Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc “nhảy dựng” trước tuyên bố biển Đông của ASEAN

29/04/2015, 08:43

Các nhà lãnh đạo ASEAN quan ngại về việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy.

img
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hồng Lỗi

Chiều qua (28/4), ông Hồng Lỗi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thêm lần nữa cho rằng tình hình Biển Đông không phải là vấn đề chung giữa ASEAN và Trung Quốc và Trung Quốc đã “hết sức kiềm chế” trong vấn đề Biển Đông, theo Xinhua

Liên quan đến những quan ngại của ASEAN trong các hoạt động cải tạo bồi đắp các đá của Trung Quốc trên biển Đông, ông Hồng Lỗi còn nói rằng nước này có quyền xây dựng trên các hòn đảo ở vùng biển này và rằng không hề có vấn đề gì đối với quyền tự do hàng hải

Những tuyên bố này lần nữa thể hiện thái độ ngang ngược, đòi hỏi 90% diện tích chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.

Trước đó, cùng ngày, kết thúc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 26 tại Kuala Lumpur và Langkawi, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các vấn đề khu vực và quốc tế; trong đó có vấn đề Biển Đông.

Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN quan ngại về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Do đó, các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các Bộ trưởng Ngoại giao khẩn cấp xử lý vấn đề này một cách xây dựng thông qua các khuôn khổ của ASEAN như quan hệ ASEAN -Trung Quốc cũng như nguyên tắc về cùng chung sống hòa bình.

Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề Biển Đông khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) ở Biển Đông: nhằm xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế trong các hành động; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Các nhà lãnh đạo cũng yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để bảo đảm nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.