể xây dựng phần mềm quản lý. Việc này hết sức cần thiết trong điều kiện hiện tại.

Việc chuyển đổi số không những tốt cho doanh nghiệp mà chắc chắn sẽ hiệu quả cho các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và cả hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Đơn cử, chắc chắn thông qua quy định về chuyển đổi số, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ nhanh và chính xác hơn. Ví dụ điển hình, trước đây khi lực lượng TTGT khi kiểm tra thì phải kiểm tra rất nhiều hồ sơ, nhưng khi áp dụng chuyển đổi số thì chỉ cần dùng bàn phím gõ 1 thông tin về 1 phương tiện này, trong tháng này hoạt động ở đâu, tuyến nào sẽ có kết quả ngay và chính xác.

Mặt khác, với chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và với lệnh vận chuyển điện tử nói riêng, tôi cũng cho rằng đây là biện pháp hiệu quả xử lý tình trạng xe dù bến cóc.

Trước đây, khi sử dụng lệnh vận chuyển giấy, thì có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả. Thì giờ khi ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển giả rất khó xảy ra, sẽ góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.

Tôi đồng tình ý kiến chúng ta cần nhiều giải pháp căn cơ về cơ chế chính sách để đánh giá tổng thể việc thực hiện có bất cập gì. Đây cũng là một trong những nội dung mà Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu để sửa đổi bổ sung trong Luật thay thế Luật GTĐB 2008.

Lệnh vận chuyển điện tử không phải chìa khóa xử lý bến cóc xe dù

- Một số độc giả đặt câu hỏi: Khi sử dụng lệnh vận chuyển điện tử có hạn chế được tình trạng xe dù bến cóc không?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Thực tế, mỗi giải pháp đều có những hiệu quả nhất định, đóng góp cho mục tiêu chung là lập lại trật tự trong công tác quản lý vận tải, bến cóc xe dù. Các xe không xuất bến vẫn có lệnh vận chuyển, hoặc làm giả, hoặc sử dụng những lệnh vận chuyển cũ...

Lệnh vận chuyển điện tử sẽ theo thời gian thực. Doanh nghiệp xuất lệnh vận chuyển sẽ lên hệ thống. Trên cơ sở thông tin, doanh nghiệp tự khai báo trên hệ thống, từ biển số, họ tên tài xế, hành trình, tuyến đi… doanh nghiệp bến xe sẽ nhận được các thông tin và thông tin này cũng lên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó, bến xe sẽ cho xuất bến.

Trong quy trình đảm bảo an toàn giao thông, có quy trình đảm bảo an toàn giao thông vận tải và đảm bảo an toàn giao thông tại bến xe, chỉ cho xe xuất bến khi đã đảm bảo đủ điều kiện an toàn. Như vậy, xe xuất bến sẽ gắn với việc giám sát hành trình. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực sao cho mọi hoạt động của phương tiện sẽ đảm bảo chặt chẽ, và đây là một trong những yếu tố để ta quản lý được chặt chẽ hơn.

Tôi không khẳng định đây không phải là chìa khóa để giải quyết tình trạng xe dù bến cóc, bởi việc giải quyết đòi hỏi nhiều yếu tố, từ sự tuân thủ của doanh nghiệp, việc chuyển đổi số, giám sát hành trình, thanh tra kiểm tra… Khi đó, những vi phạm sẽ được giải quyết một cách triệt để.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội: Tôi nhất trí với chị Hiền. Việc áp dụng lệnh vận tải điện tử sẽ giúp quản lý tốt hơn nhưng đây chỉ là 1 nội dung trong chuyển đổi số. Còn về việc giải quyết được xe dù bến cóc, theo tôi, mình lệnh điện tử khó có thể giải quyết được. Bài toán này cần cả quá trình bao gồm nhiều giải pháp đồng bộ.

Không còn chuyện tài xế làm mất lệnh vận chuyển

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội: Chúng tôi quản lý các bến xe lớn của Thủ đô, rất ủng hộ chuyển đổi số. Điều này giúp quản lý Nhà nước tốt hơn, quản trị doanh nghiệp cũng tốt hơn. Ngoài ra, còn tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo hiệu quả trong kinh doanh.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ lẻ. Doanh nghiệp lớn chiếm 30% thị phần hiện đã chuyển đổi số. Con số 70% còn lại, rất mong cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp này.

img

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội

Với bến xe, chúng tôi nghĩ rằng khi thực hiện chuyển đổi số, điểm ưu việt là thuận lợi cho người lao động, giảm thiểu được sức lao động.

