Cảnh quay phát trên CCTV vô tình tiết lộ việc Trung Quốc triển khai H-6K trên đá Chữ Thập, theo IHS Jane"s. (Ảnh: CCTV) |
Thông tin được Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hé lộ ngay trong tuần đầu tiên của tháng 5, thời điểm tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Động thái cho thấy, Bắc Kinh đang bất chấp tất cả để thực hiện các yêu sách chủ quyền phi lý trên vùng biển này.
Theo đó, chương trình “Đời sống quân ngũ” của CCTV đã vô tình để lộ việc Bắc Kinh triển khai H-6K trên đá Chữ Thập, tuy nhiên chương trình này không nói rõ thời gian cũng như số lượng H-6K được triển khai.
Nội dung chương trình nói về sự nghiệp của một phi công lái máy bay H-6K tên là Liu Rui, song vô tình, các hình ảnh trong đoạn phóng sự về phi công đã hé lộ các hình ảnh đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ kính chắn gió phía trước của một chiếc H-6K.
Việc triển khai các máy bay H-6K trên đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc ngày càng tiến gần hơn nữa tới mục tiêu quân sự hóa Biển Đông, giới quan sát nhận định.
Được hé lộ vào năm 2007, H-6K là phiên bản mới nhất của loạt máy bay ném bom H-6 XAC – bản sao của dòng máy bay Tu-16 của Liên Xô, bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc cuối năm 1960.
H-6K sử dụng động cơ phản lực Soloviev D-30KP-2 của Nga, có radar lớn và được trang bị hệ thống nhận diện mục tiêu quang điện từ. Phi cơ có thể mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-20 với tầm phóng 1.500 km có thể mang đầu đạn hạt nhân, hoặc tên lửa hành trình chống hạm phi hạt nhân với tầm phóng 250-500 km.
Hôm 11/5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo 3 máy bay chiến đấu và 3 chiến hạm đã được lệnh theo sát tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ USS William P. Lawrence (đã đi vào vùng 12 hải lý gần đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái làm gia tăng các mối quan ngại của quốc tế về “điểm nóng” Biển Đông hiện nay.
Liên quan đến các động thái của Trung Quốc, nhiều lần Việt Nam đã lên tiếng cực lực phản đối. Mới nhất, trả lời phóng viên tại một cuộc họp báo tháng 4/2016, đề nghị cho biết các phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc cho triển khai chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố:
“Một lần nữa chúng tôi khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe doạ hoà bình ổn định trong khu vực, trên thế giới và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Vì vậy, “Việt Nam mạnh mẽ và kiên quyết phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc không đưa máy bay chiến đấu vào Hoàng Sa, thay vào đó, có những hành động mang tính xây dựng đóng góp vào hoà bình và ổn định, an ninh trong khu vực” - ông Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận