Thế giới

Trung Quốc muốn cùng Nga giải quyết vấn đề Triều Tiên

18/04/2017, 07:59

Trong lúc căng thẳng Triều Tiên leo thang, TQ vẫn chỉ gây áp lực lên quốc gia hàng xóm một cách có chừng mực.

17

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung QuốcVương Nghị trong cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh

Liệu việc thêm một cường quốc có ảnh hưởng tới Triều Tiên là Nga can dự có khiến tình hình bớt nóng?

Trung Quốc tìm đến Nga...

Khả năng Nga tham gia giải quyết vấn đề Triều Tiên được dư luận đồn đoán khi mới đây, báo Yomiuri Shimbun dẫn nhiều nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho hay, Nga và Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu do thám, bám theo nhóm tàu do tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang áp sát vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, tờ nhật báo lớn nhất của Nhật Bản, The Japan News cho biết, các tàu do thám này đang “tăng cường hoạt động do thám và cảnh báo sớm trong vùng biển và không phận xung quanh khu vực bán đảo Triều Tiên”.

Theo hãng tin Sputnik của Nga, động thái triển khai này nhằm gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ rằng, Washington cần thận trọng “nhìn trước, ngó sau” trong mọi hành động liên quan tới Triều Tiên. Bởi, ngoài động thái đưa nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ còn đưa thêm 2 tàu sân bay (USS Ronald Reagan và USS Nimitz) chuẩn bị tiến vào biển Nhật Bản, ở vùng lãnh hải sát Hàn Quốc trong tuần tới.

Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố rằng, họ đang thảo luận kế hoạch tập trận chung với sự tham gia cùng lúc của 3 tàu sân bay này. Việc Mỹ huy động cùng lúc 3 tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên là điều hiếm hoi và bất thường, khiến không ít người quan ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột ở bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, tính đến chiều 17/4, Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc chưa bình luận về sự việc. Khả năng Nga tăng cường tham gia cầm cương can dự vào vấn đề Triều Tiên càng được khẳng định, khi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị điện đàm với người đồng cấp tại Nga Sergey Lavrov.

Trong đó, hai nhà ngoại giao hàng đầu cho rằng, cuộc xung đột tại Triều Tiên có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Vương đã trao đổi với ông Sergey rằng: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga để hạ nhiệt càng sớm càng tốt tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khuyến khích các bên ngồi lại bàn đàm phán”.

Giáo sư John Delury, nghiên cứu sinh cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Mỹ - Trung và làm việc tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc nhận định, Bắc Kinh đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên thay vì siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt hay đe dọa chiến tranh vì Triều Tiên có lẽ tiếp tục tăng cường khả năng hạt nhân đến khi nào có thể tìm ra một con đường phòng thân khác.

Trừng phạt với thái độ dè chừng

Động thái phối hợp giữa Trung Quốc và Nga được thực hiện trong bối cảnh, Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng với thái độ khá dè chừng còn Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết thúc đẩy chương trình hạt nhân tên lửa của mình.

Mới đây, các công ty du lịch tại Trung Quốc đã dừng sắp xếp các tour du lịch tới Triều Tiên - một địa điểm khá nổi tiếng với khách Trung Quốc. Nhiều công ty đã dừng tổ chức các gói tour du lịch tới Triều Tiên, bao gồm trang web Lumama và Ctrip - công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc.

Chia sẻ với trang tin thepaper.cn, Công ty Ctrip cho biết, họ không nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu hủy khai thác tour du lịch tới Triều Tiên và chưa biết bao giờ mới có thể nối lại các tuyến du lịch này. Tuần trước, truyền thông đưa tin, Hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China tạm ngừng các chuyến bay từ Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng vì lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục phô trương quân sự trong cuộc diễu binh mừng sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Il-sung. Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện một vụ thử tên lửa dù bất thành cùng ngày 15/4. Tờ Telegraph dẫn chuyên gia quân sự đến từ Đại học Chengchi (Đài Loan), ông Authur Ding cho biết, Triều Tiên dùng cuộc diễu binh vào cuối tuần qua để khẳng định rằng, “thế giới đừng hòng kiềm chế chương trình hạt nhân tên lửa của nước này vì giống như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên cũng tự xưng là cường quốc hạt nhân”.

Ông Ding cho rằng: “Về khía cạnh chính trị, động thái này phần nào mang ngụ ý, Triều Tiên cần được đối xử tương đương chứ chưa nói là công bằng như với các cường quốc hạt nhân khác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.