Sau khi Việt Nam công bố 8 loại rau quả nhập từ Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép (5/2014), Trung Quốc đã thông báo một số trái cây của Việt Nam xuất sang nước này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, còn một số loại bánh kẹo cũng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trung Quốc giở bài tố một số nông sản, thực phẩm Việt Nam |
Ngày 11/7, tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 26/6/2014, NAFIQAD nhận được Công thư của Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) thông báo một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ năm 2013 đến tháng 4/2014 không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Những sản phẩm đó là bánh mì hương dừa, bột sắn, bánh quy, bánh kem, bánh trứng, kem xốp, mứt sen... Đây là những sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Trong công văn gửi Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Nafiqad đề nghị Bộ Công Thương cần điều tra và có thông báo cho phía Trung Quốc về kết quả điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục và tránh phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt những mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Mới đây, vào ngày 23/6/2014, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đã nhận được thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về việc Tổng Cục giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) có Công thư thông báo việc một số lô hàng trái cây của Việt Nam như: Chuối, Thanh long... xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật.
Ông Trần Ngọc Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, hiệp hội đang kiểm tra lại thông tin để đánh giá lại tình hình trước khi có những thông báo tiếp theo đối với người trồng thanh long. Bình Thuận có khoảng 20.000 héc ta trồng thanh long, trong đó có gần 6.000 héc ta đạt VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
Trước đó, hơn một tháng Việt Nam công bố 8 loại rau quả nhập từ Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Các lô hàng này bao gồm 126 tấn quýt tươi (8 lô), 54 tấn cà rốt (2 lô). 40 tấn táo quả (1 lô), nho tươi 20 tấn (2 lô), ngoài ra còn có một số mặt hàng khác có khối lượng từ 6 đến 15 tấn.
Các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện vượt ngưỡng gồm: Carbendazim (dùng để diệt nấm), Difenoconazol, Thiophanate, Propargite (dùng để diệt nhện) và Methomyl. Do đó, NAFIQAD đề nghị AQSIQ thông báo cho các cơ quan chức năng phía Trung Quốc điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc lô hàng trái cây Trung Quốc bị cảnh báo và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp, đồng thời thông báo kết quả tới NAFIQAD để tránh tái diễn tình trạng nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết 17 lô hàng vi phạm trên được phát hiện trong những tháng đầu năm 2014, toàn bộ hàng hóa đã được tiêu thụ hết.
Vào cuối tháng 5/2014, công an Hà Nội đã bắt được 11 tấn hàng gồm bánh kẹo, ô mai, hạt dẻ cười có nguồn gốc từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tiêu thụ nhưng chủ lô hàng lại không đưa ra được những giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã cho tiêu hủy 23 tấn kẹo, ô mai xuất xứ từ Trung Quốc do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2014, mặt hàng bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt giá trị gần 17,7 triệu USD. Còn Việt Nam nhập bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc của Trung Quốc gần 4,3 USD.
Đồng thời, sau thông tin đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam. PGS TS - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại từng cảnh báo đến khả năng Trung Quốc có thể "chơi" Việt Nam.
"Có thể có khả năng họ “chơi” Việt Nam ở những thời điểm có những sản vật thời vụ. Họ sẽ gây trở ngại cho Việt Nam, điều xưa nay đã có rồi, có thể thời gian tới sẽ cực đoan hơn", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.
Đồng quan điểm, Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cũng cho biết, Trung Quốc sẽ dùng "bài" quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa tạm ở thời điểm thu hoạch các loại hoa quả vào thời vụ, vì phải kiểm tra nên chỉ cần 10-15 ngày các mặt hàng rau củ quả, nông sản phải vất đi. "Vì vậy, Việt Nam phải thận trọng", ông cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đây không phải là lần đầu Trung Quốc gây khó khăn cho Việt Nam, nó được coi là hành động gây khó khăn cho đối tác khi đã bị phụ thuộc vào thị trường của họ chứ không phải vì người tiêu dùng.
Trước đây, với chiêu bài đẩy giá, thu mua ồ ạt, khi thấy vải Lục Ngạn xuất tới 90% sang thị trường Trung Quốc, Trung Quốc đã quay lại yêu cầu thương lái người Việt phải xuất giấy chứng nhận hàng hóa. Tuy nhiên, không phải là giấy chứng nhận thông thường mà là giấy chứng nhận thu mua tận vườn.
Tức là khi muốn bán được vải cho Trung Quốc các thương lái Việt Nam phải chứng nhận được đó là vải của vườn nào, sau đó Trung Quốc cho người sang thu mua tận vườn ở VN. Đồng thời, bà cũng cho rằng, người Việt Nam nên thay đổi tư duy kinh tế, không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Theo Thành Tuyên (Báo Đầu tư)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận