Để có được 1 tấm vé tàu di chuyển dịp Tết là vô cùng khó khăn với người dân Trung Quốc xa quê. |
“Vật vã trở về, vật vã ra đi” là điệp khúc mà hàng trăm triệu người dân Trung Quốc phải đối mặt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Năm 2017 cũng vậy, chỉ khác, ở thời buổi công nghệ thông tin, người dân nước này phải giành giật mua vé qua mạng, chứ không phải ở các sân ga.
Phần mềm giành giật vé
Không giống Việt Nam, ngày 20/2 tới mới kết thúc dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc, bởi Tết Nguyên đán của nước này kéo dài trong 40 ngày (bắt đầu từ ngày 13/1) để tạo điều kiện cho những người làm việc xa trở về với gia đình. Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính, năm nay, có khoảng 2,98 tỷ lượt di chuyển, trong đó có 350 triệu chuyến tàu hỏa.
Nếu như những năm trước, người dân Trung Quốc phải mệt mỏi, vật vờ chờ đợi hàng tiếng để mua vé tàu di chuyển dịp Tết thì năm nay cảnh tượng này đã vãn hẳn. Thay vào đó, người dân chuyển sang mua vé qua các phần mềm, ứng dụng điện thoại.
Xem thêm video:
Dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng công ty đặt vé qua mạng Zhixing Railway Tickets ước tính, năm 2017, gần một nửa vé tàu được bán qua mạng, ứng dụng điện thoại, tăng cao so với mức 27% của năm 2016.
Song, vì nhu cầu di chuyển bằng tàu vượt quá nguồn cung dẫn đến việc dù mua vé qua mạng hay trực tiếp, người dân phải giành giật nhau từng tấm vé. Do đó, thị trường bán vé qua mạng của Trung Quốc xuất hiện các phần mềm “giành giật vé”, trong đó tính thêm phí giúp khách hàng tăng tỉ lệ mua được vé. Cô Shuang Xu, công nhân làm việc tại công ty du lịch ở Bắc Kinh bắt đầu tìm mua vé để tới Trùng Khánh từ hai tuần trước khi lên tàu, nhưng trang web đặt vé chính thức của Nhà nước (www.12306.cn) liên tiếp bị sập. Cô Xu phải trả thêm 60 nhân dân tệ (gần 200.000 VND) cho một phần mềm “giành giật vé” mới mua được 2 vé tàu cao tốc trị giá 5 triệu VND. “Tôi không có lựa chọn nào ngoài việc phải trả thêm tiền để mua được vé”, cô Xu nói.
“Cò vé ảo”
Những phần mềm “giành giật vé” cho phép người sử dụng có cơ hội cao hơn để sở hữu một ghế trên tàu mặc dù không thể đảm bảo 100%. Chi phí tăng thêm để tranh vé khá đa dạng, từ 20 - 200 nhân dân tệ. Thị trường này nở rộ như nấm sau mưa. Hơn nữa, nhiều năm trở lại đây, đã có hơn 50 công ty cung cấp phần mềm công nghệ và du lịch của Trung Quốc mua ứng dụng của những công ty đối thủ để thâu tóm thị trường.
Chẳng hạn, Ctrip - công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc đã mua lại nhiều công ty đối thủ sở hữu phần mềm bán vé và sáp nhập lại, trở thành công ty cung cấp phần mềm bán vé trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Phần lớn các phần mềm khác, bao gồm cả Ctrip đều chỉ tính thêm phí cho khách hàng khi họ đặt vé thành công và các công ty cạnh tranh nhau ở chính sách bảo hiểm trọn gói và các khoản phụ trợ bên ngoài.
Ông Zhao Zhanling, Cố vấn luật của Tổ chức phi Chính phủ Mạng xã hội Trung Quốc (Bộ Công nghiệp và Kỹ thuật thông tin Trung Quốc) cho rằng: “Các phần mềm đặt vé này không khác kiểu chen lấn, vượt hàng để mua vé tại các sân ga. Nếu số lượng người sử dụng công nghệ để giành giật vé lớn đồng nghĩa những người sử dụng trang web mua vé trực tuyến chính thức của Chính phủ bị ảnh hưởng và cơ hội đặt được vé thấp hơn, thậm chí không đặt được vé”. Trên mạng xã hội Sina Weibo (tương đương như Twitter), một hành khách chia sẻ: “Tôi thấy ứng dụng này chẳng khác gì cò vé tại các sân ga”.
Cò vé là hành vi bất hợp pháp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các phần mềm “giành giật vé” hoạt động như một bên thứ 3 được ủy thác để mua vé thay cho hành khách nên về lý thuyết họ không vi phạm quy định. Chỉ có điều, các công ty không được phép tính thêm quá 5 nhân dân tệ so với giá vé thực tế làm phí dịch vụ nên nếu những công ty nào tính phí vượt quá con số này sẽ vi phạm pháp luật. Hiện, công ty điều hành đường sắt quốc gia China Railway Corp chưa bình luận về tình trạng trên.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận