Hóa thạch loài khủng long thời cổ đại được phát hiện nằm sâu 500m dưới lòng đất |
Hai bộ xương hóa thạch của loài khủng long cổ dài hơn 9m đã được khai quật bởi các công nhân đang thi công xây dựng một con đường ở Trung Quốc. Hóa thạch được cho là phần còn lại của 2 loài khủng long Lufengosaurus magnus và Lufengosaurus huenei - loài động vật ăn cỏ đi lang thang trên Trái đất khoảng 180 triệu năm trước.
Theo nguồn tin từ Dailymail, những công nhân đã phát hiện ra các hóa thạch nằm sâu 500m dưới lòng đất khi họ đang dọn sạch đất đá để làm con đường mới ở thành phố Lục Phong thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Các nhà cổ sinh vật học cho rằng xương của loài khủng long Lufengosaurus magnus này bao gồm chân sau rất lớn hoàn chỉnh cùng với nhiều các xương lưng và cột sống.
Các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu bộ xương khủng long mới được tìm thấy |
Tổng số các hóa thạch dài khoảng 5m nhưng các chuyên gia tin rằng, loài khủng long này có thể dài lên đến 9m. Tuy nhiên, hộp sọ đã bị bào mòn bởi thời tiết. Những phần hóa thạch khác của loài Lufengosaurus huenei cũng không được bảo quản tốt. Được biết, chúng có kích thước nhỏ hơn so với các loài khác.
Lufengosaurus sauropod, một loài khủng long chân thằn lằn sống trong đầu kỷ Jura là một loài động vật lớn nhất trên Trái Đất thời kỳ đó, bao gồm cả Diplodocus. Người ta phát hiện loài Lufengosaurus đầu tiên vào năm 1938. Tới nay, đã có hơn 30 mẫu vật được tìm thấy.
Ông Wang Tao, giám đốc bộ phận bảo vệ di sản địa chất tại Cục Tài nguyên đất đai Lục Phong cho biết: "Các phần của hóa thạch vẫn còn khá nguyên vẹn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn cho đến khi thực hiện xây dựng bảo tàng ngay tại khu vực khai quật".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận