Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trước khi bắt đầu cuộc họp tại Singapore ngày 31/5 |
Nhật, Mỹ cùng lên án Trung Quốc
Tại Đối thoại Shangri-la 13, Trung Quốc trở nên bẽ mặt khi hành vi gây hấn và đòi hỏi chủ quyền một cách phi lý và phi pháp bị các nước đồng loạt lên án. Phát biểu với tư cách là diễn giả chính, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam và Philippines trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đồng thời khẳng định việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và hăm doạ trong các tranh chấp chủ quyền như tiến hành hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động không thể biện hộ.
Hôm qua (1/6), trả lời Reuters, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ nhận các tàu tuần tra bảo vệ bờ biển từ phía Nhật Bản vào đầu năm tới. Thứ trưởng Vịnh nói: Nhật Bản đang giúp Việt Nam đào tạo đội bảo vệ bờ biển, chia sẻ thông tin giữa các đội với nhau cũng như sẽ gửi tàu thuyền giúp đỡ. Quá trình này đang diễn biến rất tốt đẹp. Chúng tôi có kế hoạch nhận một số tàu từ Nhật Bản trong năm tới. B.T |
Trước sự có mặt của các đại diện quốc phòng nhiều nước châu Á, trong đó có Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố: “Những tháng vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành những hành động đơn phương gây bất ổn trên biển Đông. Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào, các nguyên tắc căn bản của trật tự thế giới phải được bảo đảm“ - ông Chuck Hagel nhấn mạnh và đồng thời cảnh báo Washington sẽ không thụ động nếu trật tự thế giới bị đe doạ. Ông Chuck Hagel cũng đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Theo quan điểm của Nhật Bản, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc, các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Chiến lược “Kế hoạch Phòng vệ Tập thể” cho phép Nhật có thể động binh khi một đồng minh bị uy hiếp mà không cần chờ đến phiên mình bị tấn công. Kế hoạch này nếu được tiến hành sẽ tạo cho Nhật một vai trò chủ động hơn thay vì phải chờ và nhờ sức mạnh của Mỹ. Mặt khác, nó giúp cho ngành công nghệ quân sự Nhật Bản phát triển mạnh và làm nhẹ gánh nặng tài chính của Mỹ trong chiến lược chuyển trục. Các nước Đông Nam Á có được một đồng minh gần về quân sự lẫn kinh tế. Kế hoạch này được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh và ủng hộ.
Còn phản ứng của Trung Quốc không làm giới phân tích ngạc nhiên, theo AFP, bà Phó Oánh - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại.
Phải đối thoại để giải quyết căng thẳng
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tuyên bố, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, nếu những biện pháp giải quyết song phương của Việt Nam trong vấn đề căng thẳng với Trung Quốc xung quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam không thành, Việt Nam có thể sẽ kiện Trung Quốc.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh, tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới Luật Biển: Tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. "Đây không chỉ là vấn đề có thể đối thoại hay không, chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc rằng, dù có những khác biệt về lập trường song chúng ta cần tạo bầu không khí để thúc đẩy các cuộc đối thoại đúng đắn", ông Onodera nói.
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh hai nước đang hết sức cảnh giác trước cách hành xử ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và biển Đông.
Hà Phương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận