Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ mới đây công bố báo cáo Đánh giá 2021 về các chợ tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền liệt lê 6 nền tảng online và 9 khu thương mại Trung Quốc vi phạm luật về thương hiệu và bản quyền của Mỹ.
Cụ thể, bên cạnh 4 nền tảng đã xuất hiện trong các đánh giá trước đó là Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao, hai nền tảng AliExpress và WeChat lần đầu xuất hiện trong báo cáo năm nay.
Báo cáo cho rằng AliExpress và Taobao sở hữu những công cụ chống hàng giả tốt nhất trong ngành nhưng lại đang quảng bá nhiều hàng giả và việc xóa bỏ những người bán hàng giả trên các nền tảng này ngày càng khó.
Hải quan Mỹ tịch thu hàng giả tại Los Angeles.
Theo nội dung báo cáo, WeChat - nền tảng trực tuyến với hơn 1,2 tỷ người dùng trên toàn cầu vào năm 2021, dường như giúp việc mua hàng nhái trở nên thuận tiện hơn nhờ sự kết nối giữa mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.
Trong khi đó, hình thức xử phạt khi phát hiện hành vi bán hàng giả trên WeChat thường chỉ bao gồm đình chỉ bán hàng trong thời gian ngắn.
Cũng theo báo cáo, dịch vụ lưu trữ đám mây Baidu Wangpan là yếu tố giúp các bộ phim vi phạm bản quyền ngày càng được chia sẻ rộng rãi, thậm chí dù có thể bị xoá nhưng những bộ phim lậu này nhanh chóng xuất hiện trở lại.
Bên cạnh đó, DHGate, nơi chủ yếu bán buôn hàng giả cho những công ty bên ngoài Trung Quốc, đã đưa thêm 5 thanh sát viên và danh sách 3.400 từ khoá phục vụ kiểm duyệt nhưng số lượng phàn nàn vẫn tiếp tục tăng.
Báo cáo nhận định nền kinh tế Mỹ thiệt hại 29,2 tỷ USD mỗi năm do hàng giả trên toàn cầu, và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới.
Báo cáo đưa ra thông tin hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép, phụ kiện thời trang là những món hàng giả phổ biến nhất bị hải quan Mỹ thu giữ, trong đó hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất.
Phía Mỹ đưa ra dẫn chứng khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân trong dịch Covid-19 được sản xuất trong điều kiện không hợp vệ sinh tại Trung Quốc và bắt nguồn từ các cơ sở sản xuất các loại hàng giả khác.
Trước thông tin trên, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết không công nhận kết luận của báo cáo và phản đối hành động vô trách nhiệm từ phía Mỹ.
Cơ quan ngày cho rằng Chính quyền Mỹ đã dùng Báo cáo về các chợ có tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền để cáo buộc các quốc gia khác. Cơ quan này cáo buộc Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép và cho rằng vấn đề vi phạm bản quyền, hàng giả đã tồn tại từ lâu trong lãnh thổ Mỹ.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhận định phía Mỹ nên “công nhận toàn diện và khách quan các nỗ lực và thành quả của Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đưa ra đánh giá công bằng để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận