Cụ thể, Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV) đưa tin, nhóm tàu sân bay Sơn Đông vừa kết thúc cuộc tập trận kéo dài gần 30 ngày tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương bao gồm các hoạt động tập trận chung có hệ thống với sự tham gia chưa có tiền lệ của lực lượng tên lửa và các cánh quân chiến đấu khác.
Cuộc tập trận diễn ra vào tháng trước cách đảo Guam của Mỹ khoảng 741km, bao gồm tàu sân bay Sơn Đông, tàu khu trục Type 055, 2 tàu khu trục 052D, 2 tàu khu trục nhỏ 054A và 1 tàu tiếp tế Type 901.
Tuy Hải quân Trung Quốc thực hiện tập trận gần đảo Guam không phải là mới nhưng một số nhà phân tích cho rằng, việc tiết lộ có lực lượng tên lửa tham gia cho thấy đây là chiến lược răn đe của quân đội Trung Quốc, nhấn mạnh năng lực ngày càng được tăng cường của PLA để có thể tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt biển hoặc các căn cứ quân sự bên ngoài cái được gọi là chuỗi đảo phòng vệ đầu tiên này.
Chiến cơ Trung Quốc J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong cuộc tập trận xung quanh Đài Loan (Ảnh: Xinhua)
Đó là chuỗi đảo chạy từ Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và được nhiều nhà chiến lược quân sự coi là rào cản mạnh mẽ đối với PLA khi ra hoặc vào Tây Thái Bình Dương.
Theo ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang tại Bắc Kinh, cuộc tập trận này là nhằm thử nghiệm năng lực tấn công chính xác của các tên lửa đạn đạo chống tàu Dongfeng của Trung Quốc ở vùng biển cả.
“Đó là thách thức lớn hơn đối với lực lượng tên lửa để xác định mục tiêu chính xác bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất” – ông Zhou nói.
Cũng theo chuyên gia này, có thể coi việc CCTV tiết lộ thông tin trên là một phần trong chính sách răn đe chiến lược của PLA, cảnh báo Mỹ và các đồng minh về năng lực tấn công tăng cường trong bối cảnh căng thẳng ở Đài Loan leo thang.
Các cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc diễn ra ngay sau cuộc tập trận mang tên Joint Sword diễn ra tháng trước do Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông (đơn vị giám sát khu vực Eo biển Đài Loan) thực hiện nhằm phản ứng khi người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi quá cảnh tại California.
Bên cạnh đó, theo nhà quan sát quân sự làm việc tại Macau - Antony Wong Tong, bài báo của CCTV là nhằm gây ấn tượng đối với Mỹ rằng lực lượng tên lửa của Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam với tên lửa đạn đạo tiên tiến DF-26 cùng sự hỗ trợ của tàu sân bay.
Tên lửa DF-26 là phiên bản tăng cường của tên lửa “diệt hạm” DF-21, có tầm bắn 4.000km và có thể tấn công đảo Guam từ Trung Quốc đại lục. Cả 2 loại này đều là tên lửa siêu thanh.
“Đó là lý do tại sao Mỹ cũng phải chuẩn bị tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trên đảo Guam” – ông Wong cho biết và đề cập tới kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD vào hệ thống phòng thủ trên không, hệ thống tên lửa mới trên đảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận