Sân bay quốc tế Urumqi tại Tân Cương, Trung Quốc |
Vùng viễn Tây của Trung Quốc - khu tự trị Tân Cương, trong vài năm trở lại đây liên tục được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý nhất chính là dự án mở rộng cảng hàng không (CHK) quốc tế Urumqi, với số vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD.
Dự án trọng điểm
Chính phủ Trung Quốc vừa chính thức thông qua kế hoạch mở rộng CHK quốc tế Urumqi, nằm tại thủ phủ của khu tự trị Tân Cương. Dự án có số vốn đầu tư lên đến 42,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 6 tỷ USD), với mục tiêu đưa sân bay này trở thành động lực phát triển kinh tế chính của vùng.
Sân bay quốc tế Urumqi khai trương các tuyến bay quốc tế từ năm 1973. Diện tích của nó là 4,48 triệu m2, với khu vực đỗ máy bay rộng 110.000m2 có sức chứa hơn 30 máy bay. Trong kế hoạch mở rộng lần này, CHK sẽ được xây dựng thêm hai đường băng.
Trước đó, vào năm 2002, sân bay Urumqi mới chỉ phục vụ 1,6 triệu lượt khách và xử lý được 35.000 tấn hàng. Sau khi xây dựng thêm nhà ga số 3 từ tháng 4/2007, công suất của sân bay đã tăng lên 16,35 triệu lượt khách cùng 275.000 tấn hàng.
Theo tuyên bố của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), sau khi hoàn thành việc cải tạo, mở rộng vào năm 2030, CHK quốc tế Urumqi trên diện mạo và tầm vóc mới sẽ có khả năng phục vụ 63 triệu hành khách và xử lý 750.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Vào năm 2017, Tân Cương đã đón hơn 100 triệu khách trong và ngoài nước, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Vì vậy, kế hoạch nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Urumqi chính là bước tiến quan trọng, giúp vùng đất này thu hút thêm nhiều khách du lịch.
Sân bay Urumqi hiện đã phục vụ các chuyến bay đến và đi từ: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Đây cũng là trung tâm hoạt động của các hãng hàng không China Southern Airlines và Hainan Airlines.
Mở rộng mạng lưới kết nối
Vốn nổi tiếng là vùng đất của dầu mỏ và khoáng sản, tuy nhiên, nền kinh tế của Tân Cương vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng của nó. Trong những năm trở lại đây, khu tự trị này liên tục được đầu tư về cơ sở hạ tầng, bởi đây được coi là một trong những khu vực quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Đây là kế hoạch phát triển có giá trị hàng tỷ USD, nhằm mục đích thúc đẩy sự rộng khắp của mạng lưới trên đất liền và trên biển, kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và xa hơn nữa.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các vùng ở phía Tây đất nước, giúp khu vực này nhanh chóng thoát nghèo và có thể hòa nhập vào nhịp độ phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Chỉ số tăng trưởng kinh tế tại đây đã chững lại trong nửa đầu năm nay, chủ yếu do sự suy giảm về thị trường bất động sản. Dù có diện tích lớn nhất trong các tỉnh và vùng tự trị của Trung Quốc, nhưng quy mô nền kinh tế của Tân Cương chỉ đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 144 tỷ USD/năm), nằm trong các khu vực có nền kinh tế thấp nhất cả nước.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, việc mở rộng sân bay Urumqi giúp cho ngành hàng không tại đây tăng trưởng nhanh chóng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm hàng không quốc tế trong khu vực này, từ đó tạo đà cho sự tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh việc mở rộng sân bay quốc tế Urumqi, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch phát triển hàng trăm sân bay trên toàn quốc nằm trong chiến lược “Vành đai và Con đường”, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, làm ăn và du lịch ngày càng lớn tại quốc gia này.
Hiện tại, một sân bay quốc tế mới tại Bắc Kinh, có tên là Daxing, cũng đang được xây dựng với số vốn đầu tư lên đến 80 tỷ nhân dân tệ (khoảng 11 tỷ USD), được kỳ vọng sẽ phục vụ 72 triệu hành khách/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận