Đạn thông minh có thể bay nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh
Ngày 221/1, báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) cho biết trong bài báo đăng trên tạp chí của Đại học Kỹ thuật hải quân Trung Quốc vào tháng 11/2023, nhóm nhà khoa học Trung Quốc do ông Feng Junhong công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng Điện từ thuộc Đại học Kỹ thuật hải quân Trung Quốc dẫn đầu, thông báo đã phát triển thành công loại đạn thông minh phóng từ súng điện từ.
Loại đạn này có thể đạt tốc độ Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh). Sau khi được bắn ra, đạn có thể nhận tín hiệu từ hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu và liên tục điều chỉnh đường bay, duy trì sai số chưa tới 15m cho tới khi bắn trúng mục tiêu.
Báo SCMP nhận định khả năng viên đạn đạt độ chính xác cao như vậy khi di chuyển ở tốc độ cao là không hề dễ dàng, bởi đạn có thể di chuyển ở tốc độ lên tới 2.500m chỉ trong một giây.
Tuy mức độ chính xác của loại đạn này có thể chưa phù hợp để sử dụng nhằm tấn công những mục tiêu nhỏ đang chuyển động như xe tăng nhưng theo SCMP, độ chính xác này đã đủ để nhắm tới những mục tiêu cỡ lớn như tàu chiến.
SCMP cũng nhận định vũ khí điện từ có thể trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trên chiến trường. Loại vũ khí này có thể bắn loạt đạn với độ chính xác cao trong khi vẫn duy trì được tầm xa và khả năng tấn công chính xác của tên lửa.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, vũ khí điện từ có thể phát sinh ra từ trường gây ảnh hưởng tới các bộ phận điện tử như chip, ăng ten. Ngoài ra, còn có nhiều thách thức khác trong quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí điện từ khiến các nhà khoa học, kỹ sư trên toàn thế giới, bao gồm tại Trung Quốc, gặp rất nhiều khó khăn.
Trong bài báo, nhóm nghiên cứu của ông Feng cho biết họ đã phát triển loại ăng ten có thể chống lại từ trường mạnh mẽ của vũ khí điện từ trong khi vẫn thu được tín hiệu từ băng tần quân sự của vệ tinh Bắc Đẩu với độ chính xác cao.
Ngoài ra, phần mềm định hướng cho vũ khí điện từ cũng là một thách thức các nhà khoa học cần giải quyết trong quá trình phát triển loại vũ khí này. Khác với phương tiện đi theo lộ trình cố định trên đường bộ, đường bay của đạn vô cùng phức tạp và thường xuyên thay đổi. Để khắc phục vấn đề, nhóm nghiên cứu đã phát triển thuật toán nhằm đảm bảo giữ thông tin liên lạc vệ tinh không gián đoạn trong suốt đường bay của đạn.
Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ?
Theo SCMP, khái niệm “viên đạn mơ ước” lần đầu tiên được Hải quân Mỹ đưa ra vào năm 2012. Đây là loại đạn phóng từ súng điện từ, có khả năng di chuyển ở tốc độ Mach 5 và được dẫn đường bằng tín hiệu GPS.
Quân đội Mỹ dự kiến phát triển và thử nghiệm loại đạn này trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, quân đội Mỹ đã từ bỏ chương trình phát triển súng điện từ.
Như vậy, với bài báo đăng trên tạp chí của Đại học Kỹ thuật hải quân Trung Quốc vào tháng 11/2023, Trung Quốc dường như đã vượt qua Mỹ và phát triển thành công đạn sử dụng cho súng điện từ, có khả năng đạt tốc độ Mach 7, nhận tín hiệu định hướng vệ tinh để điều chỉnh đường bay với sai số chưa tới 15m.
Thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo đạt một loạt đột phá trong lĩnh vực vũ khí điện từ, bao gồm hệ thống lưu trữ năng lượng tối tân, hệ thống giám sát và kiểm soát phức tạp, các cuộc thử nghiệm vũ khí quy mô lớn.
Mặc dù năng lực tác chiến thực tế của những loại vũ khí này vẫn chưa được kiểm chứng, theo SCMP, một số cuộc mô phỏng tác chiến cho thấy những loại vũ khí này có thể thách thức lợi thế về quân sự của các nước phương Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận