Quân sự

Trung Quốc thông báo tập trận, cấm tàu bè ở Hoàng Sa

05/08/2019, 17:33

Trung Quốc ngang nhiên thông báo tập trận, cấm tàu bè qua lại ở Hoàng Sa từ 6-7/8/2019.

img
Hải quân Trung Quốc - ảnh minh họa Business Insider.

Theo báo Thanh Niên, ngày, Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc ngang nhiên đăng hai thông báo với nội dung quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) từ ngày 6-7/8/2019.

Cụ thể, theo thông báo thứ nhất được báo Thanh Niên trích dẫn thông tin, cuộc tập trận bắt đầu từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 6.8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 50,6 phút vĩ Bắc/112 độ 21 phút kinh Đông, 16 độ 59 phút vĩ Bắc/112 độ 21,4 phút kinh Đông, 16 độ 58,1 phút vĩ Bắc/112 độ 27,9 phút kinh Đông và 16 độ 52,7 vĩ Bắc/112 độ 30,8 phút kinh Đông.

Còn theo thông báo thứ hai, cuộc tập trận bắt đầu từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 7.8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 26,9 phút vĩ Bắc/112 độ 42,7 phút kinh Đông, 16 độ 26,20 phút vĩ Bắc/111 độ 50 phút kinh Đông,16 độ 20,30 phút vĩ Bắc/111 độ 44,7 phút kinh Đông và 16 độ 22,52 phút vĩ Bắc/111 độ 36,66 phút kinh Đông.

img
Thông báo của Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc về cuộc tập trận diễn ra từ ngày 6/8 ở Hoàng Sa. (ảnh chụp màn hình trang web của Cục Hải sự Trung Quốc do báo Thanh Niên đăng tải).

Cả hai thông báo đều cấm tàu bè vào khu vực tập trận nhưng không nói rõ số binh sĩ cũng như khí tài tham gia tập trận.

Việt Nam luôn kiên định phản đối các cuộc tập trận và những hoạt động phi pháp khác của Trung Quốc ở Hoàng Sa, đồng thời khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 3 nêu rõ: "Cần phải khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa, cũng như có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng trở thành thành phố, căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.