Thuyết phục Trung Quốc là nhiệm vụ gần như bất khả thi
Nhóm cố vấn này sẽ rất khác với nhóm điều tra nguồn gốc virus Covid-19 mà WHO từng cử tới Trung Quốc.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, khẳng định, ban điều tra sắp tới sẽ có khoảng 20 chuyên gia nghiên cứu về virus, nhà di truyền học, chuyên gia về động vật, chuyên gia về an ninh - an toàn...
Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO. Ảnh - AP
Trong đó, việc WHO đưa thêm các chuyên gia về lĩnh vực như an toàn phòng thí nghiệm, an toàn sinh học vào ban điều tra được coi là động thái nhằm xoa dịu phương Tây khi chính phủ các nước trong khu vực này rất bức xúc với nghi vấn virus xuất phát từ phòng thí nghiệm.
Đặc biệt, không dừng ở virus SARS-CoV-2, nhóm điều tra sẽ có nhiệm vụ cân nhắc sự xuất hiện của tất cả các mầm bệnh mới, qua đó nhóm có thể duy trì hoạt động lâu dài và tách ra khỏi những tranh cãi chính trị về nguồn gốc Covid-19 như vừa qua và củng cố khả năng ứng phó đại dịch trong tương lai.
Trong cuộc điều tra trước, nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán hồi tháng 1/2021 chưa đưa ra được kết luận rõ ràng về nguồn gốc đại dịch. WHO và Trung Quốc đã đưa ra báo cáo chung cho rằng, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Trước bức xúc của phương Tây, WHO kêu gọi hợp tác điều tra lại nguồn gốc đại dịch. Song trong tuyên bố hồi tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc nói: "Chúng tôi phản đối cuộc điều tra mang tính chính trị và cả hành động không chấp nhận báo cáo chung mà WHO cùng Trung Quốc đưa ra trước đó.
Theo ông Mã, công tác xác định nguồn gốc đại dịch trên toàn cầu sắp tới nên và chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở báo cáo chung giữa WHO và Trung Quốc, thay vì bắt đầu lại từ đầu".
“Trước bối cảnh nguồn gốc virus đang bị chính trị hóa như hiện nay, chúng tôi muốn đưa công tác điều tra trở lại đúng với ý nghĩa khoa học, đưa vấn đề này về trách nhiệm của WHO - là một tổ chức hội tụ những chuyên gia giỏi nhất trên thế giới để giải quyết các công việc cấp bách của toàn cầu”, bà Kerkhove nhấn mạnh.
Song, tờ New York Times dẫn lời nhiều nhà khoa học cho rằng, điều cần làm nhất trong cuộc điều tra sắp tới là phải thuyết phục Trung Quốc công bố bằng chứng về những ca lây nhiễm đầu tiên, cho phép các điều tra viên thanh tra phòng thí nghiệm virus, các trang trại nuôi động vật hoang dã nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.
Song, đây được đánh giá là nhiệm vụ gần như bất khả thi vì Bắc Kinh từng rất tức giận khi có nhà khoa học nghi ngờ virus xuất phát từ phòng thí nghiệm và cho rằng nên điều tra thêm những ca nhiễm ban đầu tại các nước khác như Italy hay các cơ sở nghiên cứu tại Mỹ, theo New York Times.
Cách làm chưa từng có
Dù biết trước sẽ rất khó khăn và phải đối mặt với trở ngại từ nhiều phía nhưng đã có hơn 700 người nộp đơn xin tham gia ban điều tra.
Để hạn chế tình trạng bị nghi ngờ hay chỉ trích như lần trước, trong lần tuyển chọn này, ngoài quy định nộp lý lịch và thư xin tham gia, WHO yêu cầu các ứng viên phải thông báo rõ về tất cả nguy cơ tiềm ẩn xung đột lợi ích.
Bởi vì, trong cuộc điều tra trước, ông Peter Daszak - chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh ở động vật, một thành viên của nhóm điều tra - đã bị chỉ trích do có quan hệ rất thân thiết với Viện virus Vũ Hán.
Daszak khẳng định sở dĩ ông được chọn để tham gia nhóm điều tra viên đơn giản là vì có chuyên môn về Trung Quốc và virus Corona nhưng vẫn có nhiều hoài nghi về tính chính xác trong báo cáo của WHO.
Đánh giá cách WHO lựa chọn ban điều tra mới, ông Lawrence Gostin, người điều hành Viện O’Neill về Luật y tế quốc gia & toàn cầu thuộc Đại học Georgetown khẳng định: "Nhóm cố vấn mới sẽ có trách nhiệm và quyền hạn toàn cầu thích hợp để phục vụ điều tra - điều chưa từng có trước đây”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận