Nhật Bản vừa thực hiện đợt trợ cấp đầu tiên cho 87 công ty đang hoạt động tại Trung Quốc, cùng với yêu cầu quay về mở rộng sản xuất nội địa hoặc chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Hàng chục công ty tiếp theo cũng đã được lên danh sách.
Quá phụ thuộc vào Trung Quốc
Động thái của Nhật được thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra tổn hại nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch lần này một lần nữa khiến nhiều công ty và quốc gia, không riêng Nhật, nhận ra sâu sắc hơn điều mà trước đó có thể họ từng lo ngại, nhưng chưa thực sự để tâm: Quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc. Trong số 87 công ty nhận trợ cấp đợt đầu tiên, 57 công ty sẽ mở thêm nhà máy tại nội địa và 30 công ty còn lại dự định mở rộng sản xuất ra các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.
Dù các công ty này có tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 1% tổng lượng đầu tư của Nhật vào Trung Quốc nên chưa gây ra tác động kinh tế tức thì. Tuy nhiên, nếu xu hướng này tiếp tục, các nước khác học theo, nó có thể ảnh hưởng đến nền móng mô hình phát triển dài hạn của Trung Quốc, làm xói mòn cơ sở công nghiệp của quốc gia này.
Báo SCMP dẫn nhận định của giới quan sát nói rằng, Trung Quốc đang thực sự lo lắng trước làn sóng rời đi của các công ty của Nhật Bản, bởi ngoài các tác động về kinh tế, việc làm, Bắc Kinh còn lo sợ bị “mất mặt” với thế giới.
Cuộc khảo sát do Teikoku Databank, công ty nghiên cứu tín dụng hàng đầu Nhật Bản thực hiện cho thấy, số công ty Nhật Bản tại Trung Quốc tính đến cuối tháng 5/2019 là 13.685 (năm 2016 là 13.934 công ty). Thời kỳ đỉnh điểm nhất của đầu tư Nhật vào Trung Quốc là năm 2012, có tới 14.394 công ty Nhật hoạt động tại đây.
Theo giới chức Nhật Bản, hiện tại, danh sách các công ty được trợ cấp lần thứ 2 đang được hoàn thiện với thành phần tương tự như danh sách đầu (87 công ty).
Nhật Bản muốn tách liên kết, chung tay với Mỹ
Nhận định về mục đích của chương trình trợ cấp, ông Hideo Kawabuchi, Phó tổng giám đốc Tổ chức Thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO) cho biết, mục đích chính thức là nhằm đa dạng hoá các nguồn cung của Nhật, tạo sự linh hoạt, đa dạng, hơn là chỉ tập trung vào riêng Trung Quốc. Chính sách trợ cấp đó không bắt buộc, còn quyết định chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc là tuỳ thuộc vào lựa chọn của từng công ty.
“Chính các giám đốc doanh nghiệp Nhật mới là người quyết định cuối cùng nơi sẽ đầu tư, cân nhắc đến tính chất đa dạng hoá để hạn chế tối thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng cùng các chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng bất ngờ”, ông Kawabuchi nói và cho rằng, thực tế sự gián đoạn trong ngành lắp ráp ô tô vì thiếu nguồn cung từ Trung Quốc do dịch bệnh đã chứng minh nhận định này.
Mặt khác, theo một số chuyên gia, động thái của Tokyo được coi là có chủ đích nhằm tách liên kết với Trung Quốc về kinh tế, gia nhập vào mặt trận thống nhất với Mỹ chống lại Bắc Kinh.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington cho hay, Washington cần phải hiểu rõ hành động của Tokyo và áp dụng hướng đi của riêng mình nếu muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác thực thụ với Nhật trước những thách thức đặt ra từ phía Trung Quốc.
Tuy vậy, theo ông Hideo Kawabuchi, kể cả khi chính phủ Nhật, Mỹ muốn hạn chế dính líu về kinh tế với Trung Quốc, song các công ty quốc tế vẫn có rất nhiều lý do để đặt nhà máy tại nước này. Ngoài lợi ích về nguồn cung, các doanh nghiệp còn hứng thú với thị trường nội địa của họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận