Thế giới giao thông

Trung Quốc ấp ủ tham vọng dùng hạ tầng để thống nhất Đài Loan suốt 25 năm

13/12/2021, 06:00

Trung Quốc đã ấp ủ một ý tưởng thống nhất trong hòa bình này từ cách đây 25 năm nhưng đến nay vẫn chỉ trên giấy.

Tham vọng thống nhất qua dự án giao thông

Để hiện thực hóa tham vọng thống nhất Đài Loan, ngoài hoạt động chính trị, ngoại giao…, Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã ấp ủ một kế hoạch hạ tầng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ Nhân nhân tệ, đòi hỏi thách thức kỹ thuật rất lớn.

Cách đây ít ngày, giữa lúc căng thẳng giữa hai bờ eo biển không ngừng tăng cao, bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc nêu lại kế hoạch xây dựng hạ tầng xuyên eo biển Đài Loan, theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times).

Trong một buổi họp báo, bà Chu cho biết, nước này đã hoàn tất kết nối cầu đường sắt, đường cao tốc xuyên eo biển Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

img

Tuyến đường sắt nối Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) với Bình Đàm

Đây được cho là dự án nền tảng để hướng tới xây dựng hạ tầng xuyên eo biển kết nối từ thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với Đài Bắc (Đài Loan).

Bà Chu nhắc lại kế hoạch hạ tầng xuyên eo biển đã được nêu trong văn kiện dự thảo quốc gia về hệ thống giao thông toàn diện giai đoạn 2021-2035 do Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đồng ban hành hồi tháng 2/2021.

Trong cuộc họp khác có sự tham gia của nhiều chuyên gia Trung Quốc được tổ chức tại đảo Bình Đàm, ông Ge Yaojun - Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Kỹ thuật Xây dựng và Cầu đường, Giáo sư cấp cao tại Đại học Tongji, Thượng Hải cho biết, nhóm của ông đã đề xuất xây dựng một đường hầm và cầu dài 122km từ Bình Đàm tới Tân Trúc, Đài Loan.

“Chi phí thực hiện dự án cầu - hầm từ đại lục tới Đài Loan rất lớn, hơn 400 tỷ Nhân dân tệ (62,6 tỷ USD). Tuy điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng nhờ công nghệ hiện đại, kế hoạch xây dựng tuyến đường xuyên eo biển Đài Loan vẫn có thể thực hiện”, ông Ge nhận định.

Nhiều nhà quan sát Bắc Kinh cho rằng, ý tưởng này thể hiện thiện chí tái thống nhất của Trung Quốc và nguyện vọng tăng cường kết nối, trao đổi liên lạc giữa người dân Trung Quốc và Đài Loan, đặc biệt trong thời gian căng thẳng.

25 năm, làm 12 hội thảo

Ý tưởng xây dựng đường hầm nối eo biển Đài Loan được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1996 do chuyên gia kỹ thuật Wu Zhiming làn việc tại Đại học Thanh Hoa đưa ra.

Kể từ năm 1998, Trung Quốc đại lục đã tổ chức 12 hội thảo về các sáng kiến hạ tầng nối eo biển, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng, có thể thiết kế tương tự đường hầm eo biển Manche nối Anh và Pháp.

Họ cũng cân nhắc xây dựng thêm cầu treo, thêm đảo nhân tạo để tạo thành một tổ hợp đường hầm ngầm và cầu đường.

Các chuyên gia dự đoán, tổ hợp đường hầm và cầu nối đại lục - Đài Loan rất quan trọng, có thể mất khoảng 10 năm để thực hiện và sẽ giúp giao thông di chuyển liên tục xuyên eo biển.

Một khi cơ sở hạ tầng này được khai trương, các sản phẩm tươi sống từ Đài Loan có thể được nhập khẩu trực tiếp sang Đại lục trong chưa đầy 1 giờ đi tàu.

Hai bên sẽ thành lập một khu kinh tế 24h như dự án cầu Hong Kong - Chu Hải - Macao tại khu vực Vịnh lớn Macao - Quảng Đông - Hong Kong.

Với công nghệ, kỹ thuật xây dựng cao và tiềm lực kinh tế mà Trung Quốc hiện có, khả năng thực hiện dự án này là không khó.

Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, thực sự kế hoạch này có lợi cho nền kinh tế Đài Loan. Song vì môi trường chính trị căng thẳng hiện nay khi chính quyền đảo Đài Loan do đảng Dân tiến (DPP) nắm quyền đang có quan điểm đối đầu với đại lục nên khả năng thực hiện gần như là con số 0.

“Đây là dự án khổng lồ nên mất nhiều thời gian để nghiên cứu tính khả thi. Vì mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan không suôn sẻ nên quá trình tìm hiểu của chúng tôi bị hạn chế. Chúng tôi chỉ có thể đánh giá được dữ liệu địa lý ở phía đại lục”, chuyên gia Wu nhận định.

Đài Loan phản ứng mạnh và chế nhạo

Trong phản ứng mới nhất về dự án trên, Văn phòng các vấn đề đại lục của Đài Loan cho biết, hòn đảo này không có ý định thực hiện và không bao giờ bàn vấn đề xây dựng hạ tầng xuyên eo biển Đài Loan.

Trước đó, khi Trung Quốc công bố văn kiện về hạ tầng giao thông, trang Taiwan News (Đài Loan) cũng dẫn bình luận của các chính trị gia, cộng đồng mạng trên đảo chế giễu kế hoạch của Đại lục là nực cười.

Trên tờ Liberty Times (Đài Loan), Nhà lập pháp Wang Ting-yu của đảng DPP cho rằng, kế hoạch nói trên chỉ là “chiêu trò” của đại lục và cho rằng người dân trên đảo nên coi bản kế hoạch này như “một tiểu thuyết khoa học giả tưởng”.

Nhà lập pháp Wang tỏ ý mỉa mai chính quyền Bắc Kinh khi nghĩ có thể khẳng định Đài Loan nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc chỉ bằng một dự án hạ tầng giao thông. “Thực tế, Đài Loan cũng có sẵn hệ thống giao thông rất thuận tiện từ đường sắt đô thị tới cao tốc”, ông Wang nhấn mạnh.

Trung Quốc vẫn âm thầm chuẩn bị hạ tầng kết nối

Theo ông Ge Yaojun, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Kỹ thuật Xây dựng và Cầu đường, Giáo sư cấp cao tại Đại học Tongji, Thượng Hải, bất chấp phản đối thẳng thừng từ Đài Loan và toàn bộ dự án xây cầu - hầm xuyên eo biển Đài Loan vẫn nằm trên giấy, từ lâu Trung Quốc đã xây dựng hạ tầng để chuẩn bị trong tương lai có thể kết nối với hệ thống đường sắt, đường bộ của hòn đảo.

Điển hình, Trung Quốc đã xây dựng hai cây cầu nối từ đại lục tới đảo Bình Đàm. Một cầu đường bộ khai trương vào năm 2010 còn lại là cầu đường sắt - đường cao tốc vừa hoàn thành vào năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.