Với doanh nghiệp vận tải, trước đây cuối ngày phải về công ty để lấy lệnh vận chuyển cho ngày hôm sau, mai mới đi được. Giờ không cần như vậy, có thể gửi qua mạng, email, zalo. Bến xe cũng có thể ngay tức khắc biết mai có lệnh vận chuyển nào.

Thậm chí có trường hợp lái xe mất cả lệnh vận chuyển. Giờ không còn tình trạng này nếu thực hiện lệnh vận chuyển điện tử.

Bến xe chúng tôi hiện đã đầu tư máy móc để bán vé điện tử, giờ có lệnh vận chuyển điện tử, khi xe xuất bến, bến xe biết ngay, doanh nghiệp vận tải biết ngay xe đã đi, giờ nào đến đích.

Trước đây, nếu lệnh bằng giấy thì doanh nghiệp vận tải không biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam càng không biết.

Chúng tôi sẽ luôn cố gắng trang bị hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số. Phần mềm quản lý bến xe đã chuyển dữ liệu lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ nhiều năm nay.

Triển khai đồng loạt sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông

- Vừa rồi bà Thu Hiền có đề cập việc phát hiện một số doanh nghiệp làm giả lệnh vận chuyển. Báo Giao thông cũng đã phản ánh vấn đề này, ngoài ra còn việc một số doanh nghiệp vận tải chỉ đăng ký một số xe, còn lại xe chạy bên ngoài. Vậy đại diện Sở GTVT Hà Nội,có thể cung cấp thông tin về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội: Đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện; còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị vận tải với 3.500 phương tiện.

img

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội

Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử là đúng đắn. Trong tất cả chủ chương và kế hoạch mà TP Hà Nội đã xây dựng, tất cả đều có việc áp dụng công nghệ trong quản lý GTVT, vì vậy khi thông tư của Bộ GTVT ban hành, Sở GTVT sẽ tham mưu để triển khai để Hà Nội vào trong tốp những địa phương có đơn vị, phương tiện vận tải sử dụng lệnh điện tử dẫn đầu.

Từ dịch Covid-19, chúng ta đã thấy việc chậm áp dụng chuyển đổi số sẽ tốn nhiều thời gian, giấy tờ.

Mặt khác, việc áp dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua chúng ta đã làm tương đối tốt. Trong dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT và thành phố, thời gian đầu yêu cầu nộp hồ sơ online nhưng sau đó các đơn vị hài lòng vì việc nộp hồ sơ đúng hạn, rõ ràng, minh bạch hơn.

Việc áp dụng lệnh vận chuyển cũng tương tự như vậy. Lúc đầu có thể khó khăn nhưng sau một thời gian, khi làm được, các đơn vị sẽ thấy đây là quyết định đúng để quy trình trở nên phải bài bản, có quy mô hơn, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Cần triển khai đồng bộ của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và bến xe

- Đại diện Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền còn thắc mắc gì về lệnh vận chuyển điện tử không?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN: Phía doanh nghiệp rất quan tâm Quyết định 749 ngày 3/6/2020 về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030. Chúng tôi đã nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của các bộ liên quan như Bộ Thông tin - Truyền thông, GTVT trên một số ngành, lĩnh vực.

img

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Trên cơ sở đó, cuối năm 2021 chúng tôi có thực hiện một khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động vận tải và khảo sát tình hình thực hiện chuyển đổi số trong các đơn vị vận tải.

Từ kết quả khảo sát, tháng 4/2022, chúng tôi đã tổ chức hội nghị báo cáo đánh giá về chuyển đổi số trong hoạt động vận tải. Sau hội nghị, công tác chuyển đổi số trong ngành vận tải đã được đẩy nhanh.

Đã có trên 500 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Đó là chuyển đổi số 1 cách toàn diện, bao gồm: chuyển đổi số phục vụ quản trị doanh nghiệp; chuyển đổi số trong mối tương tác với cơ quan quản lý Nhà nước như thuế, Sở GTVT, các cơ quan thanh tra, kiểm tra; chuyển đổi số trong mối quan hệ với khách hàng gồm có chủ hàng, hành khách đi lại thông qua các hình thức bán vé, hợp đồng…

Nội dung chuyển đổi số đã được các đơn vị vận tải đón nhận. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn có thông tin khó khăn khi thực hiện trong mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, bến xe. Việc này không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và đồng bộ trong triển khai tiếp nhận thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước mà các doanh nghiệp vận tải có tương tác.

