Cổng thông tin của kênh truyền hình TV5 Philippines ngày 9/7 cho biết Trung Quốc đã điều 3 chiếc tàu ngầm năng lượng hạt nhân có khả năng mang tên lửa đạn đạo đến biển Đông.
Tàu ngầm của Trung Quốc nổi lên trên biển. Ảnh: Navy.81.cn |
Cổng thông tin InterAkyon dẫn thông tin trên trang tin Quân sự Trung Quốc cho biết ba tàu ngầm Type 094 đã được đưa đến căn cứ hải quân Du Lâm nằm trên đảo Hải Nam từ tháng 5/2014.
Sẽ tuần tra ở biển Đông
Trang tin này cho rằng căn cứ hải quân này là một trong những căn cứ quân sự chủ yếu mà Trung Quốc sử dụng để bao quát vùng biển Đông.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu ngầm đến căn cứ Du Lâm. Giới chuyên gia nhận định, động thái này có thể gây thêm căng thẳng ở biển Đông, vốn đã bị Trung Quốc khuấy đục trong hơn hai tháng qua.
Tàu Type 094 (còn được gọi là tàu ngầm lớp Tấn), là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc được lắp đặt 12 tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 7.885 km.
Ngoài ba tàu ngầm này, Bắc Kinh gần đây cũng đã điều hai tàu trang bị tên lửa dẫn đường Giang Đảo Type 056 đến Hạm đội Nam Hải.
Báo mạng Washington Free Beacon của Mỹ nhấn mạnh rằng việc triển khai ba tàu ngầm này đến Hải Nam cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên bằng tàu ngầm trên vùng biển Đông và cả Thái Bình Dương. Thời điểm triển khai đội tàu ngầm này diễn ra khi căng thẳng ở biển Đông đang leo thang.
Việt Nam có thể bị lấn ép nhiều hơn Nhật Bản hay Philippines
Ngày 8/7 theo giờ Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung lần 6.
AFP dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ đi cùng với ông Kerry khẳng định những căng thẳng leo thang ở biển Đông có liên quan rất nhiều đến Mỹ vì Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương, một quốc gia giao thương chính ở khu vực này và là một “nhà tiêu dùng” chính của các tuyến đường biển ở đây, đồng thời là một “người bảo đảm dài lâu” cho sự ổn định của khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
"Tình trạng nhập nhằng có liên quan đến đường 9 đoạn đang có vấn đề” – AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ đi cùng với ông Kerry khẳng định.
VOA News dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này sẽ đưa vào nội dung đối thoại Mỹ-Trung vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng đã chỉ trích Trung Quốc đưa giàn khoan xuống khu vực biển Đông đang có tranh chấp.
GS Hillary Mann Leverett ở Đại học Mỹ cho rằng, có nhiều nước liên quan tranh chấp ở biển Đông, trong đó Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất. Bà nhận định: “Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này. Nhưng chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn Nhật Bản hay Philippines”.
Theo chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Kinh doanh Mỹ, việc Washington không thể hiện lập trường rõ ràng về các tranh chấp ở biển Đông không phải điều hay.
Ông nói: “Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm được. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định không can dự”.
Ông Auslin cho rằng, thái độ đó đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung.
Ông Jia Qingguo, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cố vấn chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc, cho rằng, với hàng loạt mối bất đồng sâu sắc, cuộc đối thoại chiến lược thường niên Mỹ-Trung (kéo dài 2 ngày) có thể không đạt được nhiều kết quả.
Quan hệ hai nước đang trong thời kỳ sa sút. Vai trò của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giờ đây chỉ có tác dụng nâng đỡ quan hệ đôi bên, không để rơi vào tình trạng xấu hơn.
PV (Theo Tuổi trẻ, Tiền phong)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận