Nói đến xây dựng sân bay là nhắc đến một dự án hạ tầng giao thông lớn, đòi hỏi sức lực và tính toán lâu dài của cả một quốc gia. Thế nhưng, Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, đang cấp tập xây dựng không chỉ một vài mà hàng trăm sân bay với tốc độ cực nhanh trong thời gian ngắn.
Tốc độ 8 sân bay/năm
Theo CNN, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 235 sân bay. Nhưng theo dự đoán của Chính phủ Bắc Kinh, tốc độ hành khách và chuyến bay tăng nhanh như hiện nay, đến năm 2035, đất nước đông dân nhất thế giới sẽ đón khoảng 1/4 trong tổng số hành khách hàng không trên toàn thế giới.
Theo Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), năm 2018, hệ thống sân bay Trung Quốc sẽ đón 1.264 tỉ hành khách, tăng 10,2% so với năm 2017. Hơn nữa, 37 trong số các sân bay của nước này đang phải xử lý hơn 10 triệu lượt khách/năm.
Do đó, Trung Quốc cần khoảng 450 sân bay trên toàn quốc tính đến cùng kỳ. Nói không xa, chỉ trong 3 năm tới, đất nước tỷ dân được dự đoán sẽ vượt mặt Mỹ trở thành thị trường vận tải hàng không lớn nhất thế giới nếu tốc độ phát triển theo cấp số nhân như hiện nay.
Trước xu hướng đó, Chính phủ Bắc Kinh xúc tiến chương trình xây dựng sân bay trên quy mô hiếm có trên thế giới. Nước này rót vào hàng tỉ USD để xây dựng đường băng, sân ga, đưa cả quốc gia vào hệ thống giao thông toàn cầu.
Trong số đó, sân bay quốc tế Daxing trị giá hàng tỉ USD đang bước vào giai đoạn cuối và vừa kết thúc vòng thử nghiệm bay đầu tiên vào ngày 14/5 vừa qua.
Khi hoàn thành dự kiến vào tháng 9/2019, sân bay này sẽ có 4 đường băng và 1 nhà ga rộng bằng 97 sân bóng đá, giảm tải cho cảng hàng không Thủ đô (Capital International Airport) - nơi đang phải gánh 100 triệu lượt khách/năm và trở thành sân bay bận rộn thứ 2 thế giới.
Với tốc độ hiện tại, trung bình một năm sẽ có 8 sân bay mới mở cửa và một số cơ sở hạ tầng hàng không khác được mở rộng hoặc nâng cấp, theo CNN. Trong vài năm tới, mỗi khu vực tại Trung Quốc sẽ có riêng một sân bay cấp thế giới.
Chẳng hạn, sân bay quốc tế Chengdu Tianfu mở cửa vào năm 2020, trở thành trung tâm hàng không thứ 2 của Thành Đô, giảm áp lực cho sân bay quốc tế bận rộn Shuangliu.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng phát triển sân bay ở khu vực phía Tây, nơi hiện đang có lác đác vài hạ tầng hàng không, hỗ trợ phát triển khu vực này cả về thương mại và du lịch.
Đón đầu xu hướng hàng không, tạo đà kinh tế
Ông Cheung Kwok Law, Giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách hàng không thuộc Đại học Hong Kong của Trung Quốc cho biết, chiến lược mở rộng hàng không cực nóng của Bắc Kinh không chỉ nhằm đón đầu nhu cầu hàng không tương lai mà còn tạo đà phát triển kinh tế.
“Chính phủ Trung Quốc thực sự đang nhìn xa trông rộng, không chỉ xây dựng để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn cả tương lai xa hơn nữa”, ông Law nói.
Theo giám đốc Law: “Việc mở rộng sân bay như Trung Quốc hiện nay không hề dư thừa. Cứ so sánh với các nước khác như Mỹ thì thấy rõ, New York đang có 3 sân bay quốc tế, London có 5 sân bay trong khi Bắc Kinh mới đang chuẩn bị mở sân bay thứ 2. Thượng Hải với 20 triệu dân mới đang chuẩn bị xây sân bay thứ 3, còn Quảng Châu với 17 triệu dân sắp xây sân bay thứ 2”.
Các dự án sân bay của Trung Quốc hiện nay không chỉ dừng lại ở xây một cảng hàng không mà còn kết hợp toàn diện với các hình thức giao thông khác như đường nối, hệ thống tàu cao tốc từ khu vực trung tâm ra sân bay. Dự án Daxing là một ví dụ. Bắc Kinh đang kết hợp hạ tầng này với tuyến đường sắt tốc độ 350 km/h, tạo thuận tiện di chuyển vào nội đô.
Việc xây dựng hàng trăm cảng hàng không là một bước để quốc gia tỉ dân đổi mới, trở thành siêu cường quốc, kênh CNN nhận định.
Tuy nhiên, tham vọng sân bay cũng đặt gánh nặng lớn về tài chính lên Trung Quốc. Nhiều chuyên gia dự đoán, đại dự án này sẽ khiến nền kinh tế Bắc Kinh đình trệ một thời gian dài.
Hơn nữa, Trung Quốc vừa trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất theo nhận định của một số chuyên gia do đối mặt với chiến tranh thương mại với Mỹ, sụt giảm doanh số trong một số lĩnh vực quan trọng.
Bất cứ cú hích nào vào nền kinh tế Trung Quốc đều có thể làm giảm lượng khách nước này du lịch nước ngoài. Do đó, nếu sụt giảm du lịch xảy ra trùng vào thời điểm kinh tế tạm đình trệ để dốc lực xây sân bay thì có thể nhiều dự án cảng hàng không sẽ mãi mãi chỉ nằm trên bản vẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận