Chiến hạm thế hệ thứ tư
Quân đội Trung Quốc (PLA) đã chính thức ra mắt các tàu khu trục Type 055, Type 052D mới sau khi ngừng hoạt động tất cả các tàu khu trục Type 051.
Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngành công nghiệp đóng tàu chiến của nước này đã hạ thủy 2 tàu khu trục Type 055 và 25 Type 052D thứ tám vào Chủ nhật.
Sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày sau khi 2 tàu khu trục Type 051 trực thuộc Hải quân Trung Quốc bị cho ngừng hoạt động và loại khỏi niên chế, đánh dấu việc nghỉ hưu của tất cả thế hệ tàu khu trục nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
Vào thời điểm Trung Quốc hạ thủy các tàu khu trục thế hệ mới với tốc độ chóng mặt, các chuyên gia cho biết hôm Chủ nhật (30/8) rằng sự phát triển của Hải quân PLA đã bước sang một giai đoạn mới, với tàu chiến thế hệ thứ ba đã trở thành nền tảng thiết bị chiến đấu chính và những chiếc chiến hạm thế hệ thứ tư bắt đầu đi vào hoạt động.
Về sự kiện này, tập đoàn truyền thông Takung Wenwei có trụ sở tại Hồng Kông đưa tin hôm Chủ nhật rằng 2 tàu khu trục Type 055 và Type 052D thứ tám của Hải quân PLA đã được hạ thủy đồng thời tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc vào sáng cùng ngày.
Các nhà phân tích cho biết, các tàu chiến mới này của Trung Quốc có thể sánh ngang với các tàu khu trục hàng đầu thế giới, bao gồm cả lớp Arleigh Burke và lớp Zumwalt của Mỹ.
Việc hạ thủy các tàu mới diễn ra sau buổi lễ ngừng hoạt động hai tàu chiến cũ có tên lần lượt là Trạm Giang và Chu Hải, được tổ chức tại một căn cứ hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc hôm thứ Sáu.
Đây là sự kiện trong lịch sử Hải quân PLA, đánh dấu việc tất cả thế hệ tàu khu trục bản địa đầu tiên của Trung Quốc đã bị loại biên, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin hôm thứ Bảy.
Giữa những năm 1970 và 1990, Trung Quốc đã chế tạo tổng cộng 17 chiếc Type 051, đây là những tàu khu trục hiện đại đầu tiên của Hải quân PLA có khả năng chỉ huy chiến đấu.
Trang web tin tức Eastday.com có trụ sở tại Thượng Hải nói rằng các tàu này đóng vai trò là tàu tác chiến mặt nước chính của Hải quân PLA.
Các nhà phân tích cho biết, các chiến hạm lớp Type 051 đã phục vụ trong Hải quân PLA trong 5 thập kỷ qua, Type 051 đã chứng tỏ mình là người “vệ sỹ biển quyền lực của đất nước” và là bước khởi đầu cho các tàu khu trục thế hệ tiếp theo của PLA được phát triển.
Với các tàu cũ ngừng hoạt động, Trung Quốc đã hạ thủy và đưa vào vận hành các tàu khu trục mới trong những năm gần đây.
Hiện đại hóa hải quân để hiện thực nhiều tham vọng
Tạp chí The Diplomat ở Nhật Bản hồi tháng 7 cũng đã thông tin rằng Trung Quốc hiện đang trang bị khoảng 20 tàu khu trục có sức mạnh tương đương tàu chiến lớp Aegis hiện đại, và trong 4-5 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 39 đến 40 chiếc, bao gồm 6 chiếc Type 052C, 25 đến 26 chiếc Type 052D và 8 chiếc Type 055.
Nhìn lại lịch sử phát triển của Hải quân PLA, Zhang Junshe, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân PLA, nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng các tàu khu trục thế hệ đầu tiên của Trung Quốc được nhập khẩu từ Liên Xô (vào những năm 1950).
Tiếp đó, các chiến hạm thế hệ thứ hai thuộc Type 051, là thế hệ đầu tiên được phát triển trong nước và được đưa vào trang bị từ những năm 1970.
Với việc cho các tàu chiến thế hệ cũ ngừng hoạt động, các tàu khu trục chiến đấu chính của Trung Quốc hiện nay chủ yếu bao gồm các tàu thế hệ thứ ba, bao gồm cả lớp Type 052C và Type 052D, cùng với Type 055 thế hệ thứ tư.
Theo ông Zhang Junshe, khả năng cơ động, trang bị công nghệ và năng lực tác chiến của các tàu lớp Type 052C và Type 052D Trung Quốc đã được nâng lên “cấp độ toàn diện” trong các hoạt động phòng không, chống hạm và chống tàu ngầm.
Chuyên gia Zhang Junshe cho rằng, việc Trung Quốc đóng ngày càng nhiều tàu chiến thế hệ mới hơn chứng tỏ PLA đang bù đắp những tiến bộ đã mất trong giai đoạn đầu của cải cách và mở cửa, khi nước này tập trung vào phát triển kinh tế thay vì quốc phòng.
Cũng theo vị chuyên gia này, Trung Quốc hiện cần đẩy mạnh quốc phòng và khả năng quân sự để bảo vệ sự nghiệp phát triển kinh tế của của nước này.
Trong khi đó, giới quan sát quân sự nước ngoài lại cho rằng, Trung Quốc không chỉ cần tàu chiến mới để bảo vệ sự nghiệp phát triển kinh tế mà còn để hiện thực hóa các tham vọng đòi hỏi chủ quyền của mình ở một số vùng biển trong khu vực cũng như mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên đấu trường toàn cầu sau khi chuyển từ chiến lược phát triển “hải quân nước đục” (hoạt động xung quanh bờ biển Trung Quốc, khu vực) sang “hải quân nước xanh” (vươn ra các đại dương).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận