Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc cung cấp vaccine Covid-19 cho nước nghèo để làm gì?

16/12/2020, 06:45

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc cung cấp vaccine nội địa cho những nước nghèo là một hướng ngoại giao khôn khéo của Bắc Kinh.

img

Phòng thí nghiệm vaccine của Sinovac tại Bắc Kinh

Trong khi các quốc gia giàu có chạy đua mua sắm và dự trữ vaccine, Trung Quốc lại đẩy mạnh cung cấp vaccine nội địa cho những nước nghèo hơn. Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây là một hướng ngoại giao khôn khéo của Bắc Kinh, bởi nếu thành công có thể mang về cho nước này rất nhiều lợi ích cả kinh tế và chính trị.

Cơ hội kinh doanh trị giá hàng tỷ USD

Ông Huang Yanzhong, nghiên cứu sinh cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ ngoại giao (CFR) cho rằng, việc Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine để gột rửa hình ảnh trên trường quốc tế là điều không phải bàn cãi. Nhưng không dừng ở đó, đây còn là công cụ đắc lực cho phép Bắc Kinh củng cố sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

“Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc có thể đi kèm điều kiện”, hai chuyên gia Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio cho biết trong một văn bản vừa được Viện Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) công bố.

Hai chuyên gia cho rằng: “Bắc Kinh có thể sử dụng hoạt động tài trợ vaccine để cải thiện chương trình nghị sự trong khu vực, đặc biệt đối với các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông”.

Mới đây, giới ngoại giao Trung Quốc vừa ký thỏa thuận cung cấp vaccine với Malaysia và Philippines - những quốc gia đều có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh.

Trước đó, hồi tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa hẹn sẽ ưu tiên quyền tiếp cận vaccine cho các quốc gia dọc sông Mê Kông.

Không chỉ vậy, khi Washington vắng bóng trong chương trình liên minh toàn cầu 189 quốc gia cam kết phân phối công bằng vaccine, Bắc Kinh lại tức tốc tham gia từ hồi tháng 10 ngay khi các nhà sản xuất dược phẩm nước này công bố thử nghiệm giai đoạn cuối.

Đáng nói, chương trình phân phối trên chỉ có thể đảm bảo đủ liều vaccine cho khoảng 20% dân số tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tính đến cuối năm sau, từ đó mở ra cơ hội thương mại lớn mà Trung Quốc không muốn bỏ lỡ.

Hiện tại, Bắc Kinh đã tăng cường các cơ sở sản xuất đủ khả năng sản xuất 1 tỷ liều vaccine vào năm sau. Vì tình hình dịch bệnh trong nước đã tạm ổn nên chắc chắn nước này sẽ vẫn có thừa thuốc phòng virus để bán.

“Chỉ cần nắm bắt được 15% thị phần các nước thu nhập thấp và trung bình, Bắc Kinh có thể thu về doanh số 2,8 tỷ USD”, Essence Securities, công ty môi giới chứng khoán Hong Kong ước tính.

“Mọi người đều đang khao khát vaccine và Bắc Kinh đang ở vị trí thuận lợi để đào vàng ngay giữa kim tự tháp”, một nhà phân tích của Công ty Essence Securities, nói.

Củng cố sáng kiến con đường tơ lụa

“Sâu xa hơn, hoạt động tiêm chủng trên quy mô toàn cầu đòi hỏi cơ sở kho vận và chuỗi bảo quản lạnh phục vụ vận tải vaccine. Những dự án xây dựng cơ sở vật chất, mở đường cho vaccine vận tải nhanh chóng nhất, vô hình chung củng cố ý tưởng xây dựng hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang tên “Vành đai và Con đường” vốn bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh”, ông Kirk Lancaster đến từ CFR cho biết.

Hiện tại, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã xây dựng nhiều nhà kho ở Ethiopia và Dubai, phục vụ cho các trung tâm phân phối vaccine của châu Phi và Trung Đông. Không chỉ ở khu vực châu Á, Bắc Kinh còn đang xây dựng nhiều cơ sở sản xuất vaccine tại Brazil, Morroco và Indonesia.

“Tất cả những nỗ lực này được lái với cái tên là “Con đường Tơ lụa Y tế” sẽ giúp Trung Quốc củng cố danh tiếng quốc gia, đồng thời mở cửa thị trường cho các công ty nội địa”, ông Lancaster nói.

Tuy nhiên, để biến tất cả những ước tính trên thành hiện thực, điều quan trọng nhất là vaccine của Trung Quốc phải thực sự có hiệu quả.

Trong lịch sử y tế cho thấy, dư luận toàn cầu không ít lần sững sờ và hoảng hốt trước những vụ lừa đảo, sai phạm nghiêm trọng, rợn người với những loại thuốc quá hạn từ nhiều năm, chất lượng kém của nhiều công ty dược Trung Quốc.

“Chính vì vậy, sự thiếu minh bạch sẽ tạo ra tâm lý cảnh giác khi triển khai vaccine trên quy mô toàn cầu”, bà Natasha Kassam, nhà phân tích chính sách Trung Quốc tại Viện Lowy cho biết.

Số liệu đặt hàng vaccine Trung Quốc là minh chứng rõ nhất. Theo Airfinity, công ty tư vấn của London, nếu như các nhà sản xuất vaccine Pfizer (Mỹ) hay AstraZeneca (xuất xứ Anh - Thuỵ Điển) nhận được đơn đặt hàng sớm lên tới hàng tỷ liều thì các công ty sản xuất hàng đầu Trung Quốc chỉ nhận được chưa đầy 500 triệu liều, tính đến giữa tháng 11.

Bắc Kinh đang có 4 loại vaccine đã phát triển ở giai đoạn cuối và đang được thử nghiệm trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia bao gồm Brazil, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nước, đã có hàng nghìn người được tiêm thử.

Nhưng không giống những loại thuốc phòng virus do các công ty như Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển, các công ty vaccine của Trung Quốc công bố rất ít thông tin về mức độ an toàn và hiệu quả của các loại thuốc mà họ đang nghiên cứu. Hàng nghìn người tại Trung Quốc nội địa đã nhận được vaccine nhưng lại không có dữ liệu thử nghiệm liên quan được công bố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.