Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Ngày 25/2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức ra thông báo đề xuất dỡ bỏ quy định trong hiến pháp về số nhiệm kỳ tối đa mà các chức danh Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc có thể nắm giữ, mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể tiếp tục duy trì quyền lực tối thượng ngay cả sau năm 2023.
Sửa đổi hiến pháp
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, người vừa tái đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017, được dự kiến sẽ trúng thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai tại Kỳ họp Quốc hội (lưỡng hội) bắt đầu khai mạc vào ngày 5/3 tới ở Thủ đô Bắc Kinh.
Quốc hội Trung Quốc cũng sẽ xem xét bản đề xuất dài 4.480 từ của Ủy ban Trung ương Đảng tại kỳ họp này, trong đó đề nghị xóa bỏ hạn chế quy định về số nhiệm kỳ tối đa của chủ tịch và phó chủ tịch nước. Nếu đề xuất trên được thông qua, ông Tập có thể tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2023.
Theo giới phân tích được báo SCMP dẫn lời, việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ là tín hiệu rõ nét nhất cho thấy ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền lâu hơn những người tiền nhiệm gần đây.
Trong hai thập kỷ qua, bộ ba vị trí lãnh đạo gồm Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản, chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cùng do một người nắm giữ đã chứng tỏ tính hiệu quả.
“Việc dỡ bỏ hạn chế tối đa hai nhiệm kỳ đối với vai trò Chủ tịch nước Trung Quốc có thể giúp duy trì hệ thống “ba trong một” này tăng cường thể chế nhất quán giữa lãnh đạo đảng và đất nước”, một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định.
Bên cạnh đó, bản đề xuất cũng đề cập tới việc đưa học thuyết chính trị của ông Tập vào hiến pháp sửa đổi. Hiện, Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo duy nhất có tên đi kèm với học thuyết chính trị được đưa vào cả hiến pháp lẫn điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Củng cố quyền lực
Việc đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” (gọi tắt là “Tư tưởng Tập Cận Bình”) trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội 19 được cho là cách ông Tập củng cố quyền lực và nhắm tới nhiệm kỳ thứ ba. Tư tưởng này đề cao sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “đặc điểm của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc”.
Việc đồng hóa mình với Đảng giúp ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi. Tức là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm điều lệ Đảng. Nếu đề xuất được thông qua, bất kỳ ai vi phạm “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ bị coi là vi phạm Hiến pháp Trung Quốc.
Trong khi đó, “vai trò quan trọng” của hiến pháp đã được ông Tập đề cao trong buổi họp với sự tham dự của 25 thành viên Bộ Chính trị ngày 24/2. “Không có tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền vượt qua hiến pháp hay luật pháp”, Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một minh chứng nữa cho thấy nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đang củng cố quyền lực của mình thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao. Đó là ông Tập đã không thúc đẩy bất cứ ai trẻ còn đủ tuổi hoặc có nền tảng thích hợp để trở thành người kế nhiệm ông.
Điều này làm tăng dự đoán rằng ông sẽ tiếp tục tại nhiệm, vượt qua các quy định về giới hạn nhiệm kỳ cũng như số tuổi nghỉ hưu đối với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đảng (luật bất thành văn là 68 tuổi).
Về cơ cấu nhân sự Đảng Cộng sản Trung Quốc, cả 5 gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan chính trị gồm 7 thành viên quyền lực nhất Trung Quốc - đều từ 60 - 67 tuổi, quá tuổi quy định vào kỳ Đại hội 20 năm 2022 nên sẽ không thể cạnh tranh để lên chức vị cao nhất là Tổng Bí thư.
Còn về cơ cấu nhân sự chính quyền, việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ “mở đường” cho ông Tập Cận Bình có thể vẫn ở vị trí Chủ tịch nước sau năm 2023, kiêm Tổng Bí thư Đảng (không hạn chế nhiệm kỳ) và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận