Ngày 10/5, chiến hạm USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhằm duy trì quyền tự do hàng hải. |
Hôm qua (15/5), theo Reuters, giới chức Trung Quốc đã “nhảy dựng” trước báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về các hoạt động quân sự của nước này trên biển Đông.
Cãi lấy được
Theo đó, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội nước này hồi cuối tuần qua cảnh báo về các hoạt động quân sự của Trung Quốc khi cho rằng, Bắc Kinh đang nỗ lực một cách “chóng mặt” nhằm thiết lập và xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng quân sự trên biển Đông, bao gồm cả hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát trên các đảo nhân tạo trái phép.
Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” và “thái độ đối lập” về báo cáo của Lầu Năm Góc, đồng thời nhấn mạnh báo cáo đã làm “tổn hại nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau”.
Bắc Kinh cho rằng, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã “thổi phồng” mối đe dọa và sự thiếu minh bạch về quân sự của Trung Quốc, “cố tình bóp méo” chính sách quốc phòng của Trung Quốc, mô tả một cách “không công bằng” các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Dương Vũ Quân nói thêm rằng, mọi chính sách của quân đội Trung Quốc nhằm mục đích duy trì chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo sự phát triển hòa bình của nước này.
Tuy nhiên, ông Dương lại không đưa ra được lý lẽ để bác bỏ các thông tin trong bản báo cáo nói trên. Theo báo cáo, chỉ trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép thêm hơn 3.200 mẫu Anh (gần 1.300 ha) trên 7 thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép trên biển Đông. Trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép, Bắc Kinh cho đào các kênh lạch sâu dẫn vào các tiền đồn, xây bến cảng nhân tạo, nạo vét các bến cảng có từ trước và xây bến mới cho các tàu công suất lớn cập cảng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đã hoàn tất các nỗ lực bồi đắp vào tháng 10/2015 và đang chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng 3 đường băng dài 3.000 m trên 3 tiền đồn quan trọng, đồng thời khẳng định Trung Quốc đang tập trung phát triển khả năng ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng có vẻ muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ.Lầu Năm Góc tuyên bố nỗ lực như vậy không mang lại cho Trung Quốc bất kỳ quyền lãnh thổ mới nào, tuy nhiên, nó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện lâu dài ở khu vực này.
Chiến thuật cưỡng bức
Giới chức Lầu Năm Góc nhận định, Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự, trong đó có việc triển khai các hệ thống do thám, cho các đảo nhân tạo trên biển Đông trong năm nay, qua đó thiết lập “các căn cứ dân sự - quân sự” về lâu dài tại các khu vực tranh chấp. Lầu Năm Góc cũng nhận định, Trung Quốc đang sử dụng “các chiến thuật cưỡng bức” khi mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông và những nơi khác, trong khi cùng lúc tránh những hành động có thể gây ra xung đột vũ trang. “Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật cưỡng bức nhằm thúc đẩy những lợi ích của họ theo cái cách được tính toán để không đến mức gây ra xung đột”, báo cáo viết.
Không những thế, trong bối cảnh Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông, như để dự phòng khả năng bị thua, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh mở một mặt trận ngoại giao, vận động các nước ủng hộ quan điểm biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có các cuộc thuyết phục một số nước châu Âu, Đông Nam Á, Châu Phi… ủng hộ quan điểm phi lý của mình. Các chuyên gia phân tích cho biết, Trung Quốc cần nhiều nước ủng hộ quan điểm “PCA không có thẩm quyền xem xét vấn đề biển Đông” để tránh tiếng xấu coi thường luật quốc tế khi bác bỏ phán quyết bất lợi của tòa dành cho họ.
Hãng tin Kyodo News (Nhật) tuần qua dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, nguyên Tư lệnh Hải quân Mỹ nói muốn Nhật, Mỹ và các nước Đông Nam Á hợp sức tại biển Đông, kêu gọi hải quân Mỹ và Nhật Bản xem xét khả năng cùng hành động tại biển Đông. Ngoài ra, Mỹ nên tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại biển Đông, cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh những nơi mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và những nước khác có thể tham gia cùng. Lời kêu gọi của ông Greenert được đưa ra trước thềm chuyến công du Nhật Bản và Việt Nam sẽ diễn ra trong tuần tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận