Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Trung Quốc và Ấn Độ đã chia rẽ trong cuộc họp diễn ra 2 ngày bàn về chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra tại New York. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã rời khỏi phòng họp trước khi đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân phát biểu và chỉ quay lại sau khi đại diện Trung Quốc trình bày ý kiến xong.
Trong cuộc họp đặc biệt về chủ nghĩa đa phương, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar kêu gọi đối thoại thẳng thắn để làm rõ “trật tự toàn cầu phản ánh tốt nhất với thực tế đương đại”.
Hiện tại, Ấn Độ đang nỗ lực vận động cải cách để có một ghế ủy viên thường trực tại HĐBA. Đã có Anh, Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng cam kết ủng hộ nỗ lực này của Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar
Trong khi đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân kêu gọi “thực hiện những sắp xếp đặc biệt để giải quyết quan ngại và tăng cường sự hiện diện của châu Phi tại cơ quan này”, đồng thời, tránh đề cập tới nỗ lực của Ấn Độ để có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hiện tại, Ấn Độ đang là thành viên không thường trực giữ vai trò chủ tịch HĐBA trong tháng 12. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng chưa bao giờ ủng hộ việc Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Bên cạnh đó, trong sự kiện ngày 15/12, ông Jaishankar chỉ trích các nền tảng đa phương đang bị lạm dụng để bao biện và bảo vệ những kẻ tấn công.
Theo SCMP, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ từng cho rằng Trung Quốc ngăn cản những nỗ lực của New Delhi để đưa một số công dân Pakistan mà Ấn Độ xác định là thủ phạm trong vụ tấn công tại Mumbai năm 2008 vào danh sách khủng bố.
Các vụ tấn công ngày 26/11/2008 đã khiến 166 người thiệt mạng bao gồm 26 người nước ngoài. Nhóm quân sự Lashkar-e-Taiba tại Pakistan bị cáo buộc là thủ phạm thực hiện các vụ tấn công đó.
Ông Jaishankar chỉ trích một số thành viên của HĐBA đang ngăn chặn các đề xuất - vốn được đưa ra dựa trên bằng chứng cụ thể - mà không đưa ra được lý do phù hợp.
“Làm thế nào để chúng ta đối phó với tình trạng tiêu chuẩn kép cả trong trong và ngoài HĐBA?”… “Chúng ta không thể để xảy ra một thảm họa khủng bố 11/9 tại New York hay 26/11 tại Mumbai lần nữa” – người đứng đầu ngoại giao Ấn Độ kêu gọi.
Trong khi đó, ông Trương đưa ra ý kiến trái ngược khi yêu cầu "tất cả các bên" từ bỏ "tính toán địa chính trị và khuynh hướng ý thức hệ một chiều" trong đối phó chủ nghĩa khủng bố.
Ông Trương cho rằng Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) mới là nhóm khủng bố đáng lo ngại nhất.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân
ETIM là phong trào đòi ly khai của người Duy Ngô Nhĩ mà Trung Quốc cáo buộc đã thúc đẩy "bạo lực tôn giáo cực đoan" ở Tân Cương và đã bị LHQ liệt vào danh sách khủng bố. Mỹ đã loại ETIM khỏi danh sách khủng bố năm 2020 vì "không có bằng chứng đáng tin cậy" cho thấy nhóm này tiếp tục hoạt động.
Ông Trương cho biết Bắc Kinh "lấy làm tiếc khi một số quốc gia đang chính trị hóa và công cụ hóa vấn đề chống khủng bố, theo đuổi tiêu chuẩn kép" và cuối cùng làm suy yếu "hợp tác chống khủng bố toàn cầu".
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã rời khỏi phòng họp trước khi ông Trương phát biểu và chỉ quay lại sau khi đại diện Trung Quốc trình bày ý kiến xong.
HĐBA là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và phê chuẩn hành động quân sự thông qua các nghị quyết, theo Geopolitical Monitor.
Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra quyết định mang tính khuyến nghị, các nghị quyết của HĐBA mang tính ràng buộc, tất cả thành viên LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, HĐBA được coi là cơ quan quyền lực nhất của LHQ.
Cơ quan này gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 5 quốc gia này có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi 10 thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết, nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận