Người Trung Quốc có mặt ở châu Phi kể từ thập kỷ 1960, 1970 khi Chính phủ Trung Quốc cử các chuyên gia y tế, giáo dục và nông nghiệp sang một số nước châu Phi theo các chương trình hợp tác của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Kể từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980, có khoảng 150.000 chuyên gia Trung Quốc được Chính phủ nước này cử sang các nước châu Phi. Đây có thể coi là làn sóng di dân lần thứ nhất của Trung Quốc sang châu Phi.
Công nhân Trung Quốc tại Châu Phi |
Làn sóng di dân thứ hai của Trung Quốc sang châu Phi được đánh dấu từ năm 2000 khi Trung Quốc và các nước châu Phi thiết lập cơ chế đối thoại chính thức với tên gọi là Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tổ chức 3 năm một lần.
Khác với làn sóng di dân lần thứ nhất, làn sóng di dân lần thứ hai của Trung Quốc sang châu Phi có tốc độ tăng rất mạnh. Chỉ trong vòng 7 năm (2000 - 2007), số lượng người Trung Quốc ở châu Phi đã lên đến khoảng 750.000 người, tăng gấp 5 lần so với 150.000 người của làn sóng di dân lần thứ nhất kéo dài hơn 20 năm. Điều này cho thấy người Trung Quốc đang coi châu Phi là “miền đất hứa” cho việc làm ăn sinh sống lâu dài của họ.
Thứ hai, nếu như trước đây, những người Trung Quốc sang châu Phi đều là những trí thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sang giúp nước bạn, thì trong làn sóng di dân lần thứ hai, người Trung Quốc sang châu Phi chủ yếu là nông dân, công nhân xây dựng, công nhân hầm lò, tiểu thương hoặc các ông chủ doanh nghiệp. Lần di dân này mang tính chủ động, bởi cùng với di dân là các dự án đầu tư lớn của Chính phủ Trung Quốc tại nhiều nước châu Phi.
Thứ ba, Trung Quốc luôn giương cao khẩu hiệu “xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” hoặc “Trung Quốc rất vui khi trở thành bạn bè tốt, đối tác tốt, anh em tốt” của các nước châu Phi, nhưng động thái di cư ồ ạt lực lượng lao động người Trung Quốc lần này hàm chứa những toan tính riêng của Trung Quốc - khai thác tài nguyên và định cư lâu dài.
Lao động Trung Quốc hiện nay có mặt ở hầu hết các nước, các vùng lãnh thổ châu Phi. Từ miền Nam đến các vùng lãnh thổ phía Bắc, từ Tây Phi đến Đông Phi, từ những nước giàu tài nguyên đến những nước nghèo hoặc cả những nước đang có nội chiến, xung đột trầm trọng.., có thể nói, không có mảnh đất châu Phi nào không có dấu chân người Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc tại Châu Phi. |
Người Trung Quốc có mặt ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau ở các nước châu Phi. Họ làm việc trong các nhà máy, các xí nghiệp, các hầm lò, các khu buôn bán thương mại, tại các công trình xây dựng, trên các cánh đồng, thậm chí là sửa chữa đường sá, cầu cống, nhiều nhất là các ngành khai thác dầu mỏ, xây dựng.
Một hình thức di dân đặc biệt mà Trung Quốc đang tiến hành ở châu Phi là thuê hoặc mua đất xây dựng các làng nông nghiệp, từ đó đưa nông dân Trung Quốc sang sinh sống, khai thác đất đai và canh tác nông nghiệp. Tại Mozambique, số người Trung Quốc đến châu thổ Zambaydi định cư lên đến 10.000 người. Tại đây, họ xây dựng các hệ thống tưới tiêu, kênh rạch; xây dựng, quản lí các nông trại lớn, điều hành và bảo quản các thiết bị nông nghiệp; dạy tiếng Hoa trong các trường học…
Trong khi lao động chủ yếu từ các nước có trình độ phát triển thấp hơn, thu nhập thấp hơn di chuyển sang các nước có trình độ phát triển cao hơn và thu nhập cao hơn, thì người Trung Quốc lại làm ngược lại. Họ có mặt ngày càng nhiều ở các vùng châu Phi xa xôi hẻo lánh, thu nhập dưới mức nghèo đói theo tiêu chuẩn của LHQ. Phải chăng, đây chính là một thứ chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc?
Nguyên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận