Nguồn tin của báo SCMP ngày 5/5 cho biết, một hạm đội của Hải quân Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận hộ tống, trong đó các chiến thuyền của Bắc Kinh đã đi qua khu vực Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV) trên khu vực Biển Đông sau khi hoàn thành một chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden, ngoài khơi bờ biển Somalia.
Lấy danh nghĩa chống diễn biến Covid-19 và cướp biển
Các nhà phân tích cho biết nhiệm vụ nói trên được Hải quân Trung Quốc tiến hành và kết thúc vào hôm thứ Bảy tuần trước. Tham gia cuộc diễn tập này là các tàu chiến của hạm đội hộ tống số 35 của Hải quân Trung Quốc.
Theo quân đội của Bắc Kinh, đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ tăng cường huấn luyện trên biển cho các tàu chiến và nâng cao năng lực chống cướp biển, bảo vệ tàu thương mại của Trung Quốc.
Trang PLA Daily của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) báo cáo rằng, hạm đội hộ tống số 35 bao gồm các khu trục hạm mang tên lần lượt là Thái Nguyên và Kinh Châu, đã thực hiện các cuộc tập trận mô phỏng tình huống giải cứu các tàu buôn bị tấn công và phối hợp các hoạt động chống cướp biển ở khu vực Quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam) mà phía Trung Quốc tự gọi là Nam Sa.
Yang Aibin, một sĩ quan Hải quân PLA được trang PLA Daily dẫn lời, nói rằng hạm đội Trung Quốc tập trung vào các bài tập cải thiện khả năng ứng phó chiến đấu trong điều kiện tác chiến trên biển và trên không.
Đồng thời, theo viên sỹ quan này, hoạt động diễn tập cũng là “để đối phó với tình hình mới do dịch bệnh toàn cầu (Covid-19) và cướp biển ở khu vực gần đó tạo ra”.
“Chúng tôi không ngừng cải thiện kế hoạch tác chiến và tiến hành tinh chỉnh chuyên môn để tăng cường hơn nữa khả năng hộ tống của hạm đội” - Yang Aibin nói.
Theo SCMP, cuộc tập trận diễn ra khi quân đội Hoa Kỳ tăng cường tự do hoạt động hàng hải trong vùng biển tranh chấp, thách thức các yêu sách đòi hỏi chủ quyền hàng hải vô lý của Bắc Kinh ở khu vực.
Thông điệp cảnh báo Mỹ
Tuần trước, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill của Hải quân Mỹ đã có chuyến đi khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở vùng hải phận quốc tế trên khu vực Quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một tàu khu trục tên lửa dẫn đường khác của Hải quân Mỹ có tên USS Barry cũng vừa thực hiện một nhiệm vụ khẳng định quyền tự do hàng hải gần Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chuyển quyền của Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép – PV).
Khi đó, Trung Quốc cũng ra tuyến bố nói rằng Bắc Kinh đã triển khai lực lượng hải quân của mình để cảnh báo tàu khu trục USS Barry của Washington.
Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự phi pháp ở Biển Đông, triển khai ở đó các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa.
Theo SCMP, Hạm đội hộ tống số 35 của Trung Quốc đã đến Biển Đông sau một chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden vào cuối tháng 4, một nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo phân công của Hội đồng bảo An Liên Hợp Quốc.
Hạm đội 35 bao gồm 690 sĩ quan, hai máy bay trực thăng và hai khu trục hạm Thái Nguyên và Kinh Châu. Quân đội Trung Quốc cho biết họ vẫn cam kết thực hiện sứ mệnh của mình bất chấp đại dịch Covid-19.
Phô diễn cơ bắp trên Biển Đông
Collin Koh, một nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, có trụ sở tại Đại học Công nghệ Nam Vang ở Singapore, cho biết:
“Cuộc tập trận trên khu vực quần đảo Trường Sa và đại dịch Covid-19 mà quân đội nhắc đến dường như liên quan đến các hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên tàu khu trục Thái Nguyên và tàu khu trục Kinh Châu thực hiện nhiệm vụ này. Chính vì vậy, nó luôn có cơ hội được giao cho những tàu chiến lần đầu tiên như hai Thái Nguyên và Kinh Châu. Chúng có dịp để tiếp xúc nhiều hơn với việc huấn luyện tác chiến biển xa nhân trên đường quay về nước từ một sứ mệnh triển khai ở vùng Vịnh”.
Tuy nhiên, theo ông Collin Koh, bối cảnh khác biệt duy nhất lần này là sự phát triển tình hình gần đây của Biển Đông, do đó cuộc tập trận trên khu vực Biển Đông của Hải quân Trung Quốc đã mang một ý nghĩa mới.
Chuyên gia Collin Koh cho rằng, Bắc Kinh rõ ràng có ý định phô diễn cơ bắp nhân dịp triển khai lực lượng đặc nhiệm này để khẳng định các yêu sách đòi chủ quyền (phi lý, phi pháp – PV) của mình để chống lại những gì họ coi là “Mỹ can thiệp vào khu vực”.
Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết cướp biển có thể coi đại dịch Covid-19 là một cơ hội để tấn công tàu thương mại và cần có khả năng hỗ trợ hộ tống mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo ông Song Zhongping, hải tặc không phải là mối đe dọa duy nhất. Nhà quan sát này cho rằng “Trung Quốc đối mặt với nguy cơ các cuộc tấn công do nhà nước bảo trợ để chống lại tàu thuyền của Bắc Kinh”.
Song Zhongping nói như vậy khi đề cập đến lời kêu gọi của một sĩ quan quân đội Mỹ đã nghỉ hưu khi ông cho rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng “lực lượng tư nhân” để chống lại sự thù địch của Trung Quốc trên biển.
“Hạm đội hộ tống của Hải quân Trung Quốc cũng có thể cần phải đối phó với mối đe dọa như vậy. Điều này có nghĩa là cần phải có những yêu cầu huấn luyện chặt chẽ hơn đối với lực lượng hải quân của PLA” - Song Zhongping nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận