Quân sự

Trung Quốc đưa tàu đổ bộ tấn công lớn nhất châu Á, nặng 40.000 tấn ra biển

07/08/2020, 08:26

Do yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đang bị phản đối và mối quan hệ căng thẳng với Đài Loan, TQ đang ra sức chuẩn bị lực lượng.

img
Tàu đổ bộ Type 075 của Hải quân Trung Quốc.

"Hàng không mẫu hạm" cho trực thăng

Nguồn tin từ trang SCMP cho hay, tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển, tiếp tục tiến tới việc đưa vào trang bị và vận hành trong lực lượng hải quân.

Ngày 6/8, tàu đổ bộ Type 075, đóng vai trò như tàu sân bay trực thăng nặng 40.000 tấn đã khởi hành rời Nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải di chuyển dọc theo sông Hoàng Phố, đi ngang qua con tàu thứ hai cùng loại đang được đóng mới trong cùng một xưởng đóng tàu, tiến ra biển.

Chiếc tàu Type 075 đầu tiên được sơn màu xám đặc trưng của hải quân Trung Quốc, con tàu dường như đã được lắp đặt radar và các thiết bị khác, mặc dù sàn đáp vẫn chưa được sơn.

Tàu đổ bộ này đã được hạ thủy vào tháng 9 năm ngoái. Một đám cháy bùng phát vào tháng 4/2020 khi nó đang được hoàn thiện, vụ việc đã tạo ra một đám khói dày đặc bao phủ cấu trúc thượng tầng và phần đuôi của con tàu trước khi được dập tắt.

img
Phần đầu của tàu đổ bộ Type 075.

Type 075 là tàu đổ bộ trực thăng (LHD) cỡ lớn đầu tiên của Hải quân Giải phóng Nhân dân (PLAN), ngang hàng với tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp của Mỹ, mặc dù PLAN chưa có máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn nào để sử dụng tàu Type 075 như một tàu sân bay hạng nhẹ.

Tuy nhiên, với tư cách là tàu đổ bộ mang trực thăng lớn nhất châu Á, Type 075 có thể chở 30 trực thăng, từ phiên bản tàu chiến của Z-8 đến Z-20 hải quân, cũng như một số lượng lớn xe tăng lội nước, xe bọc thép, tàu cao tốc và hàng trăm lính thủy quân lục chiến.

Trong khi đó, máy bay không người lái cánh quạt cỡ nhỏ (UAV) và mô hình trực thăng chống ngầm Ka-27/28 cũng đã xuất hiện và được chụp ảnh tuần trước trên tàu Type 075 để thử nghiệm trên boong trước khi nó ra khơi thử nghiệm.

Theo SCMP, loại tàu đổ bộ này có thể cải thiện đáng kể khả năng của PLAN trong việc điều động các lực lượng trên không và trên bộ trong các nhiệm vụ quy mô nhỏ.

“Để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở nước ngoài, nó có thể có giá trị hơn cả một tàu sân bay bình thường”, Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết.

img
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 075.

Do yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đang bị phản đối và mối quan hệ với Đài Loan căng thẳng, PLAN đang ra sức chuẩn bị lực lượng bằng cách đặt hàng một số tàu đổ bộ cỡ lớn trong những năm gần đây, bao gồm 5 tàu đổ bộ Type 071 trọng tải 25.000 tấn.

Một tàu đổ bộ Type 075 thứ hai đã được hoàn thiện vào tháng 4/2020. Phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy rằng các mô-đun cho ít nhất một phần ba thân tàu khi ấy có thể được sản xuất tại cùng một xưởng chế tạo, một công ty con của Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc.

Ra sức chuẩn bị lực lượng

Ngoài các tàu đang được xây dựng, đã có tin đồn về một dự án mới đang được Trung Quốc phát triển lên lớp tàu đổ bộ mới Type 076 có kích thước và tính năng kỹ chiến thuật hiện đại hơn.

Một tài liệu chưa được xác minh đã bị rò rỉ trực tuyến mà SCMP tiếp cận được cho thấy các nhà thầu đã mời để chế tạo các hệ thống khác nhau trên tàu chiến đổ bộ thế hệ mới của Trung Quốc, bao gồm hệ thống phóng máy bay điện từ cho máy bay chiến đấu không người lái, thiết bị thu hồi tiên tiến cho máy bay chạy trên đường băng sàn tàu, động cơ điện tích hợp và động cơ tuabin khí 21MW.

img
Hải quân Trung Quốc khi tiến hành hạ thủy tàu Type 075 vào năm ngoái.

Trước thập niên 1990, Hải quân Trung Quốc chỉ đóng vai trò thứ yếu so với Lục quân. Từ thập niên 1990 đến nay, lực lượng hải quân được Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa; phát triển nhanh chóng, đến nay bao gồm thêm 35.000 Hải quân Biên phòng và 56.000 Thủy quân Lục chiến, cùng 56.000 quân thuộc Lực lượng Hải quân Không chiến với hàng trăm chiến đấu cơ trên bờ và các trực thăng trên các chiến hạm.

Hải quân Trung Quốc đã bước vọt trong những năm gần đây khi họ quyết định mua loại khu trục hạm Sovremenny và mua tàu ngầm Kilo của Nga. Hai khu trục hạm Sovremenny đầu tiên được trang bị tên lửa chống chiến hạm vận tốc vượt âm loại SS-N-22 (3M-80E).

Theo các nhà nghiên cứu quốc phòng Tây phương, loại tên lửa này có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm. Hai khu trục hạm kế tiếp sau đó được trang bị loại SS-N-26 Yakhont tối tân hơn, và nhiều chiến hạm trang bị loại tên lửa này đang được xây thêm.

Hạm đội tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc cũng có những bước tiến lớn. Các tàu ngầm Kilo có khả năng hoạt động rất im lặng, và được trang bị hai loại vũ khí mới nhất: tên lửa chống chiến hạm loại Klub (chống hạm vận tốc dưới âm 3M-54E1), và tên lửa - thủy lôi VA-111 Shkval có tốc độ trên 320 km/giờ và tầm hoạt động 7,5 km.

Tất cả các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc, kể cả loại Kilo, đều được trang bị loại máy hoạt động không cần không khí, có nằm chờ rất lâu dưới biển để đột kích đối phương.

Kỹ thuật đóng tàu của hải quân Trung Quốc nay cũng tiến rất xa qua sự giúp đỡ của Nga, và các khu trục hạm mới nhất của Trung Quốc sử dụng trang bị nội hóa có chất lượng không kém so với tiêu chuẩn phương Tây, với ra đa loại AEGIS và sườn tàu thiết kế kiểu chống ra đa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.