Thế giới

Trung Quốc ngang ngược biến đảo Phú Lâm thành khu du lịch

30/05/2016, 05:54
image

Trung Quốc đang có kế hoạch biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành khu du lịch.

trungd

Trung Quốc đang có kế hoạch biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành khu du lịch một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế

Càng gần đến thời hạn Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện về vấn đề chủ quyền ở biển Đông, Trung Quốc càng ngang ngược có thêm những động thái phi pháp…

Ngang ngược xây khu du lịch

Cuối tuần qua, ông Xiao Je - người đứng đầu cái gọi là “Thành phố Tam Sa” nằm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc thành lập trái phép trên biển Đông cho biết, họ hy vọng sẽ biến khu vực này thành điểm du lịch hấp dẫn như Maldives, theo China Daily.

Ông Xiao Je nói rằng, nước này có ý định biến một số đảo ở vùng biển Đông có tranh chấp thành các khu nghỉ dưỡng để phục vụ cho các lễ cưới, du lịch, lặn biển… “Tiến trình này đang được thực hiện từng bước. Chúng tôi sẽ phát triển một số đảo và bãi đá ngầm để phục vụ một số khách du lịch nhất định”, ông Xiao Je nói.

Xem clip tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cản trở tàu cứu nạn Việt Nam trên Biển Đông:

Ông Xiao tiết lộ: Trung Quốc sớm tiếp tục đưa chuyến tàu thứ hai chở khách du lịch ra Phú Lâm. (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trước đó, Trung Quốc đã vận hành tàu du lịch có tên Coconut Princess, xuất phát từ đảo Hải Nam đưa một đoàn hàng trăm khách ra đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc đang vận hành trái phép một số chuyến bay thường xuyên tới hòn đảo này. Ông Xiao hy vọng, Trung Quốc sẽ mở nhiều chuyến bay trực tiếp/ngày tới Bắc Kinh.

Trong một diễn biến khác, ngày 27/5, Fox News công bố hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc lần đầu tiên triển khai máy bay không người lái Harbin BZK-005  với công nghệ tàng hình đến đảo Phú Lâm. Máy bay này có thể hoạt động trên không 40 tiếng. Trước đó, Bắc Kinh đã triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/5, hãng tin AFP dẫn lời ông Ashton Carter - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng: “Các hành động của Trung Quốc có thể dựng lên một Vạn Lý Trường Thành tự cô lập chính họ. Các quốc gia đồng minh, đối tác hay trung lập đều đang công khai hoặc kín đáo bày tỏ quan ngại ở mức cao nhất. Các hành động của Trung Quốc thách thức những nguyên tắc cơ bản và chúng ta sẽ không làm ngơ”.  

Tuyên bố của ông Carter được đưa ra trước thềm chuyến thăm Singapore vào tuần tới (3-5/6) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á Shangri-La, nơi các bên dự kiến tập trung thảo luận về các hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

Ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ

Ngoài các động thái nhằm gia tăng các tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc còn ráo riết tìm kiếm đồng minh ủng hộ cho những tuyên bố chủ quyền vô lý. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc “khoe” lập trường của họ về biển Đông được Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ủng hộ nhân Hội nghị Ngoại trưởng tại Uzbekistan tổ chức ngày 24/5 và danh sách các nước tán đồng việc nước này bác bỏ phán quyết sắp tới của PCA kéo dài thêm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng số lượng nhiều cũng không giúp ích được gì trong trường hợp gặp phải phán quyết bất lợi - điều mà ai cũng thấy chắc chắn sẽ xảy ra.

Chúng tôi quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Những tuyên bố chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, tránh sử dụng vũ lực hoặc hành động cưỡng bức nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình”.

Tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 diễn ra tại Nhật Bản từ 26-28/5

Hãng tin AFP còn có bài phân tích lấy ví dụ Niger - một quốc gia châu Phi được Bắc Kinh tuyên bố là nằm trong số hơn 40 nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về biển Đông; Ngoài ra còn có Togo, Burundi, Afghanistan… Với những nước này, biển Đông chắc hẳn sẽ rất xa lạ. Ngoài ra, theo AFP, đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối đưa ra danh sách các nước ủng hộ và căn cứ vào những cái tên đã được tiết lộ thì đa số là các nước nghèo ở châu Phi, hay một vài nước nổi tiếng là đồng minh truyền thống, như Pakistan chẳng hạn.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, những cái tên trong danh sách Trung Quốc tiết lộ, chủ yếu là những nước nhỏ. Còn nhà phân tích Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Australia) cho rằng, tính về chất lượng sự ủng hộ, Trung Quốc thua xa Philippines, cụ thể Manila được một loạt cường quốc như Mỹ, Nhật, Australia, Anh, G7 Liên minh châu Âu ủng hộ.

Thậm chí, Chu Phong - Chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Đại học Bắc Kinh cũng lo ngại, không tin là những hoạt động ngoại giao kêu gọi các nước khác ủng hộ của Trung Quốc sẽ thành công.

Ngư dân Trung Quốc bị chính quyền lợi dụng

Tuần trước, tờ Straits Times có bài viết: “Chiến tranh cá ở biển Đông”, trích dẫn rộng rãi ý kiến của ngư dân Trung Quốc cho rằng: Suy nghĩ và hành động của họ bị chính quyền chi phối, từ thông tin một chiều cho đến hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chủ quyền trên biển. Ngư dân Hải Nam cho biết, họ được Chính phủ trả 180.000 NDT (hơn 27.000 USD) để ra Trường Sa hai tuần mà không cần làm gì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.