Thời sự Quốc tế

Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ về kinh tế bất chấp căng thẳng Nga-Ukraine

10/03/2022, 06:30

Theo chuyên gia tại Bắc Kinh, hệ lụy từ xung đột tại Ukraine không thể ngăn Trung Quốc vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước 2030.

“Tôi khá tự tin để nhận định rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trước năm 2030. Xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng lên Trung Quốc, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng tới Mỹ. Kinh tết tất cả các quốc gia sẽ tăng trưởng chậm lại”, ông Justin Lin Yifu, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới và hiện là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra trong bối cảnh áp lực kinh tế và quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây có nhiều căng thẳng, đồng thời chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn vì dịch Covid-19.

Ông Lin khẳng định mức lạm phát tại Trung Quốc sẽ không tăng nhanh bất chấp đà tăng của giá dầu mỏ, lương thực. Thay vào đó, ông tin tưởng, Trung Quốc có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm ở mức 8% tới năm 2035.

img

Chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới năm 2030 bất chấp khủng hoảng Ukraine. Ảnh - istock

Để đưa ra dự đoán đầy tham vọng về triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc, chuyên gia Lin đã dựa trên những tiềm lực chưa được khai thác hết của quốc gia này.

Ông Lin cho rằng Trung Quốc vẫn còn không gian để phát triển những ngành công nghiệp truyền thống. Đồng thời, là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh và thị trường nội địa lớn. Trong các lĩnh vực kinh tế mới, Trung Quốc cũng có khả năng thay đổi mạnh mẽ để đuổi kịp và vượt qua các quốc gia đi trước.

Bình luận trên được đưa ra bất chấp thời gian gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu bất ổn trên thị trường trái phiếu Trung Quốc khi các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo 67 tỷ Nhân dân tệ (10,6 tỷ USD) trái phiếu vào tháng trước.

Hiện chưa rõ nhà đầu tư nào đã bán trái phiếu Trung Quốc, nhưng Ngân hàng ANZ từng ước tính ngân hàng trung ương Nga và quỹ đầu tư quốc gia Nga, đều nằm trong các đối tượng bị trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây, nắm giữ lượng trái phiếu Trung Quốc trị giá 140 tỷ USD.

Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong năm 2022 ở mức khoảng 3%. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội khoảng 5,5% trong năm nay, so với con số 5,1% của hai năm trở lại đây. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc năm 2022 là 4,8%.

Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2032.

img

Ông Justin Lin Yifu, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới và hiện là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đã đạt khoảng 3/4 quy mô kinh tế Mỹ và từ lâu đã được Mỹ coi như đối thủ chiến lược trong lĩnh vực kinh tế.

Ngoài ra, ông Lin chỉ trích Mỹ sử dụng các nền tảng tài chính toàn cầu như SWIFT và hệ thống đồng USD như một công cụ trừng phạt, điều mà Trung Quốc từng phải đối mặt năm 2019.

“Nên tách bạch kinh doanh và chính trị, nếu không sẽ mang đến cú sốc cho hệ thống tài chính quốc tế”, ông Lin cảnh báo.

Từ lâu, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng Nhân dân tệ và thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ Trung Quốc tại nước ngoài.

Ông Lin cho rằng quá trình trên cần được thực hiện song song với sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhận định cần nhiều thời gian để Nhân dân tệ có thể thay thế USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.