Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ một biên tập viên truyền hình nổi tiếng của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vì liên quan tới vụ án tham nhũng của Giám đốc Kênh tin tức tài chính thuộc CCTV.
Biên tập viên truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc bị bắt ngay trước khi chuẩn bị lên sóng |
Biên tập viên Rui Chenggang bị bắt giữ ngay trước giờ lên sóng “Bản tin kinh tế” tối ngày thứ 6 khoảng 1 giờ, để lại chiếc ghế trống trên truyền hình và người bạn dẫn phải thực hiện chương trình một mình.
Những tin đồn xung quanh biên tập viên Rui nảy sinh từ tháng trước khi ông Guo Zhenxi – Giám đốc kênh tin tức tài chính của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc và cũng là người bảo trợ lâu nay của biên tập viên này bị bắt giữ vì tội nhận hối lộ. Trong vụ này, một vài nhân viên cấp cao khác của kênh truyền hình này cũng bị liên đới. Nhiều người cho rằng ông Guo có quan hệ mật thiết với Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc trích lời nguồn tin CCTV ngày 12/7 cho biết ông Rui, 37 tuổi, bị bắt giữ vì có liên quan tới vụ tham nhũng của ông Guo cũng như bị điều tra về khả năng ông này hưởng lợi từ việc sử dụng vị trí tại CCTV.
Trước khi bị bắt, biên tập viên Rui được công chúng Trung Quốc biết tới là người luôn diện các bộ comple thiết kế riêng, sở hữu những chiếc ô tô xịn và có lượng người theo dõi trên mạng xã hội nhiều nhất so với các nhân vật khác trong CCTV. Thậm chí, ông Rui còn được người hâm mộ tôn vinh là “gương mặt của một Trung Quốc mới”.
Khi làm việc tại CCTV, Rui thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn với hàng trăm doanh nhân và chính trị gia trên khắp thế giới, được tờ New York Times của Mỹ lập hồ sơ lý lịch (profile). Ông Rui bắt đầu sự nghiệp phát thanh viên ở ban quốc tế của CCTV và thực sự nổi tiếng khi chuyển về kênh tin tức tài chính của CCTV năm 2008.
Trong sự nghiệp của mình, ông Rui từng thực hiện thành công chiến dịch gây tranh cãi – ép hãng thức uống Starbucks rút việc kinh doanh khỏi khu vực Tử cấm thành của Trung Quốc năm 2007 vì cho rằng sự hiện diện của một hãng đồ uống Mỹ tại di tích lịch sử là một sự xâm lấn văn hóa Trung Quốc.
Năm 2010, ông Rui thu hút sự quan tâm của quốc tế khi nói “tôi thực sự là một người Trung Quốc nhưng tôi nghĩ tôi có thể đại diện cho toàn bộ Châu Á” trước khi đưa ra một câu hỏi dài cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo tại thủ đô Seoul.
Trang Trần (Theo CNN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận