Thời sự Quốc tế

Trung Quốc chỉ trích chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc lên án chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ gây chia rẽ, kích động và chắc chắn sẽ thất bại.

Ngày 22/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Thực tế sẽ chứng minh rằng cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ là chiến lược tạo ra chia rẽ, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình”.

“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ gây quan ngại sâu sắc trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông Vương nói.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, chiến lược của Mỹ dù nhân danh tự do và cởi mở, nhưng lại hướng tới việc hình thành các nhóm nhỏ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định, dù được che đậy dưới hình thức nào, về lâu dài, chiến lược này cũng sẽ thất bại.

img

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh - Xinhua

Nhận định của ông Vương được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông Biden đã tới thăm Hàn Quốc và có cuộc gặp Tổng thống mới nhậm chức Yoon Suk Yeol.

Ngày 23/5, ông Biden tiếp tục hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo và tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ gồm các thành viên Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ vào ngày 24/5.

Dự kiến, ông Biden thông báo về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại một cuộc họp có sự tham gia trực tuyến của các lãnh đạo trong khu vực.

Đây được cho là câu trả lời của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước những lời kêu gọi của các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đề nghị Mỹ có một chiến lược kinh tế nhằm khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cách đây 5 năm.

Các trụ cột của khuôn khổ bao gồm năng lượng sạch, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; giảm phát thải và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.

Mỹ chưa thông báo các quốc gia dự kiến sẽ tham gia Hiệp định IPEF, nhưng cho biết sẽ có thêm nhiều quốc gia dự kiến ký kết hiệp định trong những tháng tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.