Trung Quốc đưa tàu “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” đến khai thác du lịch trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 13/3 |
Trong một diễn biến gây hấn mới nhất, hôm 13/3, Trung Quốc tiếp tục đưa trái phép tàu du lịch “Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ” ra Hoàng Sa của Việt Nam. Một động thái được xem là “đổ thêm dầu vào lửa”. Sau khi nước này đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và lắp đặt hệ thống radar trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
EU kêu gọi kiềm chế quân sự hóa
Trước các động thái khiến căng thẳng biển Đông leo thang của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình. EU cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc đang là một… hiểm họa trên biển, mặc dù liên minh này không đứng về bên nào đối với các tuyên bố chủ quyền vùng đất, vùng biển tại biển Đông, theo AFP ngày 13/3.
Trong một tuyên bố phát đi từ Brussel (Bỉ): “EU kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp thông qua các phương thức ôn hòa, làm rõ cơ sở các tuyên bố của mình và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các thủ tục phân xử của nó.
EU quan ngại về việc triển khai tên lửa tại các hòn đảo trên biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc vĩnh viễn các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo đang có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thể đe dọa tự do hàng hải và hàng không. Do vậy EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hoá trong khu vực, dùng hoặc đe doạ dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương.
”Biển Đông sẽ khiến Ngân hàng AIIB chịu vạ lây?
Chủ nhật vừa rồi (13/3), ông Chu Cường, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết, nước này sẽ thành lập một Trung tâm Pháp lý Quốc tế về hàng hải, để “bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển của quốc gia”.
Chuyên gia Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle tại Manila nhận định, việc thành lập trung tâm pháp lý nhằm che giấu thái độ bành trướng và tẩy chay phiên tòa tại The Hague; Tuy nhiên việc này không có ý nghĩa gì đối với cách đánh giá của thế giới về cách hành xử của Trung Quốc trên biển.
Động thái này khiến các nhà quan sát lo ngại đây sẽ là một bước đi nữa của Trung Quốc trong các đòi hỏi, yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển. Đồng thời, hãng tin CNN (Mỹ) đánh giá đây còn là một động thái kế tiếp của Trung Quốc trong việc “lép vế” trước các tổ chức quốc tế do Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Điển hình như việc nước này thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB).
Tạp chí nghiên cứu Eurasia (Mỹ) cũng đưa ra nhận định AIIB rất có thể sẽ là nạn nhân của chính các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. AIIB dự kiến sẽ cung cấp các khoản cho vay đầu tiên vào giữa năm 2016, thời điểm mà Tòa Trọng tài thường trực của Liên hợp quốc sẽ ra phán quyết về việc nước này bị Philippines kiện liên quan đến chủ quyền Biển Đông.
Nếu như Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Toà thường trực (một định chế quốc tế được công nhận), thì cũng có nghĩa nước này tạo ra tiền lệ coi thường cơ chế trọng tài quốc tế. Hậu quả, trong trường hợp những nước vay tiền của AIIB viện mọi lý do trì hoãn trả nợ, Trung Quốc khó mà cầu viện các cơ chế quốc tế để đi đòi nợ khi chính họ coi thường định chế quốc tế.
Không những thế, theo Eurasia, đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông được tuyên bố không dựa trên một cơ sở pháp lý nào; vì vậy, những nước vay tiền của AIIB trong tương lai hoàn toàn có lý do quan ngại việc một ngày nào đó Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền ở những nơi cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng tiền vay của AIIB. Do vậy, Eurasia khuyên các nước có ý định vay tiền của AIIB nên tính đến rủi ro này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận