Không quân Trung Quốc - Ảnh minh họa |
Theo báo chí Trung Quốc, nước này có kế hoạch xây dựng hai lò phản ứng thử nghiệm theo công nghệ "muối nóng chảy " ở tỉnh Cam Túc.
Đây là một bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc đang tìm cách nắm bắt tất cả "các công nghệ", được tạo ra bởi Hoa Kỳ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét rằng, những lò phản ứng như vậy có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực điện hạt nhân, nhưng để làm được điều này cần giải quyết một loạt vấn đề kỹ thuật rất phức tạp mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết tại bất cứ nước nào.
Dự án chính thức của Trung Quốc phát triển các lò phản ứng muối thorium nóng chảy bắt đầu ở Học viện Khoa học Trung Quốc từ năm 2011 dưới chỉ đạo của nhà khoa học nổi tiếng Jiang Mianheng.
Hiện nay, trên thế giới đang có một số chương trình nghiên cứu và có một loạt khởi nghiệp công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng những lò phản ứng như vậy.
Trong những năm 1950 và 1960, Mỹ đã xây dựng một lò thực nghiệm kiểu này. Vào thời điểm đó, trên cơ sở lò thử nghiệm đã xem xét khả năng chết tạo hệ thống năng lượng nhỏ gọn dành cho máy bay.
Hiện nay, trên thế giới không có lò phản ứng nào như vậy còn hoạt động, mặc dù công việc nghiên cứu chưa bao giờ dừng lại. Ngoài Trung Quốc, các dự án và công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này được tiến hành ở Hoa Kỳ, Canada và Nga.
Những lò phản ứng này có thể dùng cả nhiên liệu rắn hay nhiên liệu lỏng, trong trường hợp sau, nhiên liệu lỏng cũng có thể được sử dụng như một chất để làm nguội. Cùng với uranium, người ta cũng có thể sử dụng thorium hoặc plutonium làm nhiên liệu chạy lò.
Những lò phản ứng này ít bị cháy nổ vì có áp suất thấp hơn. Chúng có nhiệt độ hoạt động rất cao, 700-1400 độ, vì dung dịch muối được sử dụng thay vì nước để làm mát. Điều này cho phép sử dụng các lò phản ứng như vậy trong các tuabin phát điện của các nhà máy nhiệt điện thông thường.
Đồng thời, muối tan chảy có hoạt tính rất cao và dẫn đến sự mài mòn nhanh chóng của các cơ phận lò phản ứng. Thiếu các vật liệu có cấu trúc thích hợp là một trong những trở ngại chính, cũng như yêu cầu phức tạp về nhiên liệu cho những lò phản ứng loại này.
Như nhiều trường hợp khác, Trung Quốc đang có kế hoạch rõ ràng tập trung nguồn lực đáng kể cho dự án này, trước hết với mục đích làm chủ toàn bộ khối lượng kiến thức mà các quốc gia phương Tây và Nga đã tích tụ trong nhiều thập kỷ, và sau đó vượt qua các nước này.
Tuy nhiên, mức độ cực kỳ phức tạp của nhiệm vụ này bắt buộc phải xem xét kỹ càng thận trọng đối với bất kỳ tuyên bố nào về thời hạn thực hiện dự án.
Một bước đột phá trong việc tạo ra các lò phản ứng như vậy sẽ mở ra trước mắt Trung Quốc những khả năng hấp dẫn mới trong phát triển năng lượng hạt nhân quốc gia và có thể chế tạo ra các hệ thống năng lượng cung cấp cho tàu thủy, tàu vũ trụ và thậm chí cho nghành hàng không. Phương án sử dụng các lò phản ứng trên máy bay đã được đặt ra từ lúc mới manh nha phát triển, nhưng nó được coi là không thể được từ quan điểm về an toàn hạt nhân. Một tai nạn máy bay có thể dẫn đến việc ô nhiễm phóng xạ đáng kể.
Điều quan trọng cần lưu ý là những nước đã tích cực nghiên cứu vấn đề này trong thời kỳ "Chiến tranh Lạnh", ví dụ, Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh, cuối cùng đã quyết định không đầu tư nhiều vào công nghệ này, chỉ hạn chế trong việc tiếp tục nghiên cứu, thí nghiệm với cường độ thấp. Có lẽ, họ có những lý do thuyết phục trong việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận