Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc sẽ “nổi đóa” hay “mềm như bún” sau Phán quyết Biển Đông?

12/07/2016, 10:55

Giới quan sát và dư luận hiếu kỳ về phản ứng của Bắc Kinh sau khi Tòa ra phán quyết vụ kiện Biển Đông.

daxubi_LFAY

Các đảo nhân tạo trái phép mà Trung Quốc bồi đắp trên Đá Subi, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Hôm nay (12/7), Tòa Trọng tài thường trực (PCA)  sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Hãng Bloomberg và nhiều hãng truyền thông quốc tế đều dẫn ý kiến của các nhà phân tích về các kịch bản mà Bắc Kinh có thể tiến hành trong tương lai.

Cho đến trước thềm phán quyết diễn ra, Bắc Kinh vẫn “ngoan cố” kiên quyết không thừa nhận thẩm quyền của Trọng tài quốc tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó gọi vụ kiện Biển Đông là một “trò hề” cần kết thúc sớm, trong khi trang nhất Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11/7 cho đăng bài xã luận, trong đó phủ đầu việc bác bỏ tính hợp pháp của phiên tòa vụ kiện Biển Đông, đồng thời “đá bóng” sang Mỹ rằng: Washington lợi dụng vụ kiện Biển Đông để kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

“Thắng hay thua thì phán quyết của tòa không có ý nghĩa gì khác biệt với Bắc Kinh”, Nhân dân Nhật báo viết.

Bloomberg cho rằng, Bắc Kinh rất có thể sẽ có đủ các “sắc thái” phản ứng từ nặng đến nhẹ sau khi phán quyết Biển Đông được đưa ra.

Rất có thể, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ dùng những từ ngữ mạnh mẽ để bác bỏ thẩm quyền của tòa cũng như vẫn tiếp tục luận điệu “không công nhận phán quyết” trước đó. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể tăng cường chiến dịch… tuyên truyền quan điểm áp đặt của Bắc Kinh bằng việc công bố tên các quốc gia ủng hộ nước này trong vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Nếu phán quyết có lợi cho Manila, rất có thể, Trung Quốc sẽ giảm căng thẳng trên biển bằng việc tạm thời không “quấy rối” ngư dân các nước đang hoạt động ở Biển Đông, đồng thời giảm việc bồi đắp, xây dựng các căn cứ quân sự mới ở vùng biển này.

Cùng với đó, quân đội Trung Quốc có thể sẽ ngưng các hoạt động “dọa nạt” và đuổi các máy bay, tàu cá, tàu du lịch nước ngoài ở vùng Biển Đông. Đặc biệt, dư luận cho rằng Trung Quốc có thể sẽ quay ra mềm mỏng với chính quyền tân Tổng thống Philippines Duterte, giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao và đàm phán.

Ở mức độ… cao hơn, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như họ từng làm trên Biển Hoa Đông năm 2013. Nhưng tuyên bố này đã được Mỹ và các quốc gia đồng minh “phủ đầu” bằng việc không công nhận. Kèm theo đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các hoạt động quấy phá ngư dân các quốc gia trong khu vực ở Biển Đông, tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát, tăng cường “dọa nạt” như những gì Bắc Kinh từng làm trước đó trên vùng biển này.

Một phán đoán nữa cũng không được loại trừ, đó là Bắc Kinh có thể sẽ ngang nhiên bắt đầu triển khai hoạt động bồi lấp bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng của Philippines năm 2012. Cùng với đó, Bắc Kinh có thể sẽ công bố tọa độ chính xác của cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý của nước này trên biển, tuyên bố và củng cố chủ quyền tài nguyên biển nằm trong “đường lưỡi bò”.

Ngoài ra, một khả năng cuối cùng được dự đoán nhưng ít có khả năng xảy ra, đó là Trung Quốc tuyên bố rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, khả năng này ít xảy ra bởi như vậy, Trung Quốc sẽ “tự làm khó mình”, chưa kể nếu việc rút khỏi UNCLOS là sự thật thì phải 1 năm sau khi đệ trình, Bắc Kinh mới được chấp thuận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.