Trung Quốc sẽ dẫn đầu ngành Hàng không dân dụng thế giới, trên cả thị trường quốc tếvà nội địa |
Cơ quan Quản lý Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) mới đây ban hành quy định chuyển nhượng quyền hoàn toàn, theo đó các nguồn vốn tư nhân có thể tiếp cận được thị trường hàng không dân dụng nước này.
Thị trường xây dựng sân bay đạt 22 tỷ USD
Quy định mới này đã mở đường cho các nhà đầu tư tư nhân trong tất cả các dự án hàng không dân dụng nằm trong kế hoạch phát triển hàng không hay quy hoạch công nghiệp và khu vực đặc biệt.
Việc đầu tư vào hoạt động xây dựng và điều hành các sân bay dân dụng do các đối tác công-tư chịu trách nhiệm sẽ được khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ. Nguồn vốn tư nhân được phép tham gia hoạt động xây dựng và điều hành các sân bay dân dụng cùng với những cơ sở liên kết của các sân bay thông qua việc cấp quyền kinh doanh, chuyển nhượng quyền điều hành hay cổ phần và giao quyền điều hành.
Ngoài ra, đầu tư tư nhân không cần sự chấp thuận của CAAC để cấp vốn cho các nhà đón khách, lĩnh vực hậu cần và các dịch vụ dưới mặt đất cũng như những hoạt động khác của các sân bay dân dụng. Các nhà đầu tư nước ngoài hay tư nhân đủ điều kiện cũng được phép cung cấp các dịch vụ trung gian như tư vấn, thiết kế và bảo trì các sân bay dân dụng. Theo CAAC, nguồn đầu tư cho các sân bay dân dụng cũng như việc liên kết đầu tư giữa các sân bay dân dụng với các thực thể thị trường khác không giới hạn.
Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn thị trường xây dựng sân bay thương mại làm bàn đạp cho ngành công nghiệp non trẻ này đạt giá trị thị trường ước tính 150 tỷ Nhân dân tệ (22 tỷ USD) vào năm 2020. Đây cũng là bước chuẩn bị trong bối cảnh các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới dự đoán, Trung Quốc sẽ là thị trường hàng không dân dụng lớn nhất thế giới trong 20 năm tới.
Giảm áp lực cho chính phủ
Theo Dự báo thị trường toàn cầu giai đoạn 2016-2030 của hãng Airbus được công bố tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 11 diễn ra tại tỉnh Quảng Đông (từ ngày 1-6/11), số máy bay chuyên chở hàng hóa và hành khách được bàn giao cho Trung Quốc sẽ đạt gần 6.000 chiếc trong 20 năm tới, trong đó có 4.230 máy bay thân hẹp và 1.740 máy bay thân rộng, chiếm 18% nhu cầu thế giới. Airbus cũng nhận định rằng, Trung Quốc sẽ dẫn đầu ngành Hàng không dân dụng thế giới, trên cả thị trường quốc tế và nội địa.
Đối thủ của Airbus, hãng sản xuất máy bay Boeing cũng lạc quan về thị trường Trung Quốc. Chủ tịch Boeing tại Trung Quốc, ông John Bruns nhận định, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có thị trường hàng không trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Các tuyến bay hai chiều từ Trung Quốc tới Mỹ, châu Âu và châu Á được kỳ vọng sẽ nằm trong những tuyến phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm lần lượt đạt 6,8%, 5,3% và 6,7%. Trong giai đoạn 2015-2035, vận tải hàng không quốc tế hai chiều của Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 6,7%/năm. Tầng lớp trung lưu phát triển, cùng với những thỏa thuận tạo điều kiện cho việc đi lại giữa Trung Quốc và các thị trường lớn khác đang khích lệ người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Trung Quốc, năm ngoái có hơn 100 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.
Quyết định mở cửa cho nguồn vốn tư nhân của CAAC được cho là sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho Chính phủ, cũng như thúc đẩy việc xây dựng các sân bay dân dụng trên khắp cả nước, nhằm đáp ứng sự phát triển đang bùng nổ của ngành Hàng không tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Cơ hội cho các “ông lớn”
Sự phát triển bùng nổ của ngành Hàng không cùng những tiềm năng lớn của thị trường Trung Quốc khiến các tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất thế giới như Boeing và Airbus đều đang cạnh tranh quyết liệt nhằm chiếm lợi thế khai thác. Cả Boeing và Airbus đều tiến hành xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Airbus có một trung tâm hoàn thiện và giao hàng tại Thiên Tân, nơi công nhân sẽ thực hiện việc lắp đặt nội thất và sơn vỏ máy bay cho thị trường nội địa nước này. Ngoài ra, Airbus còn đặt mua các bộ phận máy bay từ các nhà cung ứng Trung Quốc. Trong khi đó, Boeing đang lên kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc Commercial Aircraft Corp. (COMAC) để mở một nhà máy thực hiện sơn và lắp đặt buồng lái cho những chiếc máy bay dòng 737.
Mặc dù Boeing và Airbus đều nhìn thấy “sự màu mỡ” của thị trường hàng không Trung Quốc, song trong tương lai cả hai "gã khổng lồ" này sẽ gặp phải sự cạnh tranh từ các hãng sản xuất Trung Quốc. Chẳng hạn như COMAC, bên cạnh việc hợp tác với cả Boeing và Airbus, doanh nghiệp này đang phát triển mẫu máy bay C919 để cạnh tranh với các dòng Boeing 737 và Airbus A320. Tại Triển lãm hàng không Chu Hải, hãng hàng không quốc doanh China Eastern Airlines cam kết sẽ mua 20 chiếc máy bay C919.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận