Những hình ảnh cho thấy các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Đá Subi trên Biển Đông, tháng 11/2015. (Ảnh: Reuters) |
Theo Reuters 3/7, vào 12/7 tới đây, Tòa trọng tài Thường trực ở La Hay (PCA), Hà Lan sẽ đưa ra phán quyết chính thức về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố sẽ “không quan tâm” đến chuyện này, đồng thời tuyên bố PCA không có “thẩm quyền” để xử lý vấn đề.
Thực tế, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền khoảng 90% diện tích Biển Đông và đang đứng trước một sự phán xét về việc vi phạm luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không biết và chúng tôi không quan tâm, trong thực tế, phán quyết này sẽ chẳng có lý do gì để thi hành, chúng tôi cho rằng đó là một sai lầm”, đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming nói với Reuters.
“Nó (phán quyết của PCA) sẽ chẳng có tác dụng gì với Trung Quốc, về chủ quyền của Trung Quốc đối với các rạn san hô và các đảo. Nó sẽ gây ra một tiền lệ nghiêm trọng, sai và xấu. Chúng tôi sẽ không đấu tranh vấn đề này tại tòa án nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đấu tranh cho chủ quyền của chúng tôi”, đại sứ Trung Quốc họ Liu nói.
Theo các chuyên gia an ninh và các nhà ngoại giao, Trung Quốc từ chối tuân theo phán quyết của tòa PCA sẽ là một thách thức với trật tự pháp lý quốc tế. Chưa kể, kèm theo một thái độ “bất cần” đó, Bắc Kinh ra sức tuyên truyền để lôi kéo các bên đứng về phía quan điểm sai trái của họ. Bắc Kinh đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các nhà ngoại giao, nhà báo để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông.
“Manila không có cơ đứng ở trên”, tờ China Daily cho hay. Trung Quốc ra sức quảng bá rằng có tới hơn 40 quốc gia ủng hộ mình trong vấn đề Biển Đông, trong khi rất ít các quốc gia lên tiếng công khai ủng hộ mà thôi.
Còn Hongkong FP hôm nay (4/7) thì dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một phát biểu hồi tuần trước rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp về chủ quyền và là đất nước “không sợ rắc rối”.
Một nguồn tin thân cận với đội ngũ bảo vệ pháp lý cho Manila cho biết, họ tin rằng các phán quyết sẽ có lợi cho Philippines và đủ để tạo ra áp lực đáng kể đối với các động thái tương lai của Bắc Kinh trên biển, theo Reuters.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận