Thế giới

Trung Quốc có đủ sức vượt Mỹ trên trường quốc tế?

17/06/2017, 05:00

Báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang nổi lên trở thành cường quốc được yêu thích nhất trên thế giới...

29

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải)

Báo Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang nổi lên trở thành cường quốc được yêu thích nhất trên thế giới trong bối cảnh Mỹ tập trung “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và dần rút lui khỏi các sân khấu chính trị quan trọng đã từng được định hình trên thế giới.

Điểm nhấn chuyến thăm Châu Âu

Tờ Atlantic có bài viết phân tích về sự nổi lên của Trung Quốc đăng tải đầu tháng 6 này. Trong đó, tờ báo này so sánh chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 và của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua để thấy rõ sự thay đổi.

Ông Lý hy vọng sử dụng chuyến thăm châu Âu trong 3 ngày, dừng chân tại Đức và Bỉ, để “lên tiếng ủng hộ một nền kinh tế mở rộng, đầu tư và thương mại tự do cùng sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên toàn cầu”.

Trong các cuộc gặp mặt và bài phát biểu trong chuyến thăm Châu Âu, Thủ tướng Trung Quốc đã thành công trong việc vẽ nên một Trung Quốc “tự do, trách nhiệm và là cường quốc toàn cầu”. Trong khi đó, ông Trump lại tái khẳng định cam kết duy trì chính sách “đặt nước Mỹ lên hàng đầu”, gây tranh cãi khi không thể củng cố tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ trích Đức “vô cùng yếu kém” trong chính sách thương mại.

Tiếp đó, cũng trong đầu tháng 6, ông Lý Khắc Cường thay mặt Trung Quốc, tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trung Quốc khẳng định, cần có trách nhiệm toàn cầu trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cùng ngày, Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận quan trọng này.

Đồng minh lạnh nhạt với Mỹ

Thực tế, Trung Quốc chưa được đánh giá là đất nước chưa có tự do thương mại như Mỹ và chưa có kinh nghiệm tham gia vào các vấn đề toàn cầu hàng chục năm như Hoa Kỳ. Nhưng vì sự bất ổn trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng hàng loạt quyết định chính sách ngoại giao gây bức xúc, phần nào tạo cơ hội cho Trung Quốc - nước đang khát khao chiến thắng cuộc chiến toàn cầu về cả tình cảm lẫn lý trí.

e344aca0060f44dcbf0d1626c0e0c636_18

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh minh họa)

Trong 4 tháng nhậm chức, các động thái ngoại giao của ông Trump như cuộc điện đàm được đánh giá là thô lỗ và gây bức xúc với Thủ tướng Australia hồi tháng 1 đến chuyến thăm châu Âu gây tranh cãi, tiếp đó là việc rút khỏi Hiệp ước Paris, khiến các nước đồng minh lo ngại.

Kết quả, dù có ý định hay không, các nước đồng minh và các quốc gia hữu nghị với Mỹ bắt đầu tính đến chuyện tìm phương án thay thế. Điển hình là phản ứng của Thủ tướng Đức Angela Merkel về chuyến thăm châu Âu của ông Trump rằng: châu Âu nên  tự quyết định số phận của mình và “thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác sắp chấm dứt rồi”, theo Atlantic.

Trong khi đó, với Trung Quốc, nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh, nước này “đang trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng” và “chúng ta đang sống trong thời đại bất ổn toàn cầu và chứng kiến trách nhiệm của chúng ta là mở rộng quan hệ đối tác trên tất cả các lĩnh vực và để “thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật pháp”.

Theo Atlantic, những bình luận của bà Merkel không chỉ gián tiếp chỉ trích ông Trump mà còn thể hiện hy vọng Trung Quốc gánh vác nhiều hơn những trách nhiệm quốc tế mà Mỹ có vẻ muốn thoái thác.

Sự lạnh nhạt của các đồng minh cũng thể hiện qua những thông điệp thờ ơ đến kinh ngạc của tân Tổng thống Hàn Quốc gửi tới ông Trump hay như cuộc tranh luận tại Australia về việc lánh xa khỏi Mỹ.

Trên trường quốc tế, Bắc Kinh đưa ra nhiều khung làm việc cho tất cả các quốc gia để tham gia vào một trật tự thế giới mà Trung Quốc muốn là chủ thể. Nổi bật là chính sách “Một vành đai, Một con đường” với tham vọng tái lập lại Con đường tơ lụa xưa kia và một lần nữa Trung Quốc lại trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Trung Quốc cũng tăng cường sức ảnh hưởng đối với các chương trình làm việc hiện tại như tổ chức Liên hợp quốc nơi Bắc Kinh có đóng góp lớn thứ 2 cho ngân sách gìn giữ hòa bình của cơ quan này, nhằm hy vọng thúc đẩy “quyền lực mềm”.  

.... Vẫn khó thế chỗ Washington

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, Trung Quốc vốn là tâm điểm thế giới nhiều năm nay - đầu tiên được nhắc đến là “nhà máy của thế giới”, sau đó là “nhà xây cầu của thế giới” - nhưng khả năng cải cách kinh tế của nước này vẫn còn trong nghi vấn. Đồng thời, ngành Tài chính của Trung Quốc chưa đủ phát triển như các nước phương Tây. Tỉ lệ phát triển chậm, kinh tế hoạt động không hiệu quả và tình hình cải cách ngành dịch vụ vẫn hết sức chậm chạp.

Tờ Forbes dẫn lời các chuyên gia nhận định, chỉ riêng việc mở rộng quyền lực mềm không thể đảm bảo cường quốc đó nổi lên vị trí hàng đầu. Thứ nhất, thế giới chưa nhận thấy những quan hệ đối tác kinh tế gần đây của Trung Quốc có tầm nhìn lâu dài. Thứ hai, sự hiện diện của quyền lực mềm ở bên ngoài mà không có các thể chế nội địa mạnh mẽ (như tình hình thực thi pháp luật yếu kém, tham nhũng, kiểm soát và thiếu tự do hóa tài chính...) sẽ đe dọa làm xói mòn sự hiện diện trên toàn cầu của Trung Quốc. Thứ ba, Trung Quốc có biểu hiện bá quyền ở biển Đông, điều này khiến rất nhiều quốc gia không phục.

Có thể thời thế sẽ thay đổi nhưng ít nhất trong tương lai gần Trung Quốc chưa thể vươn lên thế chỗ Mỹ trên trường quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.