Trung Quốc muốn biến cái gọi là "Thành phố Tam Sa" (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thành khu nghỉ dưỡng như Maldives. |
Tờ Chinadaily của Trung Quốc trích lời ông Xiao Je - người đứng đầu cái gọi là "Thành phố Tam Sa" (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc thành lập trái phép trên Biển Đông cho biết, họ hy vọng sẽ biến khu vực này thành điểm du lịch hấp dẫn như Maldives.
“Chúng tôi sẽ phát triển một số hòn đảo, đá để làm nơi ăn nghỉ cho khách du lịch” – ông Xiao ngang nhiên công bố kế hoạch hành động trái với luật pháp quốc tế. Người này cho biết thêm, những nơi được lựa chọn để xây dựng khu nghỉ dưỡng phục vụ du lịch, cưới hỏi, lặn ngắm, bắt cá… sẽ không có sự hiện diện của quân sự. “Tiến trình này đang được thực hiện dần dần và từng bước” – ông Xiao nói.
Cái gọi là thành phố Tam Sa được Trung Quốc thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Xiao tiết lộ: Trung Quốc sớm tiếp tục vận hành chuyến tàu thứ hai đưa khách du lịch ra Phú Lâm. Trước đó, Trung Quốc đã vận hành tàu du lịch có tên Coconut Princess, xuất phát từ đảo Hải Nam đưa một đoàn hàng trăm khách ra đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc đang vận hành trái phép một số chuyến bay thường xuyên tới hòn đảo này. Ông Xiao hy vọng, Trung Quốc sẽ mở nhiều chuyến bay trực tiếp/ngày tới Bắc Kinh.
Những hành động trên của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa. Điều này đã được Việt Nam nhấn mạnh và tuyên bố nhiều lần. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng nhiều lần lên tiếng.
Cùng ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông. Theo Thủ tướng, “sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định.
Thủ tướng cho hay: “Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Do đó, các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận