Máy bay không người lái được triển khai để giao hàng cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng vì dịch bệnh tại Trung Quốc
Theo Trung tâm Công nghệ Thông tin (CNTT) Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương Việt Nam, dù 2020 là năm Trung Quốc chật vật vì dịch bệnh nhưng 11 tháng đầu năm, tổng lượng hàng hóa vận chuyển của nước này đạt 41,8 tỷ tấn, chỉ thấp hơn 1,2% so với cùng kỳ 2019. Một trong những yếu tố giúp hàng hoá vẫn được luân chuyển suôn sẻ bất chấp đại dịch là sự phát triển và số hoá ngành logistics tại Trung Quốc.
Đơn giản hoá những công việc phức tạp
Báo cáo Chỉ số logistics 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố đầu năm nay cho thấy, Trung Quốc đứng số 1 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về thị trường logistics.
Giám đốc Văn phòng Ủy ban Quản lý Cảng hỗn hợp Thượng Hải Xu Guoyi nhận định, ngành logistics Trung Quốc đang ở bước ngoặt số hoá và tri thức hoá, trong đó đại dịch Covid-19 đóng vai trò chất xúc tác.
Tại Trung Quốc, số hoá logistics không chỉ đơn thuần là chuyển hoạt động logistics từ trực tiếp sang trực tuyến mà còn là ứng dụng CNTT vào toàn bộ quá trình từ lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu, vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Ở khâu lên kế hoạch, nhiều DN Trung Quốc như Công ty Giao hàng Meituan đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để ước đoán nhu cầu hiệu quả. Meituan đã số hoá hệ thống phân phối, sử dụng các thuật toán máy tính để ước đoán khối lượng đơn hàng và tối ưu hoá tuyến giao, từ đó công ty có thể đẩy nhanh tốc độ giao 20 đơn tới tay khách hàng trung bình chỉ trong 28 phút.
Ngoài ra, Meituan còn sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu giúp công ty quản lý kho vận tốt và chính xác hơn. Với khâu vận chuyển và giao hàng, công đoạn tưởng chừng nặng nhọc này đã trở nên dễ dàng và an toàn hơn khi nhiều công ty đã ứng dụng các phương tiện tự động (AV) điển hình như xe nâng hàng, robot vận chuyển hàng tự động.
Một ví dụ là việc Cainiao, công ty con trong ngành logistics của Tập đoàn Alibaba đang ứng dụng robot mang tên “Xiaomanlv” tại trạm bưu điện Cainiao trong khuôn viên trường đại học, một số cộng đồng.
Trong tương lai, Cainiao sẽ triển khai 1.000 robot như vậy trong khuôn viên các trường đại học và cộng đồng trên khắp đất nước. Mỗi robot không chỉ có khả năng dự đoán chuyển động của người và vật xung quanh mà còn có thể chở 50 gói hàng 1 lúc và di chuyển 100km trong 1 lần sạc, nâng tổng lượng hàng có thể vận chuyển 1 ngày lên 500 gói.
Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia hàng đầu sử dụng máy bay không người lái (drone) để hỗ trợ hoạt động giao vận, giao hàng trong ngày, đưa hàng tới các khu vực vùng sâu vùng xa.
Về quản lý kho vận, nhờ CNTT tiên tiến, các công ty Trung Quốc đã ứng dụng công cụ internet vạn vật kết hợp thiết bị, cảm biến và truyền dữ liệu như mức tiêu thụ năng lượng, mức nhiệt, lượng hàng hoá tồn kho về trung tâm quản lý, giúp chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, hạn chế lỗi con người.
Giải quyết vấn đề thị trường logistics phân mảnh
Một trong những vấn đề lớn nhất của thị trường logistics Trung Quốc là tỉ lệ phân mảnh rất cao trong phân khúc vận tải đường bộ. Thực tế cho thấy, thị trường này vốn là tập hợp của nhiều công ty quy mô nhỏ, giá cả không rõ ràng, trong khi hoạt động vận tải không được tối ưu, thời gian xe tải phải di chuyển với thùng hàng trống lên tới 40%.
Vấn đề này dần được giải quyết qua việc ứng dụng công nghệ khối-chuỗi. Nhờ khả năng xử lý các sắp xếp đa bên phức tạp, sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (cơ sở dữ liệu có thể ghi lại các tài sản tài chính, vật chất hoặc điện tử một cách an toàn để chia sẻ qua mạng) và hợp đồng tự động thông minh, công nghệ chuỗi-khối được ứng dụng triệt để, trở thành công cụ kết nối các công ty nhỏ lẻ với nhau.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ này tại Trung Quốc đang rất lớn và theo dự đoán của Công ty Nghiên cứu PwC, Trung Quốc sẽ là quốc gia dẫn đầu thế giới về chuỗi-khối vào năm 2023.
Bên cạnh đó, từ môi trường phân mảnh, thị trường logistics Trung Quốc đã mọc lên những công ty khởi nghiệp ứng dụng CNTT để kết nối lái xe tải và các chủ hàng như Liên minh Xe tải Toàn diện (Full Truck Alliance).
Nền tảng được ví như “Uber của ngành xe tải” đang kinh doanh và thu lời thông qua dịch vụ trung gian cho các dịch vụ vận tải hàng hoá trên khắp 300 tỉnh, thành tại Trung Quốc.
Công ty này sẽ kết nối người giao hàng với chủ hàng gần nhất thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, sinh lời từ việc thu phí thành viên và phí môi giới dựa trên chênh lệch giữa tổng số tiền thu được của hai bên. Full Truck Alliance đang hợp tác với 1,3 triệu chủ hàng và 2,8 triệu tài xế xe tải, đạt doanh số 396 triệu USD trong năm 2020.
Công ty khởi nghiệp này đang chào bán 82,5 triệu cổ phiếu lưu ký của Mỹ với mức giá 17-19 USD/1 cổ phiếu, kỳ vọng thu được nguồn vốn lên tới 1,57 tỷ USD. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của Full Truck Alliance đã tăng 13% lên mức 21,5 USD/ cổ phiếu, thể hiện sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.
Tạp chí Forbes dự đoán, nếu chiến lược niêm yết trên sàn chứng khoán thành công, ông Zhang Hui, Giám đốc điều hành của Full Truck Alliance đang sở hữu 15% cổ phần công ty, sẽ có tài sản ròng 1,7 tỷ USD, sớm gia nhập hàng ngũ tỷ phú thế giới.
Trong thời gian Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt quy định giới nghiêm, giãn cách xã hội, Tập đoàn Thương mại điện tử JD.com đã ứng dụng drone để giao đồ ăn, thiết bị điện tử, nhu yếu phẩm… qua hồ Baiyang tới làng Liuzhuang, tỉnh Hà Bắc, giúp người dân tại đây xoá nỗi lo bị cô lập khi dịch vụ giao hàng bằng thuyền như thường lệ phải tạm ngừng. Trong khi, hình thức giao hàng bằng đường bộ đòi hỏi người giao phải đi đường vòng khoảng 100km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận