Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiễn Tổng thống Pháp Francois Hollande ra máy bay sau cuộc gặp ngày 8/12 |
Thương vụ tàu chiến
Tờ New York Times vừa dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande rằng, phương Tây ngừng đe dọa Nga bằng những lệnh cấm vận mới, thay vào đó cần nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện tại để có thể có được những tiến triển trong tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Ông Hollande cũng cho biết, lập trường của Nga có thể đã bị hiểu lầm. Và ông Putin (Tổng thống Nga) muốn duy trì ảnh hưởng và Ukraine không trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khủng hoảng kinh tế Nga không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Liên minh châu Âu (EU), do đó cần chấm dứt các lệnh trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, ông Hollande nhấn mạnh điều kiện cơ bản để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga chính là giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Hollande cũng bày tỏ hy vọng về cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraine giữa các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 15/1 tới đây tại Kazakhstan.
Trước đó, ngày 8/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến Nga và có cuộc hội đàm chớp nhoáng với Tổng thống Putin kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ Nga - phương Tây trở nên tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Ngày 31/12, ông Putin gửi điện chúc mừng năm mới và ca ngợi vai trò cá nhân của ông Hollande. Rồi mới đây, ông Hollande đề xuất gỡ bỏ trừng phạt Nga.
Đến nay, Pháp và Nga vẫn chưa dứt điểm thương vụ chuyển giao hai tàu chiến Mistral trị giá 1 tỷ euro mà Pháp phải giao cho Nga cuối năm 2014. Tuy nhiên, Pháp không tuyên bố không bàn giao mà chỉ nói “đây chưa phải là thời điểm thích hợp”. Còn Nga thì nói “muốn nhận lại khoản tiền đặt cọc đã gửi trước cho Pháp”, chứ không nói đến chuyện khởi kiện đòi bồi thường.
Chuẩn Đô đốc Nikolai Kovalenko cho biết ,sau khi sáp nhập Crimea, Nga có ụ khô lớn nhất tại Kerch, có thể đóng tàu chiến và tàu dân sự với lượng giãn nước tới 130 nghìn tấn cũng như tàu lớp Mistral. Theo tờ Yomiuri của Nhật thì chính giới Pháp ủng hộ việc bàn giao tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, được chế tạo theo đơn đặt hàng của Nga. Thậm chí, các đảng cánh tả kêu gọi không theo đuôi Mỹ và cảnh báo sự thất hứa sẽ làm suy giảm uy tín đất nước.
Châu Âu đang bất ổn
Các nhà phân tích nhận định, cho dù đề xuất của ông Hollande có khả năng thành hiện thực hay không thì nó cũng bộc lộ rõ ý định Pháp muốn giữ vai trò quan trọng hơn trong EU về đối ngoại và quốc phòng, vị trí mà Đức nắm giữ trong thời gian qua. Ngoài ra, kể cả phương Tây chấp nhận thiệt hại để duy trì trừng phạt Nga đến mức rối loạn, sụp đổ kinh tế thì EU cũng không được lợi gì trong bối cảnh bóng ma khủng hoảng kinh tế vẫn ám ảnh hơn 6 năm qua.
Nhiều khả năng, Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu Đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng sau cuộc tổng tuyển cử ngày 25/1 và mâu thuẫn giữa EU - Anh trong vấn đề hạn chế người nhập cư khiến EU “sẽ không giữ Anh lại bằng mọi giá”. Cho nên, Nga trước sau vẫn là một đối tác kinh tế, năng lượng hàng đầu mà châu Âu không thể bỏ qua nếu muốn vực dậy nền kinh tế của mình.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nhằm kéo Nga trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, chứ không phải để gây rối loạn nước Nga và việc gây rối loạn chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.
Còn Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Hans-Werner Sinn cũng cảnh báo nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu, nhất là những ngân hàng của Pháp và Áo đang hợp tác chặt chẽ với Nga.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận