Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc họp bàn tại Vân Nam |
Diplomat hôm qua (16/6) có bài viết cho rằng, chính Trung Quốc chứ không phải là ASEAN đã thất bại lần này ở Hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN tổ chức ở Côn Minh, Trung Quốc hôm 14/6.
ASEAN đã ra thông cáo sau Hội nghị đặc biệt, với lời lẽ cứng rắn về vấn đề biển Đông. Bản thông cáo không nhắc tới Trung Quốc, song lời lẽ cứng rắn có thể đang ám chỉ các hoạt động bồi đắp trái phép của nước này trên biển Đông. Thông cáo đã được truyền thông Malaysia công bố và bị thu hồi vài giờ sau và các quốc gia thành viên sẽ đưa ra tuyên bố riêng trong trường hợp cần thiết.
Theo Diplomat, chắc chắn Trung Quốc đã có những tác động, giống như những gì nước này từng làm ở Phnom Penh (Campuchia) năm 2012. Điều này có thể dễ dàng nhận ra bởi trước đó, Trung Quốc từng có những “chiến thuật” nhằm chia rẽ khối đoàn kết ASEAN. Tuy nhiên, việc này lại đang chỉ rõ một vấn đề rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc thực hiện các âm mưu của mình và phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đang chống lại Bắc Kinh, phản ứng mạnh mẽ hơn so với những gì họ từng làm trong quá khứ.
Những động thái trước thềm hội nghị cho thấy, Bắc Kinh muốn “lái” Hội nghị đặc biệt tập trung vào 3 khía cạnh chính: Trước hết, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tự giải quyết vấn đề biển Đông mà không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó, phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (PCA) về vụ kiện biển Đông sẽ giống như một sự “tư vấn dại dột”; Thứ hai, những căng thẳng biển Đông không nên hoặc không cần… “thổi phồng” lên - theo Bắc Kinh - bởi nó chỉ là một trong những vấn đề của một mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa Trung Quốc với ASEAN, khi hai bên đang chuẩn bị cho một Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ này; Thứ ba, Trung Quốc muốn biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc, mà là vấn đề giữa Bắc Kinh với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền.
Theo một nhà ngoại giao quan sát kỹ sự kiện ở Côn Minh, Bắc Kinh dựa vào các “mối quan hệ riêng” để tác động, rút lại thông cáo chung, thay vì chung tay tháo gỡ vấn đề hoặc tìm cách hòa giải. Cách tiếp cận thắng - thua của Trung Quốc khiến cho các biện pháp ngoại giao trở nên không khả thi. Và theo Diplomat, mặc dù không ra được tuyên bố chung, song Bắc Kinh vẫn không thể đạt được cả 3 mục tiêu như đã định.
Trả lời Báo Giao thông, TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định: “Thứ nhất, việc ASEAN ra thông cáo sau đó rút lại (có thông tin cho rằng là do sức ép từ phía Trung Quốc) song dư luận và giới quan sát đều đã hiểu được phản ứng mạnh mẽ và quyết tâm của ASEAN đối với các hành động phi pháp ở biển Đông. Điều này có ý nghĩa quan trọng trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện biển Đông.
Thứ hai, hôm 15/6, truyền thông nhiều nước đưa tin, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đồng chủ trì với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, đã bỏ họp báo và lập tức lên đường về nước. Cá nhân tôi cho đó là một phản ứng rất kịp thời và mạnh mẽ của Ngoại trưởng Singapore cho thấy, thái độ cương quyết đối với Trung Quốc của Singapore. Thậm chí có thể nói, đây là một “thuật ngoại giao đẹp” của ông Balakrishnan rằng, không cần phải “bốp chát” cũng có thể thể hiện được quan điểm ngoại giao.
Cuối cùng, thông qua sự việc này, tôi nghĩ ASEAN nên xây dựng hoặc thay đổi về một cơ chế đồng thuận mới, giúp thể hiện được sức mạnh đoàn kết của khối trên nhiều vấn đề. Bởi ASEAN với những thể chế chính trị khác nhau, văn hóa và kinh tế… khác nhau, việc đòi hỏi đồng thuận 100% là gần như không thể! Do vậy, không chỉ ở Hội nghị Côn Minh lần này, mà còn nhiều vấn đề khác, ASEAN nên xem xét đưa ra một cơ chế đồng thuận, như bỏ phiếu chẳng hạn, để tránh những sự vụ giống như việc đưa ra thông cáo, sau đó rút lại như vừa rồi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận