Xe chở heo của thương lái miền Nam đang đổ ra các Cửa khẩu Lạng Sơn với hy vọng được xuất hàng |
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ ngày 8/5, phía Trung Quốc giảm tần suất nhập heo của Việt Nam rồi ngừng hẳn ở khắp các cửa khẩu, lối mở ở Lạng Sơn như: Trùng Khánh, Na Hình (H.Văn Lãng); Chi Ma (H.Lộc Bình); Bình Nghi (H.Tràng Định); Bản Chắt (H.Đình Lập)… Việc này khiến cho các thương lái, lái xe bị quay cuồng, liên tục tìm hướng di chuyển sang các khu vực cửa khẩu khác ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Lai Châu để “rình” cơ chế mở từ phía Trung Quốc đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Theo một cán bộ Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, ngay từ đầu tháng 5, phía Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập heo của Việt Nam bằng cách trì trệ thủ tục chấp nhận thông quan, kéo theo đó là hạ giá thành mua buộc một số thương lái cuống quýt quay đầu để tìm hướng giải quyết nhằm tránh lỗ. Có những thương lái kiên trì chờ Trung Quốc tái mở cửa nên cố nằm 3-5 ngày liền, không ít heo đã bị chết do thể trạng yếu hoặc đuối sức trong tiết trời nắng nóng.
Theo tìm hiểu, tại cửa khẩu Lạng Sơn, thời điểm phía Trung Quốc mua nhiều heo, giá xuất khẩu luôn ở ngưỡng 60.000 - 61.300 đồng/kg. Thương lái đi mua trong dân, từ các trang trại làm hợp đồng với giá 54.000 - 57.000 đồng/kg. Nhưng khi các xe heo bị dồn ứ lại, chủ hàng phải tìm mọi cách bán hàng cắt lỗ. Trong ngày 12/5, giá bán heo vào các lò mổ chỉ còn từ 45.000 - 46.000 đồng/kg, thương lái lỗ trên 10.000 đồng/kg. Thương lái cũng phải bỏ thêm một khoản chi phí phát sinh để trả công cho lái xe nằm dài ngày để đợi xuất hàng. Ngay từ đầu tháng 5, số lượng heo bán qua Trung Quốc giảm hẳn, chỉ còn khoảng 3 - 5 xe/ngày và vài ngày trở lại đây thì không bán được xe nào.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn nhận định, việc xe chở heo bị ùn ứ tại khu vực cửa khẩu là do Trung Quốc chưa có thỏa thuận chính thức về giao thương sản phẩm động vật, mặt hàng tươi sống nên mỗi khi Trung Quốc thay đổi chính sách thì thương lái Việt Nam rất khó xuất được hàng. Đặc biệt, hiện nay mặt hàng heo chỉ được xuất qua các đường mòn, lối mở nên việc cố định thời gian, thời điểm và thủ tục xuất hàng là không thuận lợi, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Trong thời gian qua, có những lúc họ nhận heo ở khu vực cửa khẩu Chi Ma, có lúc lại nhận heo ở khu vực cửa khẩu Trùng Khánh, thậm chí là sang cửa khẩu của các tỉnh khác… Việc thay đổi liên tục và không thông báo trước khiến thương lái Việt Nam hoang mang và cứ cố gắng đuổi theo để tìm cơ hội xuất hàng.
“Mặc dù mặt hàng heo chỉ được xuất theo đường mòn, lối mở nhưng chúng ta khuyến khích xuất hàng và tạo điều kiện ưu tiên cho các thương lái làm các thủ tục liên quan nhưng phía Trung Quốc chưa tạo điều kiện”, ông Thủy cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận