Thời sự Quốc tế

Trung Quốc sẽ chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Thái Lan

15/05/2023, 14:38

Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao một số công nghệ để hỗ trợ Thái Lan phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc của quốc gia này.

Trung Quốc đồng ý chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Thái Lan

Ngày 15/5, báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn thông tin từ bài viết của nhóm kỹ sư Trung Quốc tham gia đàm phán với Thái Lan đăng trên tạp chí Trung Quốc Railway Standard Design vào tháng trước cho biết: “Khi quá trình hợp tác trong Dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc - Thái Lan ngày càng sâu sắc, mong muốn tự thiết kế và xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc của Thái Lan càng mạnh mẽ hơn".

Nhóm kỹ sư Trung Quốc tham gia đàm phán do ông Gao Rui - kỹ sư cấp cao thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc quốc tế thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc dẫn đầu.

Ông Gao cho biết: “Nhằm đáp ứng các yêu cầu mạnh mẽ từ phía Thái Lan về chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc, Bắc Kinh đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho Bangkok theo đúng luật pháp”.

Theo luật pháp Trung Quốc, đối với các hoạt động xuất khẩu công nghệ được xếp loại quan trọng với an ninh quốc gia hoặc thuộc lợi ích kinh tế của đất nước, cần được sự chấp thuận từ chính phủ.

img

Công nhân làm việc trong dự án Đường sắt Cao tốc Trung Quốc - Thái Lan tại tỉnh Nakhon Ratchasima (Ảnh: AFP)

Nhóm nghiên cứu của ông Gao cho hay, về nguyên tắc, Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao hoặc chuyển giao có điều kiện công nghệ, kỹ năng, kiến thức trong 11 lĩnh vực xây dựng đường sắt cao tốc cho Thái Lan.

Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Thái Lan thông tin về vật liệu xây dựng đường ray, phương pháp tối ưu để đặt đường ray trên các địa hình khác nhau.

Một số công nghệ được chuyển giao khác bao gồm thiết kế sân ga; kỹ thuật xây cầu bắc qua sông; kỹ thuật thiết kế, xây dựng hầm đường sắt…

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý chuyển giao một số công nghệ quan trọng khác để cải thiện chất lượng và tốc độ xây dựng cho Thái Lan như khảo sát địa hình, lắp đặt hệ thống ánh sáng, hệ thống sưởi, thông gió, điều hòa không khí tại các ga, cơ sở đường sắt.

Bắc Kinh và Bangkok cũng đang thảo luận về chuyển giao công nghệ thiết kế, sản xuất toa tàu như mẫu tàu CRH380 cùng một số công nghệ tiên tiến khác.

Mặt khác, SCMP dẫn lời một nhà khoa học trong lĩnh vực đường sắt tại Bắc Kinh (không tham gia quá trình đàm phán) nhận định, việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, quốc gia có thể bao gồm chuyển giao bằng sáng chế, giấy phép hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác.

Trung Quốc hiện sở hữu một số bằng sáng chế về vật liệu đường ray, hệ thống tín hiệu trên mạng lưới đường sắt cao tốc, do đó, trong quá trình đàm phán giữa Thái Lan - Trung Quốc, có thể bao gồm nội dung chia sẻ bằng sáng chế.

Theo SCMP, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, trải dài hơn 40.000km, chỉ trong 15 năm. Do đó, những kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ đường sắt cao tốc của quốc gia này sẽ rất hữu ích đối với các quốc gia muốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tương tự một cách nhanh chóng với chi phí thấp.

Chẳng hạn như, Trung Quốc đã phát triển thiết kế nhà ga đường sắt theo mô-đun. Quốc gia này cũng đang nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu đường ray mới để giảm chi phí bảo trì về lâu dài.

Khó khăn trong quá trình đàm phán dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan

Theo nhóm kỹ sư của ông Gao, quá trình đàm phán dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan rất khó khăn.

Phía Thái Lan từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc Bắc Kinh sẽ cung cấp vốn cho toàn bộ dự án, thay vào đó lựa chọn kết hợp giữa các quỹ chính phủ và đầu tư tư nhân. Thái Lan cũng chủ trương đàm phán trên cơ sở bình đẳng với Trung Quốc.

Một trong những vấn đề thảo luận là tiêu chuẩn đường sắt cao tốc của Trung Quốc - vốn không phải lúc nào cũng tương thích với quy chuẩn quốc tế. Phía Thái Lan cho biết, giới chức nước này sẽ đánh giá lại các tiêu chuẩn đường sắt cao tốc của Trung Quốc nhằm đảm bảo đáp ứng quy định an toàn của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Trình độ chuyên môn của kỹ sư Trung Quốc tham gia dự án cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận. Theo ông Gao, hiện chưa có cơ chế công nhận chung giữa Trung Quốc và Thái Lan về chuyên môn của kỹ sư, kiến trúc sư.

Vì vậy, Trung Quốc phải trải qua quá trình tập huấn bổ sung, cấp chứng nhận mới có thể tham gia dự án.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc cũng cho biết, việc chuyển giao công nghệ cho Thái Lan bao gồm điều kiện Thái Lan chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều dự án tàu điện ngầm của Thái Lan áp dụng tiêu chuẩn công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản. Trong khi đó, hệ thống tín hiệu mà Trung Quốc sử dụng trên mạng lưới đường sắt của quốc gia này không tương thích với hệ thống của châu Âu và Nhật Bản.

Ông Gao cho biết, nhóm kỹ sư Trung Quốc luôn kiên định về quan điểm sử dụng tiêu chuẩn đường sắt của Trung Quốc trong quá trình đàm phán với Thái Lan dựa trên lập luận cách làm này sẽ giúp giảm chi phí và dễ tích hợp hơn với cơ sở hạ tầng đường sắt sẵn có tại Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.

Dự án đường sắt Trung Quốc - Thái Lan có chiều dài 873km, nối TP Côn Minh, Tây Nam Trung Quốc với Bangkok, Thái Lan, tàu có tốc độ lên tới 250km/h.

Dự án đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, sẽ trở thành tuyến kết nối quan trọng trong “hành lang phía Nam” giữa Trung Quốc với Đông Nam Á. Tuyến đường sẽ đi qua một số thành phố của Thái Lan như Chiang Mai, Nakhon Ratchasima và sẽ kết nối với những mạng lưới vận tải khác trong khu vực như tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc Malaysia - Singapore.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan được kỳ vọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á qua việc hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả hơn, thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

Giai đoạn đầu của dự án là đoạn nối giữa Bangkok với TP Nakhon Ratchasima. Trong giai đoạn này, Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính về thiết kế và xây dựng.

Giai đoạn 2 là tuyến đường sắt nối Nakhon Ratchasima với tỉnh Nong Khai dài 355km. Theo nhóm nghiên cứu của ông Gao, vai trò của Trung Quốc trong giai đoạn này sẽ thu hẹp, trong khi các công ty Thái Lan tham gia nhiều hơn vào quá trình thiết kế, xây dựng.

Giai đoạn cuối của dự án là xây dựng tuyến đường sắt nối Nong Khai với Vientiane, Lào. Tuyến đường này sẽ được kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, một dự án cũng nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.