Nếu có sự đồng bộ hoá, ý kiến chung của các doanh nghiệp đồng thuận với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực: bán vé, kết nối với cơ quan thuế, bến xe trong đó có lệnh vận chuyển bến xe.

Chúng tôi mong muốn quản lý Nhà nước có sự chỉ đạo thật đồng bộ trong việc triển khai này, để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất.

Thời gian đầu áp dụng song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy

- Theo Thông tư mới, Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư có một số quy định mới. Bà Phan Thị Thu Hiền có thể cho biết vì sao lại có thay đổi này và bà có thể giải thích rõ về các điểm mới được không?

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Thông tư 17 ban hành ngày 15/7/2022 sửa đổi nhiều nội dung để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động vận tải, trong đó có quy định về Lệnh vận chuyển.

img

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.

Trước đây, doanh nghiệp lưu giữ cả xấp giấy tốn kém. Tôi có đi khảo sát ở một số doanh nghiệp vận tải, kết quả cho thấy cơ bản không có vướng mắc, chỉ có vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động vận tải lớn, tốn cả 10 - 20 triệu tiền photo tài liệu/năm.

Tần suất vận chuyển tăng dần, hằng ngày lái xe phải có lệnh vận chuyển. Lệnh này chứng minh cơ quan có liên quan, đặc biệt là bến xe đã kiểm tra quy định, cho phép xe xuất bến rồi.

Hiện chúng ta đang dùng giấy, nhưng theo yêu cầu của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý bến xe đã được truyền dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nên chúng tôi đề xuất và theo yêu cầu của nhiều doanh nghiệp, chuyển sang lệnh vận chuyển điện tử.

Trước mắt, trong giai đoạn hiện tại vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng 2 hình thức. Lệnh vận chuyển giấy để phục vụ những bến xe ở vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn.

- Vậy lệnh vận chuyển giấy và lệnh vận chuyển điện tử khác nhau như thế nào?

Bà Phan Thị Thu Hiền: Điểm khác nhau chỉ ở cách thức truyền thông tin. Có những doanh nghiệp nhập dữ liệu qua phần mềm nội bộ, còn lệnh vận chuyển điện tử thì chuyển dữ liệu truyền dẫn ở tất cả. Việc sửa các thông tin liên quan đến chuyến đi không điều chỉnh được. Điều này đảm bảo khâu quản lý chặt chẽ cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

img

Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách" bắt đầu với sự tham gia của các khách mời:

1.Đại diện Bộ GTVT, Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN.

2. Ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT.

3. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an).

4. Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội.

5. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN.

6. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 17 ngày 15/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này, bên cạnh lệnh vận chuyển giấy, Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp vận tải, bến xe được sử dụng thêm lệnh vận chuyển điện tử.

lệnh vận chuyển với xe khách

Tọa đàm "Quy định mới về lệnh vận chuyển với xe khách" sẽ lý giải các băn khoăn về Quy định mới lệnh vận chuyển với xe khách.

Vậy, các doanh nghiệp, bến xe thực hiện quy định này thế nào? Có những lợi ích và khó khăn nào nảy sinh?

Tại tọa đàm hôm nay, các khách mời sẽ lý giải các nội dung liên quan đến những lợi ích cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để quy định lệnh vận chuyển điện tử trong vận tải khách tuyến cố định đi vào thực tiễn.

Một số nội dung sẽ được làm rõ tại hội thảo hôm nay:

Theo Thông tư mới, Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèmtheo Thông tư có một số quy định mới. Vì sao lại có thay đổi này? Việc sửa đổi này có tác dụng gì cho doanh nghiệp vận tải và bến xe, cho hành khách và cơ quan quản lý?

Nếu doanh nghiệp vận tải vẫn sử dụng Lệnh vận chuyển giấy, thì việc cung cấp thông tin như thế nào?

Những nội dung thông tin trong Lệnh vận chuyển điện tử theo quy định tại khoản 4, điều 51 bao gồm những thông tin nào?

Nếu dùng Lệnh vận chuyển điện tử, có bắt buộc phải truyền tải tất cả các thông tin được quy định trong lệnh vận chuyển về bến xe và cơ quản lý? Thời hạn nào quy định có hiệu lực? ...

Kính mời quý độc giả cùng theo dõi!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.