Bộ Công thương hôm nay 2/4 cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa mặc dù đã được khôi phục trở lại, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do bắt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc đang bị thiếu do mới đây phía Trung Quốc đã thông báo đến các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn về việc không cho các lái xe là người từ một số tỉnh, thành phố như TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, được giao, nhận hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc. Lý do bởi đây là các tỉnh, thành phố đang phát sinh diễn biến phức tạp về dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Việt Nam, phía Trung Quốc cũng đang tăng cường siết chặt công tác kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 30/3, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.175 xe hàng. Trong đó, riêng tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.086 xe, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít.
Trong bối cảnh năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới đã được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, đồng thời phải áp dụng thêm các phương án kiểm soát nghiêm ngặt, phòng chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước, Bộ Công thương nhận định, trong thời gian tới có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc.
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của ta sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu như lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị: “Đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; Không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận