Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, lần này, Trung Quốc có phản ứng nhẹ nhàng bất thường.
CNN dẫn lời ông Collin Koh – nghiên cứu sinh Khoa S. Rajaratnam Viện Quốc tế Singapore là người đã và đang lưu trữ dữ liệu về các chuyến đi lại của tàu thuyền Mỹ qua Eo biển Đài Loan cho biết, đây là lần đầu tiên trong ít nhất 4 năm Hải quân Mỹ đưa 2 tàu tuần dương qua Eo biển.
“Đã có 2 chứ không phải 1 tàu thực hiện nhiệm vụ này. Đây chắc chắn là tín hiệu phản đối mạnh mẽ hơn đối với không chỉ các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan của Bắc Kinh mà còn là phản ứng trước những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng pháp lý, quyền tự do đi lại trên tuyến đường thủy này từ Trung Quốc” – ông Koh nói.
Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia trên, việc Mỹ đưa tàu chiến thực hiện chuyến đi qua Eo biển vừa qua không có gì đáng kinh ngạc, vì Washington đã thực hiện nhiều chuyến đi như vậy trong vài năm gần đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Điều đáng kinh ngạc là phản ứng từ Bắc Kinh. Lần này, Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Trung Quốc chỉ thông báo đã giám sát 2 tàu, duy trì tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng phản ứng trước mọi hành vi khiêu khích.
Kể cả Global Times, tờ báo vốn nổi tiếng với những bài bình luận phản bác truyền thông phương Tây, cũng chỉ có bình luận nhẹ nhàng rằng sự hiện diện của 2 tàu khu trục này không tiềm ẩn “mối đe doa thực sự với an ninh Trung Quốc”.
Trong khi ở những lần trước Trung Quốc có phản ứng mạnh hơn. Điển hình như hồi tháng 7 khi tàu khu trục USS Benfold đi qua Eo biển hồi tháng 7, người phát ngôn Chiến khu Đông bộ nhận định Mỹ là “kẻ phá hoại hòa bình, ổn định trên Eo biển”.
Tàu tuần dương USS Antietam. Ảnh - CNN
Ngay đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương kêu gọi Mỹ dừng hoạt động đi lại, cho rằng những hành động này đẩy căng thẳng leo thang và khuyến khích những lực lượng muốn ly khai tại Đài Loan.
Chia sẻ với báo giới tại Washington, ông Tần cho biết: “Nếu có bất cứ động thái nào gây tổn hại tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phản ứng”.
Lý giải về sự thay đổi thái độ của Trung Quốc, nhà phân tích Koh đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất, Bắc Kinh có thể đã cảnh giác với "đòn phản công quốc tế", vì nếu họ thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế hoạt động đi lại của Hải quân Mỹ qua Eo biển Đài Loan đều có thể bị coi là đe dọa quyền đi lại của tàu thuyền các quốc gia khác qua tuyến đường thủy này.
Thứ 2, sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, Bắc Kinh đã đình chỉ các kênh liên lạc quân sự với Washington, làm dấy lên rủi ro hiểu nhầm trong lúc Hải quân Trung Quốc và Mỹ tương tác với nhau.
Thứ 3, giữa Washington và Bắc Kinh vẫn có nhiều lĩnh vực khác mà hai bên cần phối hợp, Trung Quốc có thể không muốn gây ảnh hưởng tới những lĩnh vực này.
“Sẽ là vô lý nếu đẩy cao căng thẳng đến mức có thể rơi vào đụng độ” – ông nói.
Bên cạnh đó, ông Carl Schuster – Giám đốc vận hành Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii chỉ ra khả năng thứ 4 đó là Chính quyền Bắc Kinh không muốn để các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa hoặc những người có tư tưởng chống đối Trung Quốc có cơ hội thắng trong cuộc bầu cử sắp tới; không muốn Thượng viện, Hạ viện Mỹ thông qua luật để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Đài Loan hoặc hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.
Hiện nay, phía Trung Quốc chưa bình luận về nhận định của các chuyên gia Mỹ.
Về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần của nước này và tuyên bố sẽ thống nhất bằng mọi cách kể cả dùng vũ lực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận