Thế giới

Trung Quốc “cắn răng” nhập khẩu than từ Triều Tiên

27/05/2016, 07:22

Mặc dù ngành than trong nước lao đao vì khủng hoảng thừa song Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu than từ Triều Tiên.

than

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 1,8 triệu việc làm trong các công ty sản xuất thép và than đá của Nhà nước

Ngành than nội địa lao đao

Hiện nay, ngành than đá thế giới đang rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, phần lớn ảnh hưởng bởi Trung Quốc - thị trường tiêu thụ than chiếm một nửa tổng nhu cầu tiêu thụ toàn thế giới. Nhu cầu này giảm mạnh do Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế “ô nhiễm và sản xuất dư thừa”. Giá than tại Trung Quốc sụt giảm kể từ năm 2011. Việc thu hẹp ngành công nghiệp nặng và than đá tại Trung Quốc đẩy nhiều công nhân mất việc.

Tại các tỉnh phía Đông Bắc, trung tâm sản xuất than của nước này, các cuộc tinh giản biên chế, cắt giảm việc làm diễn ra hàng loạt. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 1,8 triệu việc làm trong các công ty sản xuất thép và than đá của Nhà nước. Trong đó, khoảng 1,3 triệu công nhân ngành than và 500.000 công nhân ngành thép của Trung Quốc sẽ bị sa thải, ông Yin Weimin, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội nước này cho biết. Ông Yin cũng nói số công nhân mất việc này sẽ được phân bổ lại để có công ăn việc làm, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Nhưng, theo ông Geoffrey Crothall đến từ tổ chức phi Chính phủ theo dõi tình hình lao động Trung Quốc, dù Chính phủ hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm cho 1,3 triệu lao động dư thừa trên, nhưng cơ hội việc làm cho những người trung niên, người cao tuổi trong ngành này rất hạn chế. Trong khi kinh tế tại các tỉnh trung tâm khai thác than ở Trung Quốc vốn yếu kém”. Bất ổn ngày càng gia tăng tại các khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc, một số cuộc biểu tình lớn của người lao động ngành khai thác than tại đây bùng nổ.

Rất nhiều công nhân, hầu hết là người trẻ đã rời bỏ khu vực này để đến các trung tâm sản xuất tại phía Nam Trung Quốc. Những người ở lại vẫn tiếp tục làm việc nhưng không được trả lương nhiều tháng nay. Ông Li Jiuxian, công nhân than, 51 tuổi đến từ Jundeshan, tỉnh Hắc Long Giang Trung Quốc cho biết: “Tôi không còn nơi nào có thể vay mượn nữa”.

Vẫn nhập khẩu than Triều Tiên

Giữa bối cảnh ngành than trong nước khủng hoảng, suy thoái, nhu cầu không nhiều, Trung Quốc vẫn ủng hộ nhập khẩu than từ Triều Tiên. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu than đá từ Triều Tiên sang Trung Quốc tăng 26,9%, lên 21,7 tấn, với tổng trị giá 1 tỷ USD.

Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để cắt nguồn tài chính phục vụ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng trừ ngành than. “Khoảng giữa tháng ba vừa qua, hơn 2 tuần sau khi Liên hợp quốc áp các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên, nhiều nguồn tin từ ngành vận tải và thương mại Trung Quốc cho biết, họ không được thông báo gì về việc hạn chế nhập khẩu than từ Triều Tiên”, Reuters phân tích.

Một quan chức đến từ công ty nhập khẩu than đá và các sản phẩm khác từ Triều Tiên, có trụ sở tại Đại Liên cho biết: “Không có chỉ đạo gì về việc ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên”. Than là ngành xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên và là một trong số ít ỏi những nguồn thu lợi nhuận về cho nước này. Một số quan chức và chuyên gia nước này nhận định, nếu Trung Quốc quá “cứng” với Triều Tiên, có thể sẽ dẫn tới thảm họa kinh tế. “Tôi nghĩ, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn mở rộng đàm phán để miễn trừng phạt ngành khai thác than của Triều Tiên”, bà Andrea Berger, Phó giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Thống nhất về an ninh và quốc phòng Anh cho biết.

Hội đồng Đối ngoại Trung Quốc từng có thông báo cho biết: “Trung Quốc coi ổn định trên bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu”. Theo Business Insider, một phần lý do được cho là vì lo ngại làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên đổ về Trung Quốc nếu nước này sụp đổ kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.