Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ - ảnh tư liệu.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết, các hoạt động kép của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông hôm thứ Ba mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và chính trị hơn là ý nghĩa quân sự, vì Mỹ hoàn toàn nhận thức được sức mạnh của tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc.
Nhóm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến hành hoạt động kép với Nhóm tấn công tàu sân bay USS Nimitz ở Biển Đông vào hôm thứ Ba, theo một tuyên bố được công bố trên trang web của Hạm đội 7 Hoa Kỳ cùng ngày.
Trong một động thái nhằm chứng tỏ khả năng hoạt động của Hải quân Mỹ trong những môi trường đầy thử thách, các nhóm tấn công đã tiến hành vô số cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết.
Đáp lại cuộc tập trận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba nói rằng "Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ (cái mà Bắc Kinh gọi là) chủ quyền và an ninh quốc gia, cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông cùng với các nước khác trong khu vực".
Xu Guangyu, cố vấn cấp cao của Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Ba rằng, các cuộc tập trận của Mỹ là động thái của một số quan chức có tư tưởng cứng rắn trong chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden nhằm gây sức ép với Trung Quốc và thể hiện sức mạnh với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, thể hiện lập trường rằng Mỹ sẽ không dễ dàng lùi bước trước Trung Quốc.
Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, lần gần đây nhất Mỹ tiến hành hoạt động kép trên tàu sân bay là vào tháng 7/2020, khi các nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan và Nimitz hai lần hoạt động cùng nhau trong khu vực.
Không lâu sau cuộc tập trận của các tàu sân bay Mỹ vào năm 2020, quân đội Trung Quốc (PLA) được cho là đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm xuống Biển Đông trong một cuộc tập trận, cho thấy khả năng của PLA trong việc tấn công các mục tiêu trên biển bằng tên lửa đạn đạo, được cho là các tên lửa DF-26 và DF-21D, từ nhiều hướng trong các cuộc tấn công phối hợp, thể hiện khả năng bão hòa chống lại lực lượng hùng mạnh của đối phương, các nhà phân tích cho biết.
Máy bay chiến đấu trên hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ.
Mỹ hoàn toàn nhận thức được rằng tên lửa "sát thủ tàu sân bay" của PLA có thể bao phủ toàn bộ Biển Đông, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các tàu sân bay của Mỹ cần tránh xa khu vực nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, ông Xu nói.
Vị chuyên gia này cho rằng Hoa Kỳ cũng biết không bên nào sẽ đi xa và bắt đầu một cuộc chiến như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng "Chúng ta không cần xung đột, nhưng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt" với Trung Quốc.
Không ai muốn xảy ra chiến tranh và các cuộc tập trận của các tàu sân bay Mỹ lần này chỉ nhằm thể hiện một lập trường, mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự, ông Xu nhận định.
"Là một thế lực từ bên ngoài khu vực, Mỹ đã liên tục khuấy động rắc rối ở Biển Đông, trong khi các nước trong khu vực tập trung vào hợp tác và cùng có lợi. Mỹ mới là bên phải chịu trách nhiệm về quân sự hóa ở Biển Đông" - Thời báo Hoàn Cầu viết.
Các hoạt động của hai nhóm tác chiến do tàu sân dẫn đầu của Mỹ cũng diễn ra ngay khi Trung Quốc chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã kêu gọi tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong thời gian này.
Các nhà phân tích Trung Quốc trước đó từng nhấ mạnh rằng, các quân đội khác của nước ngoài không nên ảo tưởng rằng họ có thể thực hiện các động thái khiêu khích trong kỳ nghỉ lễ mà không vấp phải các biện pháp đối phó của PLA.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận