Công dân Canada bị kết án tử hình ở Trung Quốc vì tội buôn bán ma túy trái phép vào đúng thời điểm lãnh đạo Huawei Mạnh Vãn Châu sắp ra hầu tòa ngày 6/2 tại Vancouver để xác định trình tự tố tụng tiếp theo. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thề sẽ can thiệp vào việc này và cáo buộc Bắc Kinh “tùy tiện” áp dụng án tử hình.
Phiên tòa có nhiều khác thường?
Tòa thượng thẩm thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 14/1 đã tuyên án tử hình với công dân Canada Robert Lloyd Schellenberg, 36 tuổi, vì tội buôn ma túy. Toàn bộ tài sản của bị cáo cũng sẽ bị tịch thu, Tân Hoa Xã ngày 15/1 cho hay.
Một báo cáo được công bố ngày 14/1 bởi Tòa án Đại Liên cho biết, vào năm 2014, Schellenberg đã chỉ đạo một phiên dịch thực hiện một loạt các hoạt động, bao gồm cả việc mua lốp xe hơi để che giấu methamphetamine để từ đó buôn lậu vào Trung Quốc. Schellenberg đã cố gắng chạy trốn sang Thái Lan sau khi biết về cuộc điều tra của cảnh sát nhưng người này bị chặn ở Quảng Châu.
Để bảo vệ mình tại phiên tòa phúc thẩm, Schellenberg lập luận rằng ông là một khách du lịch tới Trung Quốc, sau khi đã thăm một số nước Đông Nam Á gồm Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tuyên bố rằng mình bị gài bẫy bởi bọn tội phạm, Schellenberg bác bỏ mọi cáo buộc từ các công tố viên.
Công dân Canada nói rằng, một người bạn đã giới thiệu Xu Qing với tư cách là một dịch giả và khiến ông bị rơi vào bẫy của một tổ chức buôn bán ma túy quốc tế. Schellenberg tố cáo với tòa án rằng, Xu Qing mới là kẻ buôn lậu ma túy quốc tế và là kẻ nói dối.
Trong khi đó, các công tố viên coi Xu là một nhân chứng quan trọng, người trong gần 2 giờ làm chứng đã không nhìn vào Schellenberg, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (SCMP).
Khi bị hỏi về chi tiết các vụ việc, Xu thường nói với tòa án rằng ông ta không thể nhớ cụ thể và phải tham khảo một tuyên bố bằng văn bản để biết chi tiết, kể cả khi Schellenberg hỏi Xu về khoản tiền 180.000 nhân dân tệ mà nhân chứng tự công khai thừa nhận.
Trong tài liệu vụ án, Schellenberg bị tuyên án vì buôn lậu hơn 200kg (441 pounds) methamphetamine vào Trung Quốc. Ngoài ra, hai người đàn ông Trung Quốc khác có liên quan đến vụ án, một người bị kết án chung thân, còn người kia bị kết án tử hình.
Sau phiên phúc thẩm, luật sư của Schellenberg, ông Zhang Dongbury nói rằng, bằng chứng ban đầu là không đủ để kết tội thân chủ của ông. Mặc dù tòa án cho rằng Schellenberg có tội, nhưng bằng chứng hình sự bổ sung được đưa ra bởi các công tố viên không thể sử dụng để thêm vào bản án.
Luật sư Zhang đã không bình luận về việc liệu ông có cảm thấy vụ việc đã bị cuốn vào vụ xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada hay không, mà chỉ nói rằng đây là một vụ án bất thường.
Mời truyền thông nước ngoài tới phiên tòa
Phiên phúc thẩm được diễn ra có sự tham gia của khoảng 70 quan sát viên, trong đó có một nhóm nhỏ các nhà báo nước ngoài. Trong khi các phiên tòa trước không có sự tham gia của cơ quan truyền thông nước ngoài, sự thay đổi này đã khiến dư luận nhận định rằng Bắc Kinh đang sử dụng vụ án này để gây áp lực với Ottawa.
Việc tuyên án diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Canada và Trung Quốc sau khi Ottawa bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu vào tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ.
Trung Quốc đã thề sẽ trả đũa nếu Canada không thả bà Mạnh. Tiếp đó, Bắc Kinh bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân người Canada Michael Spavor vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Ông Donald Clarke, chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington, nhận xét vụ án của Schellenberg có một số đặc điểm khác thường, bao gồm sự chậm trễ trong xét xử và tuyên án (phiên xét xử đầu tiên bắt đầu từ năm 2016 và tuyên án tháng 11/2018), quyết định hiếm hoi và tốc độ nhanh chóng khác thường trong việc lên lịch phúc thẩm và thư mời truyền thông quốc tế quan sát vụ án.
Chuyên gia Clarke cho rằng, lời giải thích hợp lý cho những động thái này là những “ẩn ý” Bắc Kinh muốn Ottawa thấy rằng, "hậu quả là chết người" - theo nghĩa đen – trong các yêu cầu thả bà Mạnh Vãn Châu.
Phản ứng nhanh chóng sau khi biết về bản án nghiêm khắc dành cho công dân nước mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Trung Quốc tùy tiên áp dụng án tử hình và tuyên bố: “Vụ việc được chính phủ Canada đặc biệt quan tâm”.
Ông Trudeau cũng thề rằng chính phủ của ông sẽ can thiệp bất cứ khi nào một người Canada phải đối mặt với án tử hình. Thêm vào đó, Bắc Kinh đã không tuân theo các thông lệ và nguyên tắc lâu đời liên quan đến quyền miễn trừ ngoại giao trong vụ bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig người Canada, ông Trudeau nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận