Pháp kêu gọi đưa tàu chiến vào tuần tra tại Biển Đông. Ảnh: Foreign Policy. |
Trang Foreign Policy hôm 6/6 đưa tin, Pháp vừa kêu gọi các nước châu Âu tăng cường tuần tra hải quân tại Biển Đông trong bối cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước liên quan ngày càng gay gắt.
Hôm 5/6, trong Đối thoại Shangri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi Hải quân châu Âu cần có sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực để duy trì luật biển quốc tế và “tự do hàng hải”.
Ông Le Drian cho biết: “Nếu chúng ta muốn hạn chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo về quyền này và tự mình thực hiện điều đó”.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không nêu đích danh Trung Quốc, song ông cũng mạnh mẽ chỉ trích yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông trong việc nạo vét trên quy mô lớn và xây dựng cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo.
Ống nhấn mạnh: “Nếu hiện nay luật biển không được tôn trọng ở Biển Đông, thì sau này nó sẽ đe dọa cả Bắc Cực, Địa Trung Hải hay bất cứ nơi nào khác”.
Theo Foreign Policy, lập trường của Pháp đã thể hiện thái độ cứng rắn của cộng đồng quốc tế trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược, nơi có giá trị hàng hải lưu thông mỗi năm lên đến 5 nghìn tỷ USD.
Đối thoại Shangri-La tại Singapore là nơi gặp gỡ của các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu trên khu vực và thế giới, nhằm tìm ra cách đối phó với các thách thức an ninh mà Châu Á đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Tại đây, Bắc Kinh cố bảo vệ yêu sách của mình trên biển, đồng thời cáo buộc Washington can thiệp vào vấn đề khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải chịu chỉ trích gián tiếp từ các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng đã lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh trong một bài phát biểu tại Hội nghị. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hành động “chưa xác định” nếu cố gắng tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, ông Jean-Yves Le Drian. |
Bên cạnh đó, hôm 5/6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thúc giục Trung Quốc từ bỏ việc xác lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông vì đây là “hành động khiêu khích và gây mất ổn định khu vực”.
Kể từ khi đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý tại các rạn san hô và bãi đá, Bắc Kinh luôn tìm cách tránh “quốc tế hóa” vấn đề này, đồng thời tập trung vào giải quyết tranh chấp bằng con đường đối thoại song phương.
Các hoạt động khiêu khích và ngang ngược của Trung Quốc đã đẩy nhiều nước Đông Nam Á trở nên gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Không những vậy, nhiều nước châu Á khác cũng đang bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc.
Năm 2015, Nhật Bản cho biết sẽ xem xét tiến hành tuần tra hải quân ở Biển Đông, bất chấp căng thẳng Nhật – Trung tại biển Hoa Đông. Năm nay, Ấn Độ cũng đang có bước tiến lớn nhằm đối phó với thách thức của Trung Quốc khi đề cập đến việc tuần tra tự do tại phía Tây Thái Bình Dương.
Đến nay, Pháp đã lên tiếng vận động các quốc gia châu Âu tuần tra hải quân, đáp trả lại chiến lược của Trung Quốc. Theo ông Le Drian, đối với Pháp và Châu Âu, điều này không chỉ bảo vệ lợi ích và thương mại trong khu vực, mà còn góp phần giữ gìn trật tự, quy tắc của luật pháp quốc tế.
Ông Le Drian cũng cho biết, ông sẽ sớm cung cấp thêm thông tin chi tiết về chương trình tuần tra thường xuyên của lực lượng hải quân châu Âu.
Trả lời Foreign Policy, bà Mira Rapp-Hooper – quan chức cao cấp của Trung tâm an ninh Mỹ cho hay: “Việc có thêm nhiều nước châu Âu tham gia tuần tra Biển Đông là điều Hoa Kỳ đã hy vọng lâu nay. Trong thời gian này, việc Pháp đưa ra lời kêu gọi cho thấy các nước châu Âu sẽ đồng tình với quyết định của Tòa án Hague trong vài tuần tới”.
Sự tham gia của Pháp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được khẳng định không hoàn toàn chỉ là lí thuyết. Đầu năm nay, Pháp đã ký thỏa thuận trị giá 40 nghìn tỉ USD để bán tàu ngầm tiên tiến cho Úc với lý do lo ngại về vấn đề an ninh khu vực. Cùng đó, Úc cũng kêu gọi Pháp gia tăng sự hiện diện tại phía Nam Thái Bình Dương